Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam góp phần phát triển nền công nghiệp văn hóa của đất nước

Thứ sáu, 14/07/2023 08:36
(ĐCSVN) - Trong năm 2022, Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc những mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo khán giả, tạo được dấu ấn riêng trong các sự kiện chính trị - xã hội - kinh tế - văn hóa; qua đó góp phần phát triển nền công nghiệp văn hóa của đất nước.

Ngày 06/8/1959, Bộ Văn hóa đã quyết định thành lập Dàn nhạc Giao hưởng đánh dấu sự ra đời của Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam. Ngày 7/5/1964, Nhà hát Giao hưởng hợp xướng ca vũ kịch Việt Nam được thành lập. Năm 1985, trước yêu cầu phát triển của nghệ thuật Ballet và Opera, Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc Vũ Kịch Việt Nam chính thức đổi tên thành Nhà hát Nhạc, Vũ Kịch Việt Nam với chức năng biểu diễn loại hình nghệ thuật Nhạc kịch và Vũ kịch. Trải qua 64 năm xây dựng và trưởng thành với các chương trình mang đậm chất nghệ thuật hàn lâm Opera và Ballet của thế giới và Việt Nam với chất lượng nghệ thuật biểu diễn đạt trình độ ngang tầm quốc tế, Nhà hát đã có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng, đưa danh tiếng ngày càng vang xa.

 Cảnh trong vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”.

Trong năm 2022, Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam đã hoàn thành những mục tiêu đề ra trong năm như: Xây dựng các chương trình Vũ kịch, Nhạc kịch, Giao hưởng - Hợp xướng và Ca, Múa, Nhạc có chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo khán giả trong nước và quốc tế. Các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, các sự kiện văn hóa của Đảng, Nhà nước và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, góp phần làm nên thành công của các sự kiện chính trị - xã hội - kinh tế - văn hóa của đất nước. Điều đó đã phần nào chứng minh hướng tiếp cận đúng đắn của Nhà hát đối với công chúng khi đưa xu hướng nghệ thuật hàn lâm tiệm cận khán giả, từng bước mở ra con đường hưởng thụ nghệ thuật chính đáng ở Việt Nam.

Năm 2022 là năm Nhà hát có nhiều chương trình sáng tạo nổi bật, trong đó phải kể đến chương trình “Mùa đoàn tụ” ngày 06/01/2022 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hay chương trình nghệ thuật tại Lễ trao giải thưởng “Vinfuture” tháng 01/2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Các chương trình đều nhận được sự hưởng ứng và tán thưởng của khán giả. Bên cạnh đó, một số chương trình cũng tạo được tiếng vang như: Xuân quê hương do Bộ ngoại giao tổ chức phục vụ bà con Việt kiều, Giao hưởng số 9, Đêm huyền ảo - Sparkling Night, Hàm Lệ Minh Châu, Khát vọng đại dương xanh, … cùng nhiều chương trình khác như: Các buổi workshop về múa đương đại, nhạc kịch, tâm lý, văn hóa phương Đông… dành cho các diễn viên với sự hướng dẫn của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Đồng thời, phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia chuẩn bị ra mắt vở Opera Công nữ Anio nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản dự kiến vào tháng 9/2023.

Theo số liệu thực tế, trong năm 2022, Nhà hát đã tổ chức 40 buổi biểu diễn với 20 buổi phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, ngày lễ lớn của đất nước, 20 buổi diễn chương trình nghệ thuật, Giao hưởng - Hợp xướng, Opera & Ballet với hơn 15.000.000 lượt khán giả trực tiếp thưởng thức các chương trình nghệ thuật, Giao hưởng - Hợp xướng, Opera & Ballet. thu về 2,3 tỷ đồng.

 Cảnh trong vở ballet “Hồ Thiên Nga” do Nhà hát thực hiện lần đầu tiên với 100% ekip là người Việt.

Để đảm bảo việc hoàn thành các kế hoạch công tác trong năm 2023, Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hơn nữa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và các cơ quan chức năng cùng việc xem xét điều chỉnh cho Nhà hát một số chính sách như: Bổ sung chỉ tiêu biên chế; nâng số lượng biên chế lên theo từng giai đoạn cụ thể phù hợp với mô hình, thể loại của một Nhà hát Opera - Ballet. Điều chỉnh chế độ bồi dưỡng phù hợp với loại hình nghệ thuật Opera - Ballet - Giao hưởng, trong đó cân nhắc chế độ đặc biệt cho soloist múa, Opera và Nhạc giao hưởng. Có chủ trương và tiến hành đề án đào tạo đặc thù cho múa Ballet, Opera và ngành Kèn trong dự án đào tạo.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai Dự án sửa chữa, nâng cấp trụ sở Nhà hát tại số 11 ngõ Núi Trúc vì tình trạng sân khấu và các phòng ban chuyên môn phục vụ cho các hoạt động tập luyện còn thiếu, kém hiệu quả, không còn phù hợp. Ngoài ra, tiếp tục bổ sung cho Nhà hát nhạc cụ, âm thanh, ánh sáng, màn hình LED và trang thiết bị biểu diễn lưu động. Lắp đặt hệ thống mạng LAN, V-Office và đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin. Qua đó, tạo điều kiện để Nhà hát có môi trường hoạt động tốt nhất, từng bước nâng cao chất lượng các vở diễn, góp phần vào công cuộc phát triển nền công nghiệp văn hóa theo chủ trương của Đảng, Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra./.

CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực