Thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới

Thứ tư, 15/11/2023 16:30
(ĐCSVN) - Sáng 15/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” với sự tham gia của các Bộ, ban, ngành, các địa phương, hiệp hội, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp.

Hội nghị "Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững" diễn ra dưới sự chủ trì củaThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính 

Hội nghị "Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững" là hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch thứ hai được tổ chức trong năm 2023 trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thực hiện đạt cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2023, tạo đà cho những kết quả tốt hơn trong năm 2024 và cũng là giai đoạn đầu của mùa du lịch cuối năm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Hội nghị trao đổi, thảo luận để tìm được lời giải cho các bài toán ngắn, dài hạn, tìm ra những câu trả lời cho một số vấn đề trọng tâm để ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, trong 10 tháng năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt (hơn 9,998 triệu lượt), tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. 

Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại. Ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Người đứng đầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới hạn chế của ngành là do một số thị trường trọng điểm truyền thống mở cửa từng bước, chưa lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch; công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn; Xu hướng lựa chọn các điểm đến gần thay vì lựa chọn điểm đến có khoảng cách xa của một số thị trường trọng điểm của Việt Nam; Việc chậm kết nối, chậm khôi phục tần suất các đường bay quốc tế như trước dịch Covid-19; Các yếu tố tác động khác như lạm phát, tỉ giá tăng, xung đội chính trị, hầu bao cho du lịch của du khách sụt giảm ... đã ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ ra việc truyền thông chính sách, cập nhật, quảng bá thông tin về những quy định mới của Du lịch Việt Nam còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia, sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; Công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương có biểu hiện thiếu quyết liệt, chưa kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng "chặt, chém" du khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu du lịch đang là vấn đề nóng, cần thiết nên được quan tâm, thời gian qua đã có nhiều chính sách như mở cửa sớm, đưa ra các kế hoạch hành động chi tiết…. Trong 10 tháng qua, ngành du lịch đã cố gắng hết sức nhưng còn nhiều điều chưa đạt được. Tuy khách của chúng ta tăng nhanh, nội địa cũng tăng nhanh nhưng tốc độ đã suy giảm. Ông Vũ Thế Bình chỉ ra rằng ngay trong dịch Covid-19 thì ngành du lịch vẫn tồn tại, ở nhiều tỉnh vẫn hoạt động được, nhưng đến khi hết dịch thì liên kết hợp tác trong ngành du lịch dường như biến mất, quay trở lại tình trạng cạnh tranh không lnh mạnh, lại tăng giá, hạ giá, lộn xộn.

Đại diện tập đoàn Vingroup cho rằng thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hoá phong phú chưa đủ để Việt Nam trở thành điểm “phải đến” của du khách quốc tế, trong khi các đối thủ liên tục đổi mới và sáng tạo. Vingroup cho rằng đã đến lúc cần kiến tạo những “điểm đến” vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu của ngành du lịch. 

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đóng góp ý kiến phát triển du lịch Việt Nam tại Hội nghị 

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, đại diện cho Sovico và hãng hàng không Vietjet cho rằng đây là giai đoạn nhiều cơ hội nhưng cũng đầy biến động, thách thức. “Hàng không chưa có lợi nhuận; du lịch, khách sạn, nhà hàng hoạt động cầm chừng. Những điểm đến quốc tế xinh đẹp như đảo ngọc Phú Quốc, như vịnh biển Nha Trang đẹp nhất thế giới, con đường di sản miền Trung Huế - Đà Nẵng – Hội An, Kỳ quan Vịnh Hạ Long… cũng là mỗi nơi đang đóng băng vài chục ngàn phòng khách sạn; dịch vụ giải trí, nhà hàng đều ngưng trệ. Đây là những khối tài sản của quốc dân, xã hội, là việc làm cho hàng trăm ngàn người trong khu vực du lịch.”
 
Chủ tịch Vietjet cho rằng chúng ta cần hành động khẩn trương để những điểm đến đông vui trở lại. Trước dịch, mỗi ngày Vietjet có tới 40 chuyến bay quốc tế tới Nha Trang, nghĩa là khoảng 8000 phòng khách sạn được lấp đầy, tương tự ở Đà Nẵng, Phú Quốc,…
 
Chủ tịch Vietjet  Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất, kiến nghị với Chính phủ: “Hãy để Việt Nam thành điểm đến của du lịch quốc tế đầy bản sắc về văn hoá, ẩm thực, nghỉ dưỡng… Mỗi vùng miền, địa phương đều có những bản sắc cuốn hút riêng”. 

Theo đó, cần tạo điều kiện để hàng không thu hút nhanh nhất, ngay dịp tháng 12/2023 và đầu năm 2024, đưa du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam, đến tất cả các sân bay quốc tế: Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vân Đồn, Hải Phòng, Huế,… bên cạnh TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong nước phát động chương trình hành động quốc gia đẩy mạnh du lịch tới các sân bay, các điểm đến địa phương. Đề xuất Chính phủ, các Bộ tiếp tục thúc đẩy các đàm phán, hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia để có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực (visa), hỗ trợ các hoạt động mở đường bay mới thúc đẩy nhu cầu của người dân, du khách.

 Chủ tịch Vietjet  Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ cần có các sáng kiến phát triển du lịch trên nền tảng giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thời đại mới. Xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia, quốc tế. Vừa qua, Việt Nam đã ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, cấp e-visa nhanh chóng và thuận tiện cho du khách quốc tế.

Trong bối cảnh còn rất nhiều thách thức đối với cả ngành du lịch, hàng không, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ tiếp tục có các hỗ trợ về thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới, ngành ngân hàng giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn, du lịch. Chủ tịch Vietjet đề xuất có các chính sách hỗ trợ về phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam, chính sách quản lý slot bay, quản lý hoạt động khai thác tại các Cảng hàng không để tăng năng lực thông qua các cảng hàng không. Phát triển hoạt động đào tạo, nhất là đào tạo nghề và tăng năng suất, chất lượng trong dịch vụ du lịch. 
 
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo khẳng định đây là cơ hội để du lịch Việt Nam phát triển, Vietjet sẽ tiếp tục nỗ lực, đóng góp bền bỉ cho du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. “Chúng tôi tin rằng, phía trước là tương lai tươi sáng cho hàng không, du lịch và chúng ta hãy cùng hành động để tương lai ấy đến gần hơn.”

Phát biểu kết luận hội nghị sau khi phân tích, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, Ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo, tạo điều kiện tối đa, các chủ thể cần nâng cao nhận thức đầy đủ, toàn diện vai trò của ngành du lịch đối với phát triển đất nước,; từ đó phát huy tính sáng tạo, tự chủ của các chủ thể, phát huy vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng người dân, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để tạo ra một hệ sinh thái du lịch phát triển nhanh, bền vững. 


 

CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực