Đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo

Thứ năm, 03/12/2020 12:03
(ĐCSVN) – Thực tế cho thấy, việc khởi nghiệp của học sinh, sinh viên không nhất thiết phải có một ý tưởng táo bạo hay số vốn khủng. Nhiều học sinh, sinh viên vẫn có thể hiện thực giấc mơ khởi nghiệp của mình nếu biết nắm bắt cơ hội. Tuy nhiên, việc khởi nghiệp của các bạn trẻ cũng gặp không ít khó khăn; nhất là đối với học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp...
 Đồng chí Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo phát biểu khai mạc
Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" toàn quốc năm 2020

Việc Thủ tướng chính phủ ra quyết định số 1665/QĐ-TTg, phê duyệt đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đã tạo điều kiện thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên cả nước nói chung và học sinh, sinh viên thuộc hệ thống giáo dục nghề nói riêng. Thông tin từ Tổng cục giáo dục nghề nghiêp cho biết, để động viên, khơi dậy sáng tạo cho học sinh, sinh viên, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đã triển khai Đề án 1665/QĐ- TTg trên phạm vi toàn quốc từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở. Đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, truyền thông cho 82.388 học sinh, sinh viên; tổ chức 100 cuộc giao lưu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo giữa doanh nghiệp, doanh nhân với 19.780 lượt học sinh, sinh viên tham dự; tổ chức 56 khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho 38.798 học sinh, sinh viên; tổ chức 168 hội thi cấp trường với 1368 ý tưởng, dự án của 5.649 học sinh, sinh viên tham gia. Các trường đã tổ chức lựa chọn và giới thiệu các dự án có chất lượng, sát thực tế để vào vòng bán kết khu vực. Vòng bán kết là cuộc tranh tài của 47 trường Cao đẳng, trung cấp thuộc 32 tỉnh thành phố được chia làm nhiều khu vực. Trong đó, khu vực Tây Bắc bộ có 10 dự án, Đông Bắc bộ có 5 dự án, Đồng bằng Sông Hồng có 22 dự án, Trung bộ có 16 dự án, Nam trung bộ có 20 dự án, Tây nguyên có 7 dự án, Đông Nam bộ có 26 dự án, Tây Nam bộ có 16 dự án. Kết quả vòng bán kết khu vực đã lựa chọn được 38 dự án vào dự thi Vòng chung kết. Các dự án chủ yếu thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, Cơ khí chế tạo, Điện dân dụng, Y tế, Du lịch và các dịch vụ khác.

Với các hoạt động nói trên, phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã có những bước chuyển biến đáng ghi nhận. Nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn khởi nghiệp với những dự án, ý tưởng có chất lượng và tính thực tế cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong quá trình khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đó là vấn đề kinh phí để thực hiện dự án. Để phong trào khởi nghiệp thực sự là nơi “ươm mầm tài năng”, để triển khai có hiệu quả các dự án có tính khả thi trong thực tiễn cần phải được sự hỗ trợ ủng hộ của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường Cao đẳng, trung cấp còn thiếu không gian khởi nghiệp, thiếu môi trường cho học sinh, sinh viên thảo luận, tìm kiếm ý tưởng và triển khai ý tưởng khởi nghiệp. Một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên các trường nghề chưa có kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp... Chính những điều này đã hình thành lực cản, hận chế kết quả phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Theo các chuyên gia, để đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong học sinh, sinh viên ở các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, vấn đề quan trọng hiện nay là cần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ doanh nghiệp – nhà trường trong đào tạo nghề kèm theo các dự án thực tế đưa vào nhà trường giúp học sinh, sinh viên tiếp cận, làm quen và mạnh dạn đưa ra ý tưởng hay sản phẩm mới; cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhà trường cần cùng nhau xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp giúp hoạt động khởi nghiệp có sự phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro cho các dự án khởi nghiệp. Đồng thời, cần quan tâm chính sách ưu đãi, cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế, quyền tác giả cho các tác giả của dự án khởi nghiệp.

Mặt khác, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp nên chủ động liên kết với nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong cả nước tài trợ, hỗ trợ phần kinh phí cho các dự án tham gia cuộc thi. Đồng thời vận động các doanh nghiệp cấp vốn cho các dự án triển vọng để ươm mầm tài năng. Tăng cường tổ chức các buổi giao lưu ngoại khóa của học sinh, sinh viên để truyền cảm hứng khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Các thầy, cô giáo giảng dạy chuyên môn cần phát huy vai trò trong khơi nguồn sáng tạo, khơi nguồn khởi nghiệp cho các em học sinh, sinh viên; để các em cảm thấy tự tin đưa ra ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo.

Đối với học sinh, sinh viên cần phải có khát vọng khởi nghiệp vươn lên làm giàu chính đáng một cách mãnh liệt. Sinh viên khởi nghiệp không phải một cuộc chơi mà là một hành trình rất vất vả, đòi hỏi lòng đam mê, kiên trì và vượt khó đến cùng. Đây là động lực giúp các em thành công khi khởi nghiệp làm giàu. Các em cần sáng tạo và dám chấp nhận rủi ro theo đúng tinh thần khởi nghiệp. Trong kinh doanh, thương trường là chiến trường. Người chiến thắng chính là người làm nên sự khác biệt. Vì vậy, sự sáng tạo sẽ là điều kiện tất yếu để các em chiến thắng. Ngoài ra, kinh doanh là phải mạo hiểm. Phải dám chấp nhận rủi ro thì mới thành công. Đồng thời, cần đoàn kết và làm việc nhóm. Đoàn kết và làm việc nhóm là một tính cách và kỹ năng cần thiết cho những người làm khởi nghiệp. Theo đúng tinh thần khởi nghiệp Việt Nam là đoàn kết, giao lưu với tất cả bởi vì “Muốn đi xa phải đi cùng nhau".

Theo thống kê có đến 90% các dự án khởi nghiệp thất bại ở 02 năm đầu tiên. Học sinh, sinh viên khởi nghiệp thất bại là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt là học sinh, sinh viên của khối trường giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Nhưng bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, các em hãy cố gắng trong học tập, tích lũy kinh nghiệm. Tích cực tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp coi như là lần thử thách cho chính bản thân. Hãy cứ bắt đầu từ những công việc bình thường nhất, rèn luyện những kỹ năng nhỏ nhất để các em có được những hành trang ban đầu trên con đường tương lai còn rất dài trước mắt./.

Phạm Mạnh Cường-Tường Minh Ngọc(Trường CĐ DL. Hà Nội)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực