Thái Nguyên chú trọng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ hai, 26/12/2022 19:09
(ĐCSVN) - Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng hoàn thiện công tác kiện toàn, tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo. Hiện, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gồm 39 đồng chí, trưởng Ban Chỉ đạo là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, 02 đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh là Phó Ban Chỉ đạo và 36 đồng chí Ủy viên ban chỉ đạo là Giám đốc, thủ trưởng các Sở, ban ngành, Thủ trưởng cơ quan tổ chức, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố. Đồng thời, thành lập Tổ công tác về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Từ đầu năm 2022 đến nay, tổng vốn phân bổ thực hiện Chương trình là: 287.408 triệu đồng; trong đó, tổng số vốn giao Ngân sách Trung ương là: 249.920 triệu đồng, tổng số vốn giao Ngân sách địa phương là: 37.488 triệu đồng. Ban Dân tộc đã giải ngân 68.696/287.408 triệu đồng bằng 23,9% (số liệu đến 30/11/2022). Dự ước kết quả giải ngân năm 2022: Vốn đầu tư đạt 99%, vốn sự nghiệp 70%. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản, kế hoạch, nghị quyết, quy định và đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Đ/c Lê Kim Phúc, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị,

tiến độ triển khai Dự án 2 Quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư ở những nơi cần thiết tại huyện Võ Nhai 

Dựa trên tình hình thực tiễn của tỉnh, ngoài tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, Ban Dân tộc đã xác định các biện pháp cụ thể, giải quyết vấn đề về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp. Đồng thời, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính chủ động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong quản lý điều hành, thực hiện chương trình; thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, đảm bảo tính công khai, dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia đầy đủ của người dân. Bên cạnh đó, chú trọng hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý, cơ chế phối hợp và giám sát, đánh giá quá trình thực hiện. Huy động mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình, trong đó tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên của người dân giữ vai trò quan trọng, nguồn ngân sách Nhà nước là quyết định. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các nguồn vốn, gồm hỗ trợ từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn tín dụng chính sách xã hội, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn ODA... Ngân sách Nhà nước thực hiện hỗ trợ có điều kiện; tập trung trọng tâm, trọng điểm vào địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, phụ nữ và trẻ em. Tăng cường các hoạt động khoa học và công nghệ nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, triển khai thực hiện chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành. Thường xuyên triển khai công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu để kịp thời giải quyết, xử lý, khắc phục những hạn chế, sai xót, vướng mắc.

Với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cùng tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội về công tác dân tộc, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên không chỉ phát huy mạnh mẽ vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể mà còn cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong đời sống người dân; qua đó củng cố niềm niềm tin của đồng bào vào chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, góp phần xây dựng Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp, hạnh phúc./.

CTV Truyền hình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực