Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình: Nỗ lực đảm bảo cân đối tài chính - ngân sách phòng chống dịch COVID-19

Thứ tư, 14/10/2020 09:39
(ĐCSVN)- Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19, trong thời gian qua, cùng với việc nỗ lực thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách theo đúng dự toán và tiến độ các đơn vị sử dụng ngân sách, Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình còn chủ động, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động về dịch bệnh COVID-19.
Trụ sở: Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình 

Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu cao của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt với sự quyết tâm của toàn ngành tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2020, Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình cơ bản đã thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách với kết quả như sau:

- Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm thực hiện 2.405,8 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 2.232,3 tỷ đồng, bằng 52% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 47% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh, thu xuất nhập khẩu đạt 173,4 tỷ đồng, bằng 96% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 79% chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh giao.

- Chi ngân sách địa phương thực hiện hết tháng 9/2020 đạt 8.882,3 tỷ đồng, bằng 71% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và 68% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, trong đó:

+ Chi đầu tư phát triển: Thực hiện 1.058,9 tỷ đồng, bằng 40% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh giao.

+ Chi thường xuyên: Thực hiện 6.401.463 triệu đồng, bằng 81% chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh giao.

+ Chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương: Thực hiện 1.420.418 triệu đồng, bằng 61% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh giao.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19, trong thời gian qua, cùng với việc nỗ lực thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách theo đúng dự toán và tiến độ các đơn vị sử dụng ngân sách, Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình còn chủ động, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động về dịch bệnh COVID-19: Yêu cầu toàn thể CBCCVC và người lao động nghiêm túc tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế đối với việc chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn; đeo khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân...); Tuyên truyền, yêu cầu toàn thể CBCCVC và người lao động thực hiện cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh; Hoãn các cuộc họp không thật sự cần thiết, tăng cường trao đổi công việc qua email, điện thoại và một số công cụ hỗ trợ khác; CBCCVC và người lao động chịu trách nhiệm báo cáo ngay để thực hiện các biện pháp cách ly khi có các biểu hiện ho, sốt..., đã từng đi qua vùng dịch trong vòng 14 ngày, xác định bản thân đã tiếp xúc (F1, F2, F3) với bệnh nhân COVID-19; CBCCVC và người lao động hạn chế di chuyển, đi lại tới nơi đông đúc, tụ họp đông người;…

Đặc biệt, Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình đã tham mưu báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn lực để thực hiện việc chi trả chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ. Tính đến ngày 30/9/2020, tổng nhu cầu kinh phí đã chi cho phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân do tác động của dịch COVID-19 là 271 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Sở Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với ban, ngành các cấp theo trình tự, quy định; không để chồng chéo, chậm tiến độ, đồng thời, triển khai kịp thời, đúng đối tượng, đúng mức hỗ trợ, đảm bảo công khai, minh bạch, không để sót đối tượng và không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Nhờ đó, việc chi ngân sách cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ, như: mua sắm trang thiết bị y tế; hỗ trợ người có công với cách mạng; hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm; hỗ trợ đối tượng hoãn hợp đồng, nghỉ không lương tại doanh nghiệp; hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng (không hưởng trợ cấp thất nghiệp), người lao động tự do. Qua đó, giúp người dân và doanh nghiệp vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình tiếp tục bám sát tình hình diễn biến dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách chặt chẽ, đảm bảo đủ nguồn lực để phục vụ công tác phòng chống dịch và các nhiệm vụ chính trị quan trọng khác trên địa bàn tỉnh./.

PG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực