Dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm, Apax Holdings lấy đâu ra tiền đầu tư bất động sản?

Thứ ba, 08/06/2021 09:03
(ĐCSVN) - Mặc dù tình hình tài chính kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19, nhưng Apax Holdings vẫn công bố đầu tư vào các dự án với số vốn rất lớn.

Mới đây (3/6), Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (mã IBC) của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) vừa chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 dự kiến diễn ra vào ngày 30/6 tới đây theo hình thức trực tuyến và bỏ phiếu điện tử thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

 “Shark Thủy” – ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT Apax Holdings

Tại Đại hội, Apax Holdings dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu doanh thu 2.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng. Con số này thấp hơn 6,4% so với kết quả đạt được năm 2020 trước đó.

Kết thúc quý I/2021, Apax Holdings ghi nhận doanh thu đạt gần 467 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, công ty thu về vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng lãi ròng nhưng vẫn khả quan hơn số lỗ hơn 170 tỷ đồng trong quý I/2020. 

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, khác với cùng kỳ năm trước, quý I năm nay các trung tâm và trường học đã mở cửa hoạt động bình thường trong tháng 1, tháng 3, còn tháng 2 hoạt động theo chương trình online, do tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng.

Mặc dù có lãi nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Apax Holdings vẫn tiếp tục âm 45 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư là hơn 1 tỷ đồng tới từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, trong khi cùng kỳ âm 88 tỷ đồng do mua sắm, xây dựng tài sản cố định.

Để bù đắp dòng tiền thâm hụt từ hoạt động kinh doanh, Apax Holdings tiếp tục gia tăng lượng tiền đi vay. Dòng tiền tài chính cuối quý I/2021 đạt 256 tỷ đồng, cao hơn gần 150 tỷ đồng cùng kỳ do chênh lệch từ tiền vay (524 tỷ đồng) và trả nợ (268 tỷ đồng). Thời điểm 31/3, nợ vay tài chính của công ty đã tăng gần 32% so với đầu năm lên mức 1.427 tỷ đồng, chủ yếu là vay trái phiếu.

Điều này cho thấy Apax Holdings vẫn đang ngày càng phụ thuộc vào việc đi vay, cũng như phụ thuộc hơn vào các chủ nợ. Hệ số nợ cao dẫn đến chi phí lãi vay thường xuyên gây áp lực lên kết quả kinh doanh. Thêm nữa, tình hình tài chính “bấp bênh” là rủi ro trông thấy đối với Apax Holdings đặc biệt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn do COVID- 19.

Có thể thấy, tình hình tài chính “bấp bênh” khi ngày càng phụ thuộc lớn vào dòng tiền đi vay là rủi ro trông thấy đối với Apax Holdings trong bối cảnh hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn do COVID- 19.

Dù vậy, Apax Holdings mới đây đã hé lộ kế hoạch lấn sân sang bất động sản với dự án Khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng (Hà Tĩnh). Động thái này khiến giới đầu tư đặt ra câu hỏi về việc công ty của Shark Thủy lấy đâu ra tiền để lao vào lĩnh vực mới đầy tốn kém và không ít rủi ro này?

Được biết, Apax Holdings tiền thân là CTCP Đầu tư VN Benchmark (IBCI), một công ty đầu tư tài chính thành lập vào tháng 3/2012 với vốn điều lệ 3 tỷ đồng và liên tục được bơm thêm tiền bởi các cá nhân trong những năm tiếp theo.

Doanh nghiệp này lên sàn UpCOM từ tháng 5/2016 và tăng vốn từ 63 tỷ đồng lên 313 tỷ đồng sau đó đổi tên hành Apax Holdings khi Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thuỷ mua hơn 30% cổ phần.

Trong “hệ sinh thái” của Egroup, Apax Holdings đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho các công ty thành viên. Năm 2018, doanh nghiệp này tiếp tục phát hành thành công 207 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho nhóm quỹ đầu tư Valuesystem đến từ Hàn Quốc. Số tiền thu về chủ yếu được dùng để mua cổ phần tại Anh ngữ Apax (Apax English). 

Đến tháng 10/2019, nhóm quỹ Valuesystem chấp nhận mất dòng thu nhập lãi suất khi chuyển đổi 103 tỷ đồng trái phiếu thành 5,1 triệu cổ phiếu (với bên nhận ủy thác thực hiện là Shinhan Bank). Tuy nhiên sau đó chưa đầy 1 năm, nhóm quỹ Hàn Quốc đã thoái hết vốn cho Shark Thủy vào tháng 5/2020.

Động thái tháo chạy của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Apax Holdings tụt dốc không phanh trong quý đầu năm 2020 với khoản lỗ kỷ lục lên đến hơn 170 tỷ đồng. 

Năm 2020 vừa qua, Apax Holding cũng thất bại trong việc huy động vốn từ phương án chào bán riêng lẻ Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup - công ty mẹ đang sở hữu 66,66%. Bên cạnh đó, việc phát hành cho cổ đông hiện hữu cũng khó thực hiện thành công bởi các kế hoạch sử dụng vốn của công ty chưa đủ thuyết phục.

Thay vào đó, Apax English, thành viên của Apax Holdings, mới đây đã phát hành 2 triệu trái phiếu có tài sản đảm bảo (tương đương 200 tỷ đồng) theo hình thức riêng lẻ. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu và được đảm bảo bằng tài sản. Kỳ hạn trái phiếu là 24 tháng kể từ ngày phát hành, lãi suất cố định 12%/năm với kỳ tính lãi là 03 tháng/lần.

Apax English cho biết, việc phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn nằm trong chiến lược kinh doanh của năm 2021 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, Apax English cũng ưu tiên sử dụng một phần không nhỏ ngân sách để đảm bảo khả năng duy trì chi trả đẩy đủ lương, thưởng cho đội ngũ giáo viên nước ngoài và cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống./.

 
PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực