Chè Việt - Di sản và Tương lai: Vinh danh doanh nhân, doanh nghiệp ngành chè

Thứ sáu, 20/09/2024 22:35
(ĐCSVN) - Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội và Hiệp hội Chè Việt Nam nhằm tổ chức chương trình "Chè Việt - Di sản và Tương lai". Chương trình hướng tới mục tiêu tôn vinh những đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp ngành chè; đồng thời khẳng định vị thế và thương hiệu chè Việt trên trường quốc tế.

 Tiến sĩ Đỗ Ngọc Văn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội và ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch
Hiệp hội Chè Việt Nam ký kết hợp tác. (Ảnh: MT)

Chè là thức uống phổ biến trên toàn thế giới, được con người sớm nhận thức về tính ưu việt và đa chức năng. Việt Nam tự hào là một trong những quê hương của cây chè, với các vùng chè nổi tiếng như Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang và Sơn La. Ngành chè không chỉ góp phần vào nền kinh tế mà còn tạo sinh kế cho gần 60.000 hộ nông dân và hàng triệu lao động tham gia vào chuỗi sản xuất tiêu thụ chè. 

Là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của nền nông nghiệp Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu chè hằng năm đạt hàng trăm triệu USD. Tính đến năm 2022, diện tích trồng chè toàn quốc đạt 124.000 ha, sản lượng ước tính đạt 1.000.000 tấn chè búp tươi. Trong giai đoạn 2000 - 2010, cây chè đã được xây dựng thành một trong 10 chương trình trọng điểm phát triển nông nghiệp. Hiện nay, chè được Chính phủ xác định là một trong 6 cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030.

Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tạo cơ hội cho ngành chè thâm nhập vào các thị trường mới như Trung Đông, Tây Âu và Bắc Mỹ. Để giữ vững thị trường trong nước và nâng cao tính cạnh tranh, chè Việt Nam cần cải thiện chất lượng, giá cả, an toàn và công nghệ chế biến.

Đại dịch COVID-19, biến động kinh tế và thiên tai đã tác động không nhỏ đến ngành chè Việt Nam. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp đã kiên cường vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất và góp phần vào sự phục hồi của nền kinh tế.

Nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của ngành chè, chương trình "Chè Việt - Di sản và Tương lai" ra đời với mục đích:

- Ghi nhận và tôn vinh những cống hiến, thành tựu xuất sắc của doanh nhân, doanh nghiệp ngành chè Việt Nam.

- Tạo diễn đàn giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia trong ngành chè.

- Khẳng định vị thế và thương hiệu chè Việt trên trường quốc tế. Quảng bá hình ảnh, văn hóa trà Việt đến bạn bè thế giới.

- Thảo luận và đề xuất giải pháp nhằm phát triển ngành chè bền vững.

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Văn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội phát biểu tại buổi lễ.
(Ảnh: MT)

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng, thông qua chương trình này, chúng ta sẽ không chỉ vinh danh những doanh nhân xuất sắc mà còn tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành chè Việt Nam”.

Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: MT)

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Ngành chè Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển và chúng tôi hy vọng rằng sự kiện này sẽ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu chè Việt trên thị trường quốc tế.”

Thông tin chi tiết sự kiện:

- Thời gian: Ngày 09 tháng 11 năm 2024.

- Địa điểm: Hà Nội .

- Chủ trì: Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội và Hiệp hội Chè Việt Nam .

- Đồng tổ chức: Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam, Cộng đồng Yêu Trà Việt.

Chương trình hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy di sản trà của Việt Nam./.

MT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực