Vietcombank thực hiện mục tiêu chiến lược 2025 và tầm nhìn 2030

Thứ hai, 25/10/2021 16:00
(ĐCSVN)- Hoà trong không khí chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thành công tốt đẹp và đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, Vietcombank đã vận dụng kim chỉ nam phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong việc “Xây dựng giá trị văn hoá Vietcombank để trở thành sức mạnh bền vững thực hiện mục tiêu chiến lược 2025 và tầm nhìn 2030”.

Học tập, quán triệt, thực hiện triển khai thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ góp phần thực hiện thành công các mục tiêu được đặt ra trong nhiệm kỳ. Một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ là phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam để đột phá chiến lược tạo ra sức mạnh tinh thần, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Năm giá trị cơ bản thể hiện bản sắc văn hoá Vietcombank đang xây dựng, nuôi dưỡng phát triển, bao gồm: Tin cậy – Chuẩn mực – Sẵn sàng đổi mới – Bền vững – Nhân văn đã bắt đầu ăn sâu, thấm nhuần vào mỗi nhân viên 5 chữ vàng rút gọn là Tin-Chuẩn-Mới-Bền-Nhân. Tại mỗi đơn vị công tác, mỗi một cán bộ Vietcombank và đặc biệt mỗi một cán bộ đảng viên cần gương mẫu thấm nhuần 5 giá trị cơ bản của văn hoá Vietcombank để cùng nhau xây dựng, bồi dưỡng, vun đắp tạo nên văn hoá Vietcombank đặc sắc, nhân cách văn hoá con người Vietcombank riêng biệt và không thể lẫn trong một thế giới tài chính toàn cầu hội nhập và biến đổi không ngừng. Và ẩn ý của 5 chữ vàng thể hiện mục tiêu theo đuổi các giá trị văn hoá để mỗi nhân viên Vietcombank tin chuẩn mới bền nhân – đó chính là thành người mà lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vang vọng quanh ta “Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05/CT-TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, Đảng bộ Vietcombank đã phát động và tổ chức Hội thi “Văn hóa Vietcombank dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ. 

 Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam vừa là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm vừa là một trong các nội dung đột phá chiến lược để làm nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Điều kiện lịch sử đã tạo ra con người Việt Nam có những giá trị, phẩm chất đạo đức nổi trội thể hiện qua tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, cần cù chịu khó cùng với lòng nhiệt huyết đổi mới sáng tạo trong lao động sản xuất, ý chí kiên cường vượt qua gian nan thử thách. Chính vì vậy, đương thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Văn hóa soi đường quốc dân đi” như một cách khẳng định vị trí và vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, động lực chính của sự phát triển đất nước là giá trị văn hóa dân tộc và giá trị con người Việt Nam. Thực tiễn đã chứng minh từ khi nước ta giành được độc lập, xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là hơn 35 năm đổi mới, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc không những được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và nhân dân nuôi dưỡng, phát huy; đồng thời có những hình thức phát triển phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu của đất nước; văn hóa và giá trị văn hóa còn trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, kết hợp với du lịch, dịch vụ, đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Hiệu quả cao nhất mà văn hóa và các giá trị văn hóa, con người Việt Nam mang đến chính là nuôi dưỡng tình quê hương đất nước, là nhân lên lòng yêu nước, ý chí khát vọng và tinh thần cống hiến của mỗi người dân ra sức thi đua lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu và công tác vì sự phát triển toàn diện của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự trường tồn của dân tộc.

Tuy nhiên, văn hóa và các giá trị văn hóa của con người Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạ chế như sự xuống cấp  về đạo đức xã hội trong một số người trong xã hội,  đó là sự thờ ơ, vô cảm, thiếu quan tâm, chia sẻ với cộng đồng, thiếu trách nhiệm với xã hội; tư tưởng ngại lao động, thích hưởng thụ, chạy theo lối sống thực dụng; lợi dụng văn hóa để hoạt động mê tín dị đoan để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chính vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề mục tiêu, nhiệm vụ “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người” là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ.

Hoà trong không khí chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc XIII thành công tốt đẹp và đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, Vietcombank đã vận dụng kim chỉ nam phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong việc “Xây dựng giá trị văn hoá Vietcombank để trở thành sức mạnh bền vững thực hiện mục tiêu chiến lược 2025 và tầm nhìn 2030”. Năm giá trị cơ bản thể hiện bản sắc văn hoá Vietcombank bao gồm: Tin cậy – Chuẩn mực – Sẵn sàng đổi mới – Bền vững – Nhân văn, và đã từng bước ăn sâu, ngấm dần vào máu thịt mỗi nhân viên 5 chữ vàng rút gọn là Tin-Chuẩn-Mới-Bền-Nhân, đó cũng chính là ngụ ý của “tin chuẩn mới bền nhân”

Thứ nhất, Tin cậy – giá trị niềm tin, chữ tín của khách hàng đối với Vietcombank

Đại hội Đảng XIII chỉ ra phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và mọi người dân. Phát triển văn hóa chính là giữ cho được cái gốc, cái còn lại cuối cùng của một quốc gia-dân tộc. Đứng dưới góc độ của một ngân hàng, văn hoá được thể hiện thông qua chữ Tín và cũng là cái gốc để tạo ra sự phát triển bền vững, sự trung thành tuyệt đối của khách hàng.  Câu ngạn ngữ “một lần bất Tín vạn sự bất tin” càng để cho chúng ta cần nâng niu, nuôi dưỡng, vun đắp chữ Tín để Vietcombank luôn là địa chỉ đáng tin cậy của khách hàng.

Ngày nay, thời đại thông tin bùng nổ, phương tiện truyền thông đa dạng thì giữ vững chữ Tín thực sự là thách thức rất lớn bởi vì chỉ một cú kích chuột là một nội dung thực hư chưa được xác thực đã lan truyền trên mạng, tạo ra tâm lý bài xích, dậu đổ bìm leo làm cho giá trị thương hiệu và niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng có thể bị xói mòn.

Vì vậy, để xây dựng chữ Tín cần được cụ thể hoá bắt đầu từ nội bộ của Vietcombank, tạo nền tảng vững chắc để hình thành văn hoá bền chặt mà qua đó sẽ tạo ra được chữ Tín, lòng tin với khách hàng. Và đó cũng chính là khẩu hiệu của Vietcombank “Chung niềm tin, vững tương lai”. Vietcombank tin yêu khách hàng sẽ mang lại sự trung thành của khách hàng để cùng nhau xây dựng, thực hiện các mục tiêu, và đạt được những kết quả hơn cả mong đợi.

Thứ 2, Chuẩn mực – yếu tố hỗ trợ xây dựng chữ tín và là chìa khoá thành công của Vietcombank.

Trong báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 được trình bày tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề xuất giải pháp xây dựng và phát triển văn hoá có nhấn mạnh đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị. Tính tiên phong, gương mẫu trong văn hoá ứng xử được phát huy và nhân rộng sẽ thành những chuẩn mực trong xã hội.

Mỗi cán bộ Vietcombank  luôn thấm nhuần 5 giá trị văn hoá Vietcombank: Tin cậy – Chuẩn mực – Sẵn sàng đổi mới – Bền vững – Nhân văn 

Để chuyển tải những chuẩn mực đó phù hợp với văn hoá doanh nghiệp, Vietcombank đang từng bước hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trong việc xây dựng mối quan hệ với công việc, tổ chức, khách hàng, đồng nghiệp, công đồng, xã hội,…

Văn hoá ứng xử là chất kết dính sự hợp tác, chia sẻ, làm việc nhóm, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau, đồng tâm hiệp lực để giải quyết tất cả các vấn đề mà mỗi đơn vị hay của cả Vietcombank đều có thể đi đến thành công. Bức tranh nhân viên trò chuyện vui vẻ, ôn hoà với nhau cũng là một hình ảnh đẹp mà mỗi khách hàng giao dịch sẽ cảm nhận môi trường làm việc thân thiện, qua đó cũng lay động đến cảm xúc của khách hàng. Vì vậy, xây dựng và phát huy văn hoá ứng xử nội bộ sẽ là yêu tố dẫn đến văn hoá ứng xử tích cực, thân thiện và đầy tích cực với khác hàng. Chính vì vậy, xây dựng văn hoá ứng xử của Vietcombank là gắn chặt với chiến lược phát triển văn hoá trong phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại mà được trình bày tại Đại hội Đảng XIII.

Chuẩn mực trong xử lý công việc sẽ tạo ra các mắt xích kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị mà mỗi khi sự phàn nàn hay khó khăn của khách hàng đều được tháo gỡ hiệu quả, nhanh chóng. Kết quả này sẽ đem lại sự hài lòng rất lớn đến khách hàng và qua đó niềm tin của khách hàng đối với Vietcombank ngày càng được bồi đắp. Để đạt được điều này đòi hỏi Vietcombank cần xây dựng các quy trình làm việc theo phương pháp hiện đại để mỗi đơn vị không thể thoái thác trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm hay né tránh các việc khó khăn.

Thứ ba, Đổi mới – nn tảng nâng cao năng lực cạnh tranh của Vietcombank

Nhấn mạnh giá trị văn hoá con người, Đại hội Đảng XIII đã chỉ ra cần khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân được phát huy các năng lực tự do sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội. Bởi vì chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra của cải vật chất cho xã hội nhiều hơn thông qua tăng năng suất lao động nhờ cải tiến kỹ thuật, phát triển và ứng dụng khoa học. Nhận thức được vai trò của đổi mới, Ban lãnh đạo của Vietcombank đã tổ chức các cuộc thi tay nghề, phát động phong trào nghiên cứu khoa học, triển khai các sáng kiến vào trong hoạt động ngân hàng. Đổi mới tại Vietcombank được phát huy từ những giá trị nhỏ trong từng giao dịch phục vụ khách hàng đến những giá trị lớn theo mục tiêu chiến lược. Nhờ có sự đổi mới trong quản trị điều hành mà các sách lược, chiến lược của Vietcombank được triển khai thành công và đem lại kết quả vượt trội và tiến nhanh so với mục tiêu đặt ra.

Đại hội Đảng cũng nhấn mạnh phát triển văn hoá thông qua đẩy nhanh xây dựng xã hội số, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, mở các khóa học đại trà trực tuyến, đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội số. Năm bắt sự thay đổi của hoạt động tài chính ngân hàng hướng đến ngân hàng số, Mô hình Số hóa ngân hàng của Vietcombank được xây dựng trên nền tảng chiến lược đa kênh hợp nhất, hỗ trợ trải nghiệm khách hàng đồng nhất trên các kênh. Ngân hàng số đa kênh hợp nhất sẽ ghi nhận nhiều thông tin, thấu hiểu khách hàng, cá nhân hóa và tối ưu tương tác của khách hàng. 

Thứ tư, Bền vững – yếu tố tạo ra Vietcombank một sức mạnh tổng hợp

Để phát triển bền vững xuyên suốt, Vietcombank cần thực hiện xây dựng và phát huy văn hoá doanh nghiệp; không ngừng đổi mới và sáng tạo; có mục tiêu chiến lược kinh doanh và thực hiện chặt chẽ theo kế hoạch hành động; xây dựng hình ảnh thương hiệu; và thực hiện phương pháp quản trị hiện đại. Tất cả những yếu tố cấu thành một Vietcombank bền vững cũng chính là các yếu tố để xây dựng lên bản sắc văn hoá Vietcombank.

Bền vững ở đây cũng thể hiện Vietcombank cần xây dựng nhất quán, chuyên nghiệp trong hành vi ứng xử từ cử chỉ hành động, lời nói; diện mạo trong hình ảnh thương hiệu và không gian giao dịch. Bên cạnh đó, bền vững cũng thể hiện Vietcombank cần tạo ra mối quan hệ bền vững với khách hàng và đối tác trên nguyên tắc bình đẳng, cùng phát triển tạo điều kiện để cùng phát triển.

Thứ năm, Nhân văn – yếu tố tạo sự khác biệt của Vietcombank

Trong chiến lược phát triển văn hoá con người Việt nam, Đại hội Đảng XIII đã nhấn mạnh phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Hiểu sâu hơn sự gắn kết, phát huy văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam chính là tạo ra những con người Việt Nam có nhân văn. Nhân chính là con người Việt Nam và văn chính là văn hoá của con người. Nhân cách của mỗi con người Việt Nam chính là cốt lõi để tạo nên thương hiệu, hình ảnh đất nước mà các quốc gia dân tộc khác trên thế giới mỗi khi nhìn tới Việt Nam đều được định hình tính cách còn người Việt Nam là thật thà, chịu khó, tình cảm chia sẻ đùm bọc, kiên cường,… Vì vậy, mỗi việc làm dù giá trị rất nhỏ nhưng đều hướng đến tính nhân văn, giá trị văn hoá thì sẽ vun đáp, tích luỹ thành một nền tảng văn hoá phát triển.

Để gọt giũa, bồi dưỡng và đào tạo thành những con người có tính nhân văn thì Ban Lãnh đạo Vietcombank đã định hướng, xây dựng và triển khai nhiều hoạt động ngoài chuyên môn nhằm tạo ra những nhân viên Vietcombank toàn diện, trở thành sức mạnh thương hiệu về chất lượng nguồn nhân sự tốt nhất cả về chất và lượng. Bên cạnh đào tạo những nhân viên mang lại niềm tin cho khách hàng; chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, xử lý công việc; sáng tạo, đổi mới trong công việc, Ban lãnh đạo Vietcombank còn chú trọng để đào tạo ra những nhân viên có đủ tài với tâm trong sáng, lương thiện, đồng cảm với nhân loại thông qua rất nhiều chương trình như Chương trình “giọt máu hồng”, Chương trình “Vì Miền Nam thân yêu” cùng chia sẻ và chung niềm tin chiến thắng đại dịch,….

Như vậy, để mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa, con người thành công trong nhiệm kỳ Đại hội mỗi người trong chúng ta phải từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế và xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Tại mỗi đơn vị công tác cần xây dựng bản sắc văn hoá thuần Việt kết hợp với nét đẹp văn hoá hiện đại hội nhập từ thế giới để tạo ra bản sắc văn hoá riêng cũng như tạo ra một thể thống nhất nền tăng văn hoá vững chắc. Với tinh thần đó, mỗi một cán bộ Vietcombank và đặc biệt mỗi một cán bộ đảng viên cần gương mẫu thấm nhuần 5 giá trị cơ bản của văn hoá Vietcombank -  Tin cậy – Chuẩn mực – Sẵn sàng đổi mới – Bền vững – Nhân văn - để cùng nhau xây dựng nên văn hoá Vietcombank đặc sắc, nhân cách văn hoá con người riêng biệt và là cốt lõi để tạo ra thương hiệu Vietcombank khác biệt trong thế giới toàn cầu hoá và hội nhập tài chính sâu rộng. Và ẩn ý của 5 chữ vàng rút gọn “Tin-Chuẩn-Mới-Bền-Nhân” thể hiện mục tiêu theo đuổi các giá trị văn hoá để mỗi nhân viên Vietcombank tin chuẩn mới bền nhân – đó chính là để thành người mà đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vang vọng quanh ta “Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.      Báo cáo tiếp thu, giải trình của Đoàn Chủ tịch Đại hội về ý kiến thảo luận của các đại biểu đối với các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

2.      Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng

3.      Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

4.      Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030

5.      Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

6.      Sổ tay Văn hoá Vietcombank

7.      GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, 2021, Những nhận thức mới về định hướng phát triển trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thong-tin-ly-luan/-/2018/821908/nhung-nhan-thuc-moi-ve-dinh-huong-phat-trien-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang.aspx.

8.      PGS, TS. Phạm Duy Đức, 2021, Quan điểm của Đảng về phát huy nguồn lực văn hóa. Truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/822103/quan-diem-cua-dang-ve-phat-huy-nguon-luc-van-hoa.aspx.

 

 

Trần Sỹ Mạnh –
Đảng bộ Trụ sở chính Vietcombank

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực