Hậu Giang nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật, 19/02/2023 16:33
(ĐCSVN) - Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục của tỉnh Hậu Giang. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hậu Giang đã đề ra nhiều nội dung nhiệm vụ như: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng.

Là tỉnh còn nhiều khó khăn song Hậu Giang đã tạo nên những “điểm son” trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tháng 12.2013, xã Đại Thành (thị xã Ngã Bảy, hiện là thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) trở thành địa phương đầu tiên ở ĐBSCL đạt chuẩn NTM. Gần 2 năm sau (tháng 10.2015), thị xã Ngã Bảy được công nhận là đơn vị cấp huyện đầu tiên tại ĐBSCL về đích NTM. Từ “điểm nhấn” này, Hậu Giang càng quyết liệt hơn với chương trình xây dựng NTM và đến tháng 7.2019, Đại Thành lại là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Cũng trong năm 2019, tại lễ tuyên dương điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM (vào ngày 18.10.2019), Thủ tướng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho tỉnh Hậu Giang, qua đó tuyên dương “Nhân dân và cán bộ tỉnh Hậu Giang đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” khi có 29/53 xã, 3/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (thị xã Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh, huyện Châu Thành A), cao hơn bình quân chung cả nước. Huyện Châu Thành A và thành phố Vị Thanh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba; xã Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A) nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, trong thời gian qua Hậu Giang hợp tác với Tổ chức Quỹ Toàn cầu hóa NTM SGF (Hàn Quốc) thực hiện hỗ trợ 2 làng NTM, hình thành 2 hợp tác xã theo mô hình Saemaul - Hàn Quốc (tại ấp 9 xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ và tại ấp Tân Qưới Lộ, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp) với số tiền hỗ trợ là hàng chục tỷ đồng, mỗi hợp tác xã được đầu tư các công trình nhà văn hóa, trụ sở làm việc, kho chứa và các trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách thiết thực và đi vào hoạt động có hiệu quả.

Qua sau hơn 12 năm thực hiện, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang đã đạt những kết quả và thành tựu nổi bật. Tỉnh Hậu Giang hiện có 51 xã triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, trên địa bàn 08 huyên, thị, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh có 37/51 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 72,55%), 07 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 18,92% trong tổng số xã đạt chuẩn NTM) và có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (huyện Châu Thành A, TP Ngã Bảy và TP Vị Thanh), các xã còn lại đều đạt từ 12 tiêu chí trở lên. Số tiêu chí đạt bình quân của toàn tỉnh là 17,7 tiêu chí/xã. Riêng trong năm 2022 tỉnh đã công nhận mới 3 xã NTM, 02 xã NTM nâng cao.

Lễ công bố Quyết định công nhận xã Long Trị A, TX Long Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (ảnh: ĐVCC) 

Có thể thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có nhiều tác động tích cực đến khu vực nông thôn như: diện mạo nông thôn có chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi… ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn được cải thiện và ngày càng nâng cao, các hình thức tổ chức sản xuất trong nông thôn ngày càng được đổi mới, cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên…

Song song đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật, đến nay toàn tỉnh có 175 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao, 4 sao, riêng trong năm 2022 công nhận mới 70 sản phẩm, và 01 sản phẩm thăng hạng từ 3 sao lên 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022, thông qua Hội đồng đối với 07 sản phẩm đủ điều kiện đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia, hiện đã gửi hồ sơ về Trung ương 02 sản phẩm. Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng OCOP tỉnh, hầu hết các sản phẩm OCOP đều được quan tâm về chất lượng, mẫu mã, đồng thời trên bao bì sản phẩm đều có mã QR Code để khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, sản phẩm OCOP của tỉnh có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua một số hệ thống bán hàng lớn như: Bách hóa xanh, Co.opMart, Winmart… Ngoài ra, một số sản phẩm trái cây được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như EU, Hong Kong và sản phẩm từ cá thát lát cũng gián tiếp xuất qua thị trường một số nước như Hàn Quốc, Đài Loan...

Năm 2023, tỉnh Hậu Giang đề ra mục tiêu tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của dân cư nông thôn. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng đối với các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và huyện đạt chuẩn NTM, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phấn đấu Thị xã Long Mỹ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2023 ; Tiếp tục duy trì và nâng chất các đơn vị xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; các huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. phấn đấu công nhận thêm 3 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 40 xã, các xã còn lại đạt từ 14 tiêu chí trở lên, công nhận thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 12 xã. Công nhận mới 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với chương trình OCOP, công nhận ít nhất 24 sản phẩm đạt 3 - 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh; thăng hạng cho sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh đủ điều kiện lên 4 sao; tái công nhận đối với sản phẩm OCOP hết thời gian chứng nhận (36 tháng) trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện hồ sơ cho 3 sản phẩm OCOP đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo tỉnh tham quan các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hậu Giang trưng bày tại sự kiện Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang (ảnh: ĐVCC) 

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình MTQG tỉnh Hậu Giang cho biết, để đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới đang đặt ra một trong những giải pháp căn cơ mà tỉnh tập trung là đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông minh vào các khâu sản xuất, nhằm tăng chất lượng, sức cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Việc xây dựng thí điểm các mô hình NTM thông minh là hết sức thiết thực phù hợp với xu hướng công nghệ số trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được Đảng và Nhà nước chỉ đạo quyết liệt thực hiện. Đối với nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong quá trình xây dựng NTM của tỉnh trong thời gian tới thì việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin được tỉnh quan tâm thực hiện. Trong đó, một số mô hình thí điểm dự kiến thực hiện trong thời gian tới như: Mô hình sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm tự động tại xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang với nội dung thực hiện: Hỗ trợ mortor, hệ thống điều khiển khoảng 500ha. Nguồn lực dự kiến: 45 tỷ đồng, (trong đó: Ngân sách đề nghị Trung ương: 14 tỷ đồng; Ngân sách địa phương: 8,5 tỷ đồng; Nguồn huy động khác (vốn dân đối ứng): 22,5 tỷ đồng). Mô hình xã NTM thông minh tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, với nội dung thực hiện: Xây dựng hệ thống trạm quan trắc đo chất lượng môi trường thông minh; Xây dựng hệ thống trạm bơm tưới thông minh 4.0 phục vụ phòng chống ngập lụt và hạn hán; Xây dựng hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước ứng dụng công nghệ 4.0 cho cây khóm; Lập bản đồ số hoá trong lĩnh vực nông nghiệp; Xây dựng Trang Thông tin điện tử của xã; Chuyển đổi số truyền thanh; Trang bị phòng học thông minh; Xây dựng hầm ủ rác thải sinh hoạt làm phân hữu cơ góp phần làm sạch môi trường; Lập bản đồ số đường giao thông và quy hoạch xây dựng; Đầu tư thay thế hệ thống đèn chiếu sáng hiện hữu bằng hệ thống đèn LED công nghệ cao kết hợp xây dựng trung tâm điều khiển thông minh tiết kiệm năng lượng và quản lý vận hành – duy tu bảo dưỡng. Nguồn lực dự kiến: 33,445 tỷ đồng (Trong đó: Ngân sách đề nghị Trung ương hỗ trợ: 22,445 tỷ đồng; Ngân sách địa phương: 10 tỷ). Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tăng cường huy động các nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM, thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất ở nông thôn. Triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng, giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường,... nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao hiệu quả việc sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa của người dân nông thôn; đảm bảo chất lượng môi trường nông thôn, cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Riêng về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình OCOP theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, để chương trình trở thành động lực kinh tế trọng tâm ở nông thôn. Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các ngành nghề nông thôn, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ, kết hợp chuyển dịch dần lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang các khu vực kinh tế khác; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao. Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP; Thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP cấp quốc gia./.

CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực