Bệnh viện Tâm thần Trung ương II: Nỗ lực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ sáu, 18/08/2023 15:31
(ĐCSVN) - Hiện nay, sức khoẻ tâm thần đang là vấn đề được xã hội ngày càng quan tâm. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị hợp lý, bệnh có thể tiến triển thành mạn tính. Bệnh thường có các chứng rối loạn lo âu, trầm cảm. Do đó, việc đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế nước nhà.

Từ năm 1915, người Pháp đã xây dựng tại Biên Hòa một nơi quản lý người bệnh tâm thần mà nhân dân quen gọi là “Nhà thương điên Biên Hòa”. Trải qua những diễn biến thời cuộc, Nhà thương này được chuyển thành Bệnh viện Tâm thần - nơi điều trị bệnh với cơ sở, phương tiện hiện đại hơn; với đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng ngày một đông hơn, chuyên môn cao hơn.

Bệnh viện Tâm thần Trung ương II tại đường Nguyễn Ái Quốc, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. 

Với quy mô, nhiệm vụ, năm 2003, Bệnh viện được Bộ Y tế chính thức quyết định đặt tên là Bệnh Viện Tâm thần Trung ương II. Nơi đây đã trở thành trung tâm điều trị các bệnh nhân tâm thần và chỉ đạo mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần của khu vực phía Nam. Trải qua 108 năm không ngừng phát triển và trưởng thành, đến nay, Bệnh viện Tâm thần Trung ương II đã trở thành địa chỉ uy tín, nơi chăm sóc sức khỏe tâm thần được nhân dân đặt trọn niềm tin.

Theo thông tin được Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nêu tại Mít tinh hưởng ứng ngày Sức khỏe tâm thần thế giới, 10/10/2022: “Theo ước tính, tỷ lệ rối loạn tâm thần ở nước ta chiếm 14,9% dân số, tương đương gần 15 triệu người. Tuy nhiên, đa số người dân quan niệm rối loạn tâm thần là "tâm thần phân liệt", dân gian thường gọi là "điên". Thực tế, tỷ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,47% dân số. Trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao khoảng 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác. Ở trẻ em, tỷ lệ mắc các bệnh rối loạn tâm thần là 12%, tương đương hơn ba triệu trẻ có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần”. Ngoài ra, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời.

 Bệnh viện Tâm thần Trung ương II tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023

Đứng trước thực trạng nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân ngày càng cao, trong những năm qua, Bệnh viện Tâm thần Trung ương II đã đề ra những mục tiêu, chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cụ thể. Không ngừng tiếp thu, học hỏi và áp dụng các phương pháp, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao hiệu quả, công tác quản lý. Thường xuyên tập huấn về chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, hướng tới chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. Tăng cường tổ chức khám, khảo sát phát hiện sớm các trường hợp và mức trầm cảm, lập hồ sơ bệnh án, hướng quản lý, điều trị, theo dõi; tuyên truyền, giáo dục cho mọi người dân về phát hiện và phòng chống bệnh trầm cảm và các nguy cơ gây bệnh trầm cảm. Qua đó, từng bước thực hiện hiệu quả Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025, với một trong số các nội dung của mục tiêu chung là "Tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác"; góp phần cùng ngành Y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần và mang tới cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân./.

CTV Truyền hình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực