Sâm dây Ngọc Linh- hướng đi mới giúp người H’Mông ở Hà Giang thoát nghèo

Thứ sáu, 07/10/2022 17:07
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Bao đời nay người H’Mông ở Sủng Trái, huyện Đồng Văn (Hà Giang) bám đá tai mèo sắc lẹm tra từng hạt ngô, gieo từng cây bí nhưng đói nghèo vẫn cứ bám riết từ đời này sang đời khác. Nhưng giờ đây, đồng bào nơi đây đã có cơ hội thay đổi cuộc sống, có tiền xây nhà mới, mua xe máy, ti vi… cải thiện được cuộc sống nhờ trồng cây sâm dây Ngọc Linh.

Người đưa giống sâm dây Ngọc Linh (thuộc dòng đảng sâm) lên mảnh đất cheo leo bốn bề đá này là ông Nguyễn Đức Toản, Giám đốc Công ty TNHH Đại Lý Bảo Hiểm Nhân Thọ Miền Bắc và nhóm nghiên cứu của Vườn ươm Bắc Bộ vào tháng 5/2017. Ban đầu, ông Toản và nhóm nghiên cứu trồng thử nghiệm 0,5ha trên đỉnh núi đá. Điều bất ngờ, chỉ trong 3 tháng đầu, cây sâm giống đã cho thấy sự phù hợp với mảnh đất Sủng Trái khi phát triển rất tốt. Tuy nhiên, khó khăn bắt đầu xuất hiện khi mùa khô tới. Cả vùng đất trở nên khô cằn, không thể tìm đâu ra nguồn nước để tưới cho vườn sâm. Mặc dù đã sử dụng đến cả phương pháp lưới bẫy sương hiện đại nhưng vẫn không đủ nước tưới.

Nỗ lực giúp người dân thoát khỏi “bóng ma” đói nghèo. 

Đứng trước những khó khăn tưởng chừng như buông bỏ, thế nhưng giữa lúc đó, cỏ tranh (một loài thực vật thuộc họ lúa) đua nhau mọc khắp nơi mặc cho thời tiết khô hạn. Cỏ mọc chen lấn vườn sâm và chỉ trong hơn một tháng đã không còn bóng dáng cây sâm đâu nữa, chỉ còn rừng cỏ tranh rậm rạp. Nhưng may mắn vẫn còn một số lượng nhỏ cây sâm tồn tại kỳ diệu qua mùa hạn ở vùng đất “khát” này. Từ một số cây còn sống sót, ông Toản và nhóm nghiên cứu quyết tâm đi tìm lời giải. Sau đó, họ đã tìm thấy trong rễ cỏ tranh có một hoạt chất rất đặc biệt, nó được tiết ra để kìm hãm và tiêu diệt sự phát triển của những cây khác mọc gần. Hàng loạt những củ sâm non bị chết nhưng cũng rất nhiều củ sâm khác may mắn tồn tại. “Vô hình chung những củ sâm còn sống sót trở nên khoẻ mạnh qua cuộc đấu tranh sinh tồn và mang trong mình những hoạt chất vô cùng quý hiếm được hấp thụ từ chính rễ cỏ tranh và được tạo nên sức sống theo cách không ngờ tới”, ông Toản chia sẻ.

Và sau 18 tháng, nhóm nghiên cứu quyết định rời vườn sâm đến nơi khác. Trong thời gian này, ông Toản chợt nhớ đến câu chuyện mình được nghe từ đồng bào Xơ Đăng về cây “cỏ giấu” khi trong một lần lặn lội vào huyện Đắk Glei (Kon Tum) năm 2014. Ông Toản nhận ra có điều gì đó tương tự khi trong câu chuyện về một loại sâm rất quý thường được đồng bào tìm thấy trong rừng cỏ tranh rậm rạp thường được dùng để lợp mái nhà Rông ở Tây Nguyên. Loại sâm chữa khỏi bách bệnh (theo lời kể của người dân địa phương) và rất khó lấy vì nằm trong rừng cỏ tranh nên còn được gọi là cây cỏ giấu.

Những suy luận này thôi thúc ông Toản và nhóm nghiên cứu, họ bắt đầu thử nghiệm những củ sâm đã “sống chung” với cỏ tranh ở Sủng Trái để cho ra sản phẩm trà sâm dây Ngọc Linh (làm thủ công). Sau đó, sản phẩm này được làm quà biếu cho những người cao tuổi trong Hệ sinh thái Người già của bảo hiểm nhân thọ. Ông Toản cho hay, tác dụng của loại trà sâm dây Ngọc Linh này mang đến nhiều công dụng không ngờ. Sau khi sử dụng, mọi người đều thấy cơ thể khoẻ mạnh hơn, tóc đen trở lại sau. Đặc biệt, một số người dùng sâm được vài tháng cho biết, trà sâm còn giúp hỗ trợ tiêu hóa, ăn ngon miệng và cải thiện giấc ngủ.

Hiệu quả mang lại của trà sâm dây Ngọc Linh được một số người dùng thử đánh giá cao. Nhưng để có cơ sở khoa học đánh giá chính xác về công dụng của trà sâm dây Ngọc Linh khi được trồng cùng cây cỏ tranh, ông Toản đã quyết định thành lập Công ty An Toàn Thực Phẩm Hà Nội. Ông Toản chia sẻ, sau khi thành lập công ty năm 2019, ông trở lại Hà Giang và được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án “Ươm tạo, trồng cây dược liệu sâm dây Ngọc Linh và bảo tồn các loại dược liệu hiện có tại huyện Vị Xuyên, Đồng Văn tỉnh Hà Giang”. Theo đó, dự án với quy mô đầu tư ươm tạo 1 đến 2 triệu cây giống/năm/3.000m2, trồng hơn 15.000m2 sâm dây Ngọc Linh dưới tán rừng tại thôn Hòa Bắc, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, Hà Giang. Tại xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn sử dụng trên 22.000m2 đất trồng cây hàng năm để nghiên cứu, nhân giống, trồng và bảo tồn một số cây dược liệu như: thất diệp nhất chi hoa, thanh thiên quỳ, sâm dây Ngọc Linh, rễ cây cỏ tranh. Hiện nay, đã trồng được 2,8ha sâm dây Ngọc Linh.

 Dự án “Ươm tạo, trồng cây dược liệu sâm dây Ngọc Linh (Hồng Đẳng Sâm) và  bảo tồn các loại dược liệu hiện có tại huyện Vị Xuyên, Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

Ông Toản chia sẻ: “Với quyết tâm thử nghiệm lại cách trồng sâm cùng với rễ cỏ tranh một lần nữa chúng tôi và nhóm nghiên cứu đã mạnh dạn mở rộng diện tích để từ đó làm cơ sở để đánh giá một cách khoa học, chính xác về hiệu quả của phương pháp canh tác này”. Đến nay, sau 2 năm triển khai dự án, ông Toản cho biết, dự án đã góp phần giúp đồng bảo người H’Mông ở Sủng Trái chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng ngô, sắn… Hiện, dự án đã mang lại những thành công nhất định và được mở rộng tại một số xã của huyện Đồng Văn.

Dự án trồng sâm dây Ngọc Linh ở Sủng Trái không chỉ thành công với việc cho sâm “sống chung” với rễ cỏ tranh mà mới đây, ông Toản đã phối hợp với một số nhà khoa học của Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên đã thực hiện thành công đề tài khoa học “Xác định thành phần hóa học, quy trình điều chế cao và tính an toàn của củ Sâm Tranh Sủng Trái Hà Giang”. Ông Toản cho hay, đề tài được bắt đầu được nghiên cứu từ 15/4/2021 đến 15/9/2022 và đã cho ra kết quả ban đầu rất ấn tượng về chất lượng của loại sâm đặc biệt này. Theo đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu, phân tích thành công các thành phần hóa học của củ Sâm Tranh Sủng Trái Hà Giang; định lượng Saponin và Polysaccarid trong củ Sâm Tranh Sủng Trái Hà Giang; đánh giá khả năng ức chế dòng tế bào ung thư in vitro; khảo sát và lựa chọn thông số quy trình điều chế cao từ củ Sâm Tranh Sủng Trái Hà Giang; xây dựng cơ sở cao Sâm Tranh Sủng Trái Hà Giang và đánh giá tính an toàn của cao Sâm Tranh Sủng Trái Hà Giang.

“Mục tiêu tiếp theo của dự án là xây dựng tiêu chí sản phẩm OCOP tại địa phương và sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP) nhằm phục vụ các khách hàng của Bảo hiểm nhân thọ  trong hệ sinh thái người già và làm các sản phẩm quà tặng có giá trị dành cho các du khách lên với vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Dự án không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn là một biểu tượng đáng tự hào của người dân tại nơi mảnh đất biên cương phía bắc của Tổ Quốc” ông Nguyễn Đức Toản cho biết./.

CTV Truyền hình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực