Yên Bái: Khẩn trương tìm nơi ở mới an toàn cho người dân Mù Cang Chải

Thứ năm, 10/08/2017 12:18
(ĐCSVN) – Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả lũ quét tại huyện Mù Cang Chải, đồng chí Đỗ Đức Duy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Vấn đề khó khăn hiện đặt ra là phải tìm được đất phù hợp để di dời những hộ dân đang ở các vị trí có nguy cơ cao về sạt lở, về lũ ống, lũ quét.

Mù Cang Chải (Yên Bái) sau cơn lũ quét lịch sử

Mù Cang Chải dồn sức ổn định cuộc sống người dân sau lũ quét

 

Đồng chí Đỗ Đức Duy (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra công tác khắc phục thiên tai tại Mù Cang Chải. Ảnh: Đình Sinh

Phóng viên (PV): Trận lũ quét lịch sử đã làm Mù Cang Chải thiệt hại nặng nề về cả người và tài sản. Việc khắc phục hậu quả thiên tai đã và đang được triển khai, nhưng thực tế cho thấy dường như khó khăn ở phía trước vẫn còn rất nhiều, thưa đồng chí?

 Đồng chí Đỗ Đức Duy: Ngay sau khi xảy ra lũ quét tại Mù Cang Chải, công tác khắc phục hậu quả thiên tai tập trung vào một số việc trọng điểm: Thứ nhất là tìm kiếm cứu nạn những người còn đang mất tích; thứ hai là di dời, bố trí cho những người dân bị mất nhà có chỗ ở tạm, có thể ở ghép với cộng đồng, với gia đình, một số ở tại các trụ sở cơ quan nhà nước, kết hợp với đó là bảo đảm an sinh xã hội cho các hộ gia đình phải di dời. Thứ ba là dọn đất đá, vệ sinh môi trường những vị trí bị sạt lở. Và cuối cùng là mở thông các tuyến đường đang bị chia cắt.

Một trong những công việc rất khó khăn nhưng tỉnh Yên Bái vẫn quyết định thực hiện, đó là tiếp tục di dời những hộ dân đang ở vị trí có nguy cơ cao về sạt lở, có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét. Mặc dù những hộ dân này chưa bị ảnh hưởng của trận lũ ngày 3/8, song qua rà soát, chúng tôi vẫn thấy đó là những vị trí ở không an toàn.Trong những ngày vừa qua, bắt đầu từ ngày 4/8, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo huyện Mù Cang Chải và các xã rà soát, tìm những vị trí bà con ở không an toàn. Đến cuối chiều 8/8 qua rà soát đã thống kê có 60 hộ dân phải di dời khẩn cấp mặc dù trên thực tế chưa có sạt lở, sập đổ, hư hại gì.

Chúng tôi xác định đó là việc rất quan trọng, cần phải làm ngay. Trong quá trình rà soát, chúng tôi phát hiện có những vị trí như bản Phình Hồ của xã Dế Xu Phình, trên đỉnh núi có vết nứt bề rộng lên đến 50 – 60cm, ảnh hưởng tới 23 hộ dân, với diện tích khoảng 19ha đất sản xuất nông nghiệp.Hiện trạng đó phải quyết định di dời khẩn cấp, việc trước tiên là phải di dời người và tài sản, tiếp sau đó là di dời nhà, phải đi tìm những vị trí đất ở an toàn, gần với đất sản xuất, đất canh tác để di chuyển bà con đến đó. Tính đến ngày 8/8, số lượng hộ dân cần di dời khẩn cấp được rà soát đã lên tới 60 hộ, cộng với 39 hộ đã sập đổ nhà hoàn toàn là 99 hộ. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện đặt ra là phải tìm được đất để di dời.Tới thời điểm này, theo báo cáo của huyện Mù Cang Chải đã xác định được 68 nền, còn lại đang tiếp tục tìm kiếm.

Đến trưa ngày 10/8, đường vào xã Chế Tạo vẫn chưa được thông toàn tuyến. Ảnh: Hải Hà

PV: Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ làm gì để quy hoạch, bố trí lại dân cư nhằm bảo đảm cuộc sống an toàn hơn cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra?

Đồng chí Đỗ Đức Duy: Chúng tôi xác định việc di dời các hộ dân khỏi những vị trí có nguy cơ cao về sạt lở đất là việc làm cấp bách và lâu dài.

Do đặc điểm địa hình của tỉnh Yên Bái có độ dốc lớn, nhiều khe suối độ dốc lên tới 60 độ, có nhiều vị trí đứt gãy về mặt địa chất, do vậy khi có mưa lớn nguy cơ sạt lở rất cao. Các đoàn công tác của Trung ương đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai ở Mù Cang Chải đều chỉ đạo tỉnh nghiên cứu, xem xét việc bố trí lại dân cư để người dân đến nơi định cư tại những vị trí an toàn, giảm thiểu tối đa nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này thì một mình Yên Bái không thể làm được, mà cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành cùng sự nỗ lực của các cơ quan chức năng của tỉnh. Vì trên địa bàn của huyện Mù Cang Chải, đặc biệt một số xã như Chế Tạo, Dế Xu Phình…, nguy cơ sạt lở cao, trong khi đó quỹ đất an toàn để có thể bố trí dân cư lại không nhiều. Thêm vào đó, theo thói quen canh tác của bà con đồng bào người Mông thì nơi ở phải gần với nơi có đất canh tác. Do vậy, việc tìm được vị trí vừa có đất bằng có thể làm đất ở an toàn, lại gắn với đất sản xuất thì đó là bài toán khó. Quỹ đất đó không nhiều. Từ sự chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Yên Bái sẽ nghiên cứu, rà soát để bố trí lại dân cư nhằm đảm bảo cho người dân có đất ở an toàn và tiếp tục làm kinh tế nông, lâm nghiệp...

PV: Trụ cột kinh tế của Mù Cang Chải vẫn là kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, trận lũ quét vừa qua đã khiến cho 141 công trình thủy lợi bị hư hại. Giải pháp khắc phục vấn đề này được tỉnh tính toán thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Đỗ Đức Duy: Hiện nay, theo thống kê có 141 công trình thủy lợi bị hư hại, nặng nề nhất là xã Kim Nọi có 63 công trình. Nếu các công trình này không được khôi phục thì ảnh hưởng ngay tới hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp. Do đó, trước mắt, tỉnh sẽ sử dụng nguồn lực của tỉnh để sửa chữa, khắc phục kịp thời các công trình thủy lợi, giao thông bị hư hại. Sau đó, tỉnh sẽ có đề nghị với Chính phủ, với các bộ, ngành để sử dụng nguồn quỹ phòng chống thiên tai, nguồn dự phòng, hỗ trợ khẩn cấp để hỗ trợ sửa chữa, khắc phục các công trình này.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực