Petrovietnam và KBR tăng cường hợp tác về công nghệ xanh và nhiên liệu hàng không bền vững

Thứ năm, 26/09/2024 14:28
(ĐCSVN) - Petrovietnam và KBR ký kết MOU nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực công nghệ xanh và phát triển nhiên liệu bền vững, đặc biệt là nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

Ngày 23/9/2024 (giờ địa phương), tại New York, trong khuôn khổ chuyến công tác Hoa Kỳ của Đoàn công tác do ông Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dẫn đầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Kellogg Brown & Root (KBR) – Hoa Kỳ đã ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về Công nghệ xanh và Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

Tham dự lễ ký có ông Aman A. Ahmad - Phó Tổng Giám đốc phụ trách về giải pháp công nghệ bền vững của KBR; ông Nam Soo Park - Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh của KBR tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cùng các lãnh đạo, chuyên gia của KBR trong lĩnh vực lọc hóa dầu và năng lượng bền vững. Về phía Petrovietnam có ông Lê Xuân Huyên - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn; lãnh đạo các ban chuyên môn Tập đoàn; ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc BSR cùng lãnh đạo các đơn vị thành viên Petrovietnam tham gia Đoàn công tác.

Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Xuân Huyên và ông Aman A. Ahmad - Phó Tổng Giám đốc KBR trao Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về Công nghệ xanh và Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). 

Theo đó, Petrovietnam và KBR đã ký kết MOU nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực công nghệ xanh và phát triển nhiên liệu bền vững, đặc biệt là nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

Đây không chỉ là tiền đề để tăng cường và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa Petrovietnam và KBR trong việc đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, mà còn tăng cường mở rộng các cơ hội đầu tư sản xuất các loại năng lượng mới và nhiên liệu xanh bền vững như SAF, hydro xanh, amoniac xanh… trong tương lai.

Việc Petrovietnam và KBR ký MOU là bước đi mang tính chiến lược, giúp Petrovietnam tiếp cận các công nghệ và giải pháp kỹ thuật tiên tiến để chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải carbon. Đồng thời, cũng là cơ hội để Petrovietnam mở rộng đầu tư vào các dự án năng lượng mới và nhiên liệu bền vững, góp phần quan trọng vào lộ trình chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải carbon, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Các đại biểu tham dự lễ ký. 

KBR là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời là nhà cung cấp toàn cầu về công nghệ và các dịch vụ chuyên sâu, trong đó có nhiều công nghệ tiên tiến liên quan đến lĩnh vực lọc hóa dầu, đặc biệt là các sản phẩm xanh, sạch phù hợp với xu hướng giảm phát thải và chuyển dịch năng lượng.

Trong thời gian qua, KBR đã tích cực trao đổi, chia sẻ và cập nhật cho Petrovietnam các công nghệ mới, tiên tiến của KBR. Ngoài ra, KBR hỗ trợ, tư vấn cho Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn nghiên cứu giải pháp nâng cao tỷ trọng hóa dầu cho phân xưởng RFCC của NMLD Dung Quất.

Các đại biểu tham dự lễ ký thảo luận về việc triển khai các nội dung trong Bản ghi nhớ hợp tác giữa Petrovietnam và KBR.

 Cũng tại buổi ký kết, hai bên đã tổ chức thảo luận, giới thiệu tình hình phát triển của các Tập đoàn; đồng thời KBR đã chia sẻ xu hướng chuyển dịch năng lượng và các công nghệ mới, sản xuất nhiên liệu bền vững, hydrogen, thu giữ và chuyển đổi carbon. Petrovietnam đánh giá cao các công nghệ mới của KBR và cho rằng đó là cơ hội có thể khai thác thế mạnh của nhau.

Trên cơ sở kết quả thảo luận tại cuộc gặp, hai bên thống nhất tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Bản ghi nhớ hợp tác giữa Petrovietnam với KBR và tin rằng sẽ là tiền đề để tăng cường, làm sâu sắc thêm mối quan hệ, hợp tác giữa hai bên trong việc đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và công nghệ tiên tiến nhằm giảm phát thải carbon cho các nhà máy lọc hóa dầu hiện hữu cũng như dự án tiềm năng; đồng thời tìm kiếm các cơ hội đầu tư sản xuất các loại năng lượng mới và nhiên liệu xanh bền vững (SAF, hydro xanh, amoniac xanh…) trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra rất mạnh mẽ làm cho nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu xăng dầu ngày càng giảm trong tương lai.

Theo Petrotimes

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực