Đề xuất sớm sửa đổi chính sách thuế GTGT với ngành vật tư nông nghiệp

Thứ bảy, 01/07/2023 10:00
(ĐCSVN) - Không chỉ phải gặp những khó khăn khách quan của thị trường, doanh nghiệp phân bón trong nước đang còn gặp những khó khăn khác từ chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Tại Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững” có ý kiến cho rằng Thực tế hiện nay một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón (thuộc đối tượng không chịu thuế VAT) đang gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm. Điều này gây bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại, không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế để được khấu trừ thuế VAT đầu vào, qua đó sẽ tăng sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước. 

Quang cảnh Diễn đàn do VCCI và Ủy ban nhân dân tỉnh Long An phối hợp tổ chức 

Khó khăn của doanh nghiệp

Luật Thuế 71/2014/QH13 quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ mà nền nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá cao hơn 5-8% do doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp nước ta cần trên 10 triệu tấn phân bón các loại mỗi năm. Trong đó, nhu cầu phân urê 2,2 triệu tấn, phân SA 900 ngàn tấn, phân kali 960 ngàn tấn, phân DAP 900 ngàn tấn, phân NPK 4 triệu tấn và phân lân 1,8 triệu tấn.

Tuy nhiên, năm 2022 mức giá mặt hàng phân bón ở mức cao khiến sức mua của người nông dân yếu, ước tính nhu cầu nội địa trong năm 2022 giảm 20-30% tùy vào từng khu vực dẫn tới công tác tiêu thụ nội địa gặp nhiều khó khăn, lượng tiêu thụ nội địa thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. 

Đặc biệt, nếu như đầu năm 2022 giá phân bón tăng theo tỷ lệ thuận của giá dầu khí thế giới thì từ quý IV/2022 giá dầu khí tuy không tăng nhưng giá các loại phân bón lại liên tục giảm mạnh (đặc biệt là mặt hàng Urê), trong khi giá bán đầu ra thấp và chậm nên áp lực tồn kho và chi phí tài chính đang vô cùng lớn, biên lợi nhuận giảm nhanh chóng. Thậm chí, có những lô hàng sản xuất ra của một số doanh nghiệp đã phải chấp nhận bán dưới giá thành. 

Nghiêm trọng hơn, chính sách thuế hiện nay quy định, phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT khiến phân bón Việt thua ngay trên sân nhà vì không có lợi thế cạnh tranh với phân bón nhập khẩu...

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam, nhất là urê, đã tăng khoảng 3-5 lần và liên tục tăng trong những năm qua. Một phần nguyên nhân là do phân bón ngoại nhập được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán phân bón để cạnh tranh với phân bón nội địa. 

Thực tế thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong khu vực, kể cả các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, đều được hậu thuẫn để chen chân vào thị trường Việt Nam, khiến doanh nghiệp trong nước lao đao vì sức ép cạnh tranh...

Cần sớm sửa đổi chính sách thuế GTGT

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - Phùng Hà, Luật Thuế 71/2014/QH13 có hiệu lực từ năm 2015 quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT. Điều này khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ hàng năm mà nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá thành cao hơn 5 - 8% vì doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất.

Ước tính, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, với số thuế GTGT không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. Đây là con số rất lớn nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong trung bình nhiều năm qua.

Đáng nói, với chính sách thuế hiện nay khiến phân bón Việt thua ngay trên sân nhà vì không có lợi thế cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại vào Việt Nam, nhất là Ure đã tăng khoảng 3 lần và con số này liên tục tăng trong những năm qua.

Vì vậy, ông Phùng Hà cho rằng, mục tiêu lâu dài và mang tính chiến lược để tháo gỡ khó khăn cho ngành phân bón, cũng như hài hòa lợi ích với người nông dân là Nhà nước sớm sửa đổi quy định của Luật Thuế 71/2014/QH13. Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, cho người nông dân.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, cử tri các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Nam Định... cũng đã đề nghị Bộ Tài chính sớm tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật sửa đổi các Luật về thuế số 71/2014/QH13 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, với mức thuế suất hợp lý để khấu trừ thuế các nguyên, vật liệu đầu vào và tăng thuế xuất khẩu phân bón.

Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Long An đã diễn ra ngày 28/6/2023 vừa qua. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí – CTCP (Nhãn hàng Đạm Phú Mỹ - NPK Phú Mỹ). 





CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực