Ngành giáo dục Điện Biên: 60 năm một chặng đường

Thứ hai, 15/05/2023 00:02
(ĐCSVN) - Được sự quan tâm của các cấp, Bộ, ngành từ trung ương đến địa phương, sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc, đặc biệt với sự tâm huyết vượt qua muôn vàn khó khăn của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bức tranh về sự phát triển giáo dục tỉnh Điện Biên ngày càng có nhiều đổi thay rõ nét, có nhiều mảng màu tươi sáng hơn, rực rỡ hơn.

Theo dòng thời gian ngược về quá khứ, thực trạng giáo dục của tỉnh Điện Biên không khỏi làm mỗi chung ta ngậm ngùi, xót xa. Trong các thế kỉ của chế độ phong kiến, Điện Biên là trung tâm của khu tự trị Thái - Mèo và hơn 20 dân tộc khác như Dao, Tày, Kinh, Nùng, Mường...Nền giáo dục Nho học với chế độ khoa cử phong kiến gần như không xuất hiện ở nơi đây. Thời kì này chế độ phong kiến miền núi với thế lực cường quyền, thần quyền tàn bạo cùng và những hủ tục mê tín dị đoan đã nô dịch hoàn toàn đời sống của nhân dân cả về tinh thần lẫn thể xác. Trong thời kì này người dân không biết chữ và cũng không được hưởng bất cứ một nền giáo dục nào.

Đến thời kì Pháp thuộc, thực dân Pháp bắt tay với phong kiến thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề cai trị và bóc lột nhân dân, cuộc sống của người dân càng trở nên ngu muội và cùng cực hơn. Điện Biên trở thành một vùng trắng về giáo dục. Ngay cả đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, lịch sử giáo dục nước nhà sang một trang mới, thì giáo dục tỉnh Điện Biên vẫn chưa có được nền móng cho sự phát triển của mình. Người dân Điện Biên và con em mình khao khát được ánh sáng của giáo dục hơn bao giờ hết. Nhưng khao khát ấy của nhân dân Điện Biên chỉ thực sự có được khi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ thắng lợi, lúc này nền giáo dục của tỉnh mới có được nền móng đầu tiên cho sự phát triển của mình. Cả nước hân hoan với chiến thắng "lừng lẫy năm châu trấn động địa cầu" cũng là lúc ngành giáo dục Điện Biên chính thức hoà dòng cùng với dòng chảy của giáo dục nước nhà trong muôn vàn thiếu thốn khó khăn.

Năm 1959, với chủ trương lên xây dựng vùng kinh tế mới còn nhiều khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, 860 giáo viên đã tình nguyện lên phục vụ giáo dục miền núi, với mục tiêu khắc phục tình trạng chậm tiến về kinh tế và văn hóa ở miền núi, đưa miền núi tiến lên cùng miền xuôi, xây dựng chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Và rồi những chuyến tàu mang theo tri thức và khát vọng cũng đến với Tây Bắc, đến với Điện Biên với biết bao nhiệt huyết của cả một thế hệ cha anh, những tâm huyết của họ ngày ấy hôm nay vẫn ngân nga vang vọng trong từng câu thơ của Chế Lan Viên:

"Tây Bắc ư có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hoá những con tàu

Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu"

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tặng hoa các nhà giáo trong đoàn giáo viên năm 1959 trong Chương trình gặp mặt 60 năm Đoàn giáo viên miền xuôi lên công tác tại các tỉnh miền núi (1959-2019). 

Trước khi tỏa về các vùng miền núi khó khăn, các thầy cô giáo tình nguyện đã vinh dự được Bác Hồ đến thăm, nói chuyện tại lớp bồi dưỡng chính trị ngày 22/9/1959, Bác ân tình căn dặn: Công tác ở miền núi có nhiều khó khăn, các cô, các chú xung phong gánh lấy những khó khăn để làm công tác giáo dục ở miền núi, thế là tốt, là vẻ vang. Nhưng các cô chú cần xung phong đến nơi đến chốn. Cần có tinh thần bền bỉ, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ. Thực hiện lời dạy của Bác, bước qua nỗi ám ảnh về một vùng “ma thiêng, nước độc”, cùng khí thế hừng hực của tuổi trẻ, đoàn giáo viên năm 1959 đã hành quân lên Tây Bắc xa xôi; nay là các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, đem theo cái chữ vượt dốc, băng đèo, đem ánh sáng văn hóa thắp sáng bản Mường, mở ra một trang sử mới trong sự nghiệp giáo dục Tây Bắc.

Những ngày đầu, các thầy cô tự tay dựng trường; thầy trò vừa học, vừa lao động để xây dựng lớp học, nơi ở. Các thầy cô lặn lội đến từng bản, có khi đi bộ cả mấy ngày trời, đối mặt với bao khó khăn: thời tiết bất thường với mưa rừng, nước lũ; với muỗi, vắt, thú dữ rình rập; dân cư thưa thớt, đời sống tự cấp, tự túc; bất đồng ngôn ngữ, chưa quen với phong tục tập quán của người dân… Khó khăn là thế, song các thầy cô luôn tìm cách khắc phục mà không kêu ca than phiền, không đòi hỏi chế độ. Các thầy cô miền xuôi khi ấy đã coi miền núi là quê hương thứ hai, coi đồng bào các dân tộc thiểu số như người thân ruột thịt, thực hiện “3 cùng” với nhân dân, sáng lên lớp, lúc rảnh rỗi lại cùng bà con lên nương, lên rẫy trồng khoai, sắn; vận động nhân dân diệt giặc dốt, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, tạo nên một khí thế giáo dục vô cùng sôi động. Sau một thời gian ngắn, nơi các thầy cô đến phong trào giáo dục đã bắt đầu có kết quả và ngày càng tốt hơn. Thầy dạy trò chữ quốc ngữ, trò dạy lại thầy tiếng của dân tộc mình. Một thời gian sau, các lớp học đã dần hình thành, ổn định và ngày càng phát triển.

Tích luỹ về lượng sẽ thay đổi về chất, sự thay đổi thực sự về chất của ngành giáo dục tỉnh Điện Biên thực sự bắt đầu khi Ty giáo dục Lai Châu được thành lập vào ngày 01 tháng 6 năm 1963, ngành giáo dục tỉnh Điện Biên như con tàu có người cầm lái vững chắc, căng buồm vượt qua biết bao sóng gió ra khơi. Cũng trong giai đoạn này trường Trung cấp Sư phạm cấp I của tỉnh được thành lập như tiếp thêm nguồn lực to lớn cho sự phát triển của ngành. Từ ngôi trường này biết bao thầy cô đã mang ánh sáng tri thức đến từng thôn bản xa xôi nhất của tỉnh. Giai đoạn này, nhà giáo Nguyễn Văn Trí là Trưởng ty Giáo dục Lai Châu đầu tiên và cũng là người đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển của giáo dục tỉnh.

Lễ phát thẻ đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam,

Chi đoàn Văn phòng Ty Giáo dục Lai Châu năm 1964. 

Từ 1963 đến 1975, trong hoàn cảnh của những năm chống Mỹ gian khổ, các thầy cô vừa sơ tán vừa dựng trường dạy học với quyết tâm không để bất cứ khó khăn nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Những năm tháng ấy bom đạn giặc Mỹ vẫn trút xuống, biết bao nhiêu người đã hi sinh, trong đó có cả những người thầy người cô của ngành giáo dục. Nhưng với tinh thần yêu nước và lòng nhiệt huyết với nghề các thầy cô vẫn vững vàng trên tuyến đầu chống giặc ngoại xâm và giặc dốt. Sự hi sinh của các thầy cô đã hiện hữu bằng những kết quả cụ thể: quy mô trường lớp vẫn tăng, số lượng học sinh tăng hàng năm, chất lượng được khẳng định. Nhiều học sinh vẫn trưởng thành ra trường, nhiều thầy cô giáo vẫn trở thành Chiến sĩ thi đua, những Nhà giáo ưu tú, ngành giáo dục tỉnh được tặng cờ thi đua. Với chủ trương: "Thầy tìm trò, trường gần dân, quy mô nhỏ, Nhà nước và nhân dân cùng phối hợp", đến hết năm 1970 giáo dục Lai Châu đã phát triển khá mạnh và ngành Giáo dục đã xóa xong mù chữ cho cán bộ, Đảng viên, thanh niên vùng cao, nhân dân vùng thấp. Tuy có điểm xuất phát chậm hơn các địa phương khác trong cả nước nhưng nền giáo dục tỉnh nhà giai đoạn này cũng để lại những dấu ấn sâu sắc cho sự phát triển chung của tỉnh. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt nhưng ngành giáo dục tỉnh Điện Biên cũng chung tay với cả nước để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử nước nhà để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ở giai đoạn này các nhà giáo: Đỗ Phú Thuyết làm Trưởng ty giáo dục Lai Châu từ 1963 đến 1966; nhà giáo Trần Bách làm Trưởng ty Giáo dục từ 1967 – 1972 và nhà giáo Nguyễn Nghĩa Huyền làm Trưởng ty giáo dục từ 1972 đến 1975. Những vị thuyền trưởng tài năng và tâm huyết này đã chèo lái con thuyền giáo dục của tỉnh vượt qua những năm tháng thăng trầm và ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ năm 1976 đến 1985: sau khi chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh kết thúc toàn thắng, miền Nam được giải phóng, nước nhà được độc lập thống nhất. Ngành giáo dục tỉnh Điện Biên tiếp tục nhiệm vụ của mình trong một giai đoạn mới. Trong giai đoạn này dưới sự lãnh đạo tài năng của các nhà giáo Cầm Kim, Trưởng ty giáo dục từ 1976 đến 1979; nhà giáo Quàng Văn Binh, Trưởng ty giáo dục từ 1980 đến 1985. Ngành giáo dục Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Thực hiện Chỉ thị số 30 của Bộ Giáo dục, Ủy ban hành chính Tỉnh đã ra Chỉ thị số 33-CT/GD về việc tiến hành chiến dịch "Ánh sáng văn hóa". Có hơn 600 cán bộ, giáo viên được phân công lên 14 xã vùng cao của 7 huyện, thị trong tỉnh, trên 1000 cán bộ, bộ đội, công an, học sinh tình nguyện lên các xã vùng cao thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ cho nhân dân. Từ năm 1977 đến hết năm 1979 có 36.151/ 47.264 người được xóa mù chữ. 97/153 xã, thị trấn được công nhận xóa xong nạn mù chữ. Trong những năm này, sự nghiệp giáo dục đã được giữ vững, nhất là thời điểm những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ trước, sự gắn bó của đội ngũ với sự nghiệp giáo dục trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn là minh chứng của sự yêu nghề, tận tâm với sự nghiệp của đội ngũ nhà giáo. 

Phát huy truyền thống hướng đến tương lai, từ 1986 đến năm nay, tỉnh Điện Biên đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Trình độ dân trí của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Giai đoạn này ghi nhiều dấu ấn quan trọng với sự lãnh đạo tận tâm, đầy tài năng của các nhà giáo là Giám đốc Sở Giáo dục như: nhà giáo Nguyễn Mạnh Tuấn, từ năm 1986 đến 1995; nhà giáo Hà Quý Minh, từ 1995 đến 2003; nhà giáo Trương Xuân Cừ từ 2004 đến 2006; nhà giáo Lê Văn Quý từ 2006 đến 2015; nhà giáo Nguyễn Sỹ Quân từ 2015 đến 2018, và hiện nay là nhà giáo Nguyễn Văn Đoạt. Bằng tài năng, và sự tâm huyết của mình các lãnh đạo ngành giáo dục qua các thời kì đã đưa ngành giáo dục tỉnh ổn định, phát triển mạnh mẽ.

Đã 60 năm kể từ mùa thu năm 1959, khi những thanh niên trí thức miền xuôi đang ở lứa tuổi thanh xuân phơi phới đã chia tay gia đình, bạn bè lên đường tình nguyện phục vụ miền núi. Hết thế hệ này tới thế hệ khác, những người giáo viên ấy đã bám bản, bám dân, vừa nỗ lực đưa cái chữ về cho hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số, vừa là người cán bộ quần chúng giúp đồng bào giác ngộ chính trị. Các Thầy đã mang "Ngọn cờ đỏ của Ðảng để cắm lên những ngọn núi cao nhất" (Lời của nhà thơ Tố Hữu), làm trọn nhiệm vụ vẻ vang của người thanh niên và người giáo viên yêu nước. Các thầy đã tạo nên sức bật mới cho giáo dục miền núi trong suốt những năm tháng ấy cho đến tận sau này. Phát huy truyền thống của các thế hệ nhà giáo Việt Nam qua các thời kỳ, được sự quan tâm của các cấp, Bộ, ngành từ trung ương đến địa phương, sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc, đặc biệt với sự tâm huyết vượt qua muôn vàn khó khăn của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bức tranh về sự phát triển giáo dục tỉnh Điện Biên ngày càng có nhiều đổi thay rõ nét, có nhiều mảng màu tươi sáng hơn, rực rỡ hơn.

 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Văn Đoạt trao thưởng

cho học sinh đạt giải cấp Quốc gia.

Mạng lưới trường, lớp các cấp học tăng nhanh, được phủ kín tới khắp các bản làng xa xôi nhất của tỉnh. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 481 cơ sở giáo dục gồm: 168 trường mầm non, 140 trường tiểu học, 26 trường TH&THCS, 96 trường THCS, 4 trường THCS&THPT, 29 trường THPT, 10 trung tâm GDTX/GDNN-GDTX, 06 trung tâm NN-TH, 01 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 01 trường CĐSP; với 7.401 lớp và 206.923 học sinh, sinh viên. Quy mô học sinh ổn định ở các cấp học phổ thông và phát triển nhanh ở cấp học mầm non. Tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường các cấp học liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trường chuyên, trường chất lượng cao, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được phát triển và củng cố. Các trường phổ thông DTNT cấp huyện được đầu tư, cải tạo, mở rộng quy mô; hệ thống trường PTDTBT tiếp tục phát triển, tạo cơ hội cho con em các dân tộc đến trường, được học tập trong những môi trường giáo dục tốt nhất.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh với 15.616 công chức, viên chức và người lao động, trong đó có 116 công chức, 1.263 cán bộ quản lý, 11.960 giáo viên, 2.277 nhân viên, 8.287 đảng viên (chiếm 53,07%). Các tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan quản lý giáo dục, các đơn vị trường học đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo. Qua đó khẳng định được vị thế, vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp và ngày càng khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Toàn ngành có có 7.119 phòng học, 1.395 phòng học chức năng, 3.109 phòng nội trú học sinh, 1.725 phòng công vụ. Các trường học được xây dựng ngày càng xanh- sạch- đẹp - an toàn - thân thiện. Ứng dụng CNTT trong trường học được đẩy mạnh, 100% trường học được kết nối Internet.

Xác định xây dựng trường chuẩn Quốc gia vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, trước năm 2004, toàn tỉnh có 20 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 5,2%) đến nay đã có 340/463 trường mầm non và phổ thông (chiếm 73,43%) được công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục; có 357/463 trường mầm non và phổ thông (chiếm 77,11%) đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Toàn tỉnh có 100% trẻ được học 2 buổi/ngày. 100% trẻ dân tộc thiểu số ra lớp được tăng cường tiếng Việt. 100% trường mầm non tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, cân, đo và theo dõi sức khoẻ cho trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng theo quy định. Có 98,6% trẻ được ăn bán trú tại trường; tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và nhẹ cân trong trường học dưới 10%.

Cùng với các hoạt động chuyên môn, ngành giáo dục Điện Biên luôn là lá cờ đầu trong việc tham gia các hoạt động phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao trong giáo viên và học sinh, góp phần quan trọng vào sự phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của tỉnh nhà. Ngành đã tổ chức các hoạt động phong trào chất lượng cao như Hội khỏe Phù Đổng, các giải thể thao truyền thống hàng năm của ngành, giải thể thao dành cho học sinh trung học, hội thi tiếng hát học sinh “Giai điệu tuổi hồng”,... Tham gia tích cực, đạt kết quả cao trong các hội thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; đạt giải Nhất toàn đoàn trong nhiều giải đấu và hội thi văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của tỉnh.

 Trường mầm non xã Nà Tấu, huyện Điện Biên.

Với sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, ngành giáo dục luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Năm 2016, ngành đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm học 2018-2019, Điện Biên là 1 trong 7 tỉnh thành cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua có thành tích tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Nhiều đơn vị được tặng thưởng các danh hiệu cao quý: Tập thể Anh hùng Lao động thời kì đổi mới: Trường Tiểu học số 1 thị trấn Tuần Giáo, trường Phổ thông DTNT tỉnh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; Huân chương Lao động hạng Nhất: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, trường Phổ thông DTNT tỉnh, trường Mầm non 20/10 - Thành phố Điện Biên Phủ; Huân chương Lao động hạng Nhì: THPT Phan Đình Giót, Tiểu học Bế Văn Đàn, Tiểu học Him Lam - TP. Điện Biên Phủ; THCS Thanh Xương, Mầm non Thanh Hưng - huyện Điện Biên; Mầm non Thị trấn Tuần Giáo... Nhiều trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 01 nhà giáo được đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; 45 nhà giáo được đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; nhiều thầy cô được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Những thành tựu của ngành giáo dục Điện Biên hôm nay là minh chứng cho sự sáng suốt trong đường lối phát triển giáo dục miền núi với khởi đầu là cuộc vận động đoàn giáo viên năm 1959 ngày ấy của Đảng và Chính phủ. Các thầy cô chính là những người đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của giáo dục miền núi từ những ngày đầu gian khó cho đến tận bây giờ và mãi mai sau. Công lao của các thầy cô rất lớn, sự hy sinh cho sự nghiệp của các thầy cô rất nhiều. Ngành Giáo dục, nhân dân các dân tộc Tây Bắc trong đó có tỉnh Điện Biên hôm nay, mãi ghi dấu ấn và tri ân đối với công lao to lớn của các thầy cô cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tiếp nối các thầy cô là biết bao thế hệ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong ngành đã không quản khó khăn vất vả, tận tâm tận lực cho sự phát triển của Giáo dục tỉnh nhà.

Kể từ mùa thu năm 1959 - hơn nửa thế kỷ đã trôi qua - 60 năm là chặng đường in dấu ấn của một giai đoạn lịch sử đầy biến động trong hành trình dựng xây, bảo vệ và phát triển. Trên cơ sở kế thừa, phát huy truyền thống cao quý của những người giáo viên "xung phong" ngày ấy, mỗi "chuyến đò" của ngày hôm nay và trong tương lai sẽ đều là những chuyến "đò đầy" chở những yêu thương, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò vùng cao đến với chân trời tri thức./.

CTV Truyền hình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực