Nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện, bền vững

Thứ tư, 10/05/2023 11:24
(ĐCSVN)- Năm 2022, nhờ việc nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, Thạnh Hóa (tỉnh Long An) đã có những chuyển biến tích cực trong kinh tế - xã hội. Sản xuất nông nghiệp, công nhiệp, thương mại - dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá; các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống người dân từng bước được cải thiện.
 Trung tâm hành chính công huyện Thạnh Hóa

Năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thời tiết, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp,… đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trong huyện. Trước tình hình đó, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện và các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế- xã hội. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 trên địa bàn huyện Thạnh Hóa đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu.
Cụ thể, về sản xuất nông nghiệp, tổng sản lượng lương thực đạt 231.018 tấn/226.000 tấn, đạt 102,2% KH; giá cả thu mua nông sản tương đối ổn định, đặc biệt khoai mỡ và khóm giá thu mua tương đối cao; dịch bệnh trên đàn vật nuôi được khống chế kịp thời. Nuôi thủy sản đạt kết quả tốt, với tổng diện tích ao nuôi là 154,6 ha, trong đó thủy sản nước ngọt 104,2ha.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp 

Sản xuất công nghiệp dần có sự phục hồi và đang trên đà tăng trưởng trở lại sau đại dịch. Trong năm 2022, khảo sát có ý kiến đề xuất thỏa thuận địa điểm, chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư tổng số 24 dự án, trong đó UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 04 dự án và điều chỉnh chủ trương đầu tư 09 dự án. Bên cạnh đó, các hoạt động mua bán, cung cấp dịch vụ dần phục hồi và trở nên sôi động sau thời gian suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Lũy kế đến nay trên địa bàn huyện có 3.616 hộ kinh doanh; công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường thực hiện đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Đối với quản lý quy hoạch và xây dựng, cụ thể là triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn. Trong công tác đảm bảo trật tự xây dựng, hành lang an toàn giao thông đường bộ, huyện chỉ đạo tập trung thực hiện, tăng cường kiểm tra, xử lí các trường hợp vi phạm hành lang mới phát sinh, nhất là trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, hành lang đường bộ và nuôi chim yến; tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng và hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn huyện.

Cũng trong năm 2022, chính quyền huyện Thạnh Hóa đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2022, tập trung giải ngân vốn theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn huyện Thạnh Hóa năm 2022 là 158.555,352 triệu đồng/183 công trình; khối lượng thực hiện 212.591,53 triệu đồng, đạt 134% KH; giải ngân đạt 100% KH vốn. Bên cạnh đó, thu ngân sách vượt tiến độ so với yêu cầu; trong năm huyện đã thu được 181.770 triệu đồng, đạt 189,3% dự toán đầu năm và 146% dự toán giao phấn đấu.

Nhờ tinh thần chung sức đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân nên kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2022 trên địa bàn huyện đạt kết quả khả quan: Số tiêu chí xã NTM đạt bình quân/01 xã là 17,7 tiêu chí. Đén nay, Huyện có 5/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Tân Tây, Thạnh Phước, Thủy Đông, Thủy Tây và Tân Đông); đang lộ trình xây dựng xã Tân Tây đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Mặt khác, các công trình trọng điểm (đường vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công trình đường Nguyễn Văn Tiếp) và 03 chương trình đột phá (chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chương trình huy động nguồn lực đầu tư các trục đường giao thông gắn với phát triển dân cư, thương mại, dịch vụ và du lịch sinh thái; Chương trình quy hoạch phát triển Công nghiệp và Thương mại - Dịch vụ dọc theo tuyến QL 62, N2) đã và đang được ban, ngành các cấp nỗ lực triển khai thực hiện. Sau khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục đổi mới, phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng. huyện có 23/31 trường đạt chuẩn quốc gia tỷ lệ 74,2%,, trong đó có 1 trường đạt chuẩn cấp độ 2. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và phòng chống các loại dịch bệnh được triển khai thực hiện tốt. Hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao, truyền thanh có bước phát triển vững chắc, toàn diện. Đến nay toàn huyện có trên 98% gia đình văn hoá; 47/47 ấp, khu phố văn hoá; 9/10 xã văn hoá nông thôn mới; 100% cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hoá. Việc trợ cấp, thăm hỏi và tặng quà cho các đối tượng người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người nghèo trên địa bàn huyện được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Tình hình an ninh quốc phòng - trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.

Lễ phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới năm 2023

Năm 2023 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 trong điều kiện tình hình hinh tế- xã hội toàn cầu vẫn còn nhiều biến động. Để giữ vững, phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch đề ra, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quyết tâm cao độ, tích cực, chủ động đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu của ngành, lĩnh vực; đồng thời phát huy thế mạnh vùng đệm của tỉnh và cửa ngõ khu vực Đồng Tháp Mười có lợi thế trong các hoạt động giao thương và sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp; chú trọng thu hút đầu tư và phát triển 02 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt… Từ đó tạo tiền đề xây dựng Thạnh Hóa ngày càng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững./.

 

 

 
CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực