Huyện Pác Nặm nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ hai, 28/08/2023 10:42
(ĐCSVN) - Sau 2 năm đẩy mạnh triển khai các nội dung Nghị quyết số 04-NQ/HU, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) đã cho thấy một số kết quả tích cực. Từ đó, tạo tiền đề giúp huyện từng bước hướng tới mục tiêu sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trên cơ sở đẩy mạnh triển khai các nội dung của Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 17 tháng 12 năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Pác Nặm về phát triển du lịch huyện Pác Nặm giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, sau 2 năm, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đã cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc. Trong đó, công tác tuyên truyền được quan tâm; cơ sở hạ tầng được đầu tư chú trọng; công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích được thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, huyện cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh kiểm kê và có phương án khôi phục các lễ hội văn hóa dân gian, các nghề thủ công truyền thống, di tích lịch sử phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, mua sắm của du khách.

Trong quá trình triển khai Nghị quyết số 04, huyện đã gặp một số khó khăn, hạn chế do đây là lĩnh vực mới, nhưng với sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân, du lịch huyện Pác Nặm hứa hẹn sẽ có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới.

 “Mùa vàng” trên vùng cao Pác Nặm.

Theo đó, huyện sẽ tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và tổ chức thực hiện phát triển du lịch. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tham mưu, hướng dẫn phối hợp với các địa phương để tổ chức thực hiện; giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể hằng năm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch qua các phương tiện thông tin đại chúng hay các cuộc thi triển lãm ảnh danh lam, thắng cảnh; các cuộc thi tìm kiếm, phát triển sản phẩm du lịch; … Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức về phát triển du lịch của người dân địa phương cũng như góp phần đưa hình ảnh huyện Pác Nặm ngày càng đến gần hơn với du khách.

Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; cân đối các nguồn lực để bố trí cho phát triển du lịch. Trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng khu vực Mù Là, Thôm Mèo theo các nội dung dự án được phê duyệt; tính toán phương án trồng hoa, cây cảnh lâu năm, hoa theo thời vụ; mở thêm các lễ hội đặc trưng, phù hợp (lễ hội ruộng bậc thang, lễ hội theo mùa, …). Lồng ghép các nguồn vốn để thống nhất các nội dung đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả. Đồng thời, tính toán phương án quy hoạch thôn Khâu Đấng trở thành làng du lịch cộng đồng, gắn với phát triển hạ tầng khu vực Thôm Bon.

 Hát Lượn cọi của người Tày ở huyện Pác Nặm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2019.

Cùng với công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch, huyện sẽ tổ chức các chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội; sưu tầm các hiện vật truyền thống như: Cối xay lúa, giã gạo, cối đá, cọn nước, … để trưng bày cho du khách tham quan, trải nghiệm, … Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho người dân tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực văn hóa, TDTT, các dịch vụ kinh doanh có điều kiện để hướng tới phục vụ du khách.

 Khu du lịch sinh thái Mù Là thuộc thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh, nằm ở phía Tây huyện Pác Nặm

Ngoài ra, kết hợp chặt chẽ với các địa phương trong và ngoài tỉnh, trước hết là các đơn vị có tiềm năng để khai thác, hình thành tuyến và các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đặc biệt, phối hợp nghiên cứu với các công ty lữ hành bổ sung các nội dung để hình thành các điểm du lịch, tính toán phương án kết nối tour tuyến để thực hiện. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các hoạt động kinh doanh dịch vụ, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Duy trì các sản phẩm du lịch hiện có như: Chợ đêm Nghiên Loan, các sản vật, di sản, … Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu, tập trung lựa chọn, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng để quảng bá, trưng bày, thu hút du khách. Từ đó, đem lại nguồn thu nhập ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đồng thời, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển, đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Pác Nặm./.

CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực