Đảng bộ Hà Nội – những trang sử vàng của Thủ đô

Thứ hai, 16/03/2020 09:34
(ĐCSVN) - Thành lập ngày 17/3/1930, Đảng bộ Hà Nội không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Trên chặng đường vẻ vang, anh dũng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ quân dân Thủ đô đã đạt được những thành tựu lớn lao, xây dựng phát triển Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại và giàu đẹp.

Những bức ảnh tư liệu về quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô phần nào sẽ tái hiện những thành tựu lớn lao của Hà Nội đã đạt được trong 90 năm qua. Từ đó giúp chúng ta thêm nâng niu trân trọng những thành quả cách mạng của các thế hệ cha anh, tăng thêm ý chí quyết tâm, bồi đắp trang sử vàng của Thủ đô anh hùng. 

(Từ trái qua) Đồng chí Đỗ Ngọc Du (Phiếm Chu), Bí thư Thành uỷ Hà Nội lâm thời (17/3/1930 – 5/3/1930); Đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ (Phan, Phương, Lục) Bí thư Thành ủy chính thức Hà Nội (6/1930 - 9/1931). Ngày 6/12/1930, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ bị địch bắt. Biết đồng chí là Bí thư Thành ủy Hà Nội, kẻ thù đã tra tấn hết sức dã man, đồng chí chết đi sống lại nhiều lần nhưng vẫn một lòng giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cộng sản... đồng chí bị địch kết án 20 năm tù khổ sai. Với chế độ nhà tù khắc nghiệt và bị tra tấn dã man, đầu năm 1932 đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ đã hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội khi tròn 24 tuổi. 
 Số nhà 177 phố Hàng Bông, nơi thành lập Ban Chấp hành chính thức của Đảng Bộ thành phố Hà Nội gồm 3 đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ (Bí thư), Lê Đình Tuyển và Đỗ Danh Cưu, Ủy viên, tháng 6 năm 1930.
Đảng viên chi bộ Đông Phù, xã Đông Mỹ (nguyên là tổng Nam Phù Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông trước năm 1945) – Chi bộ Đảng bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở ngoại thành Hà Nội, thành lập tháng 5 năm 1930 (từ trái qua) Đồng chí Đỗ Mười – đảng viên, đồng chí Phạm Gia – Bí thư chi bộ, đồng chí Nguyễn Thọ Chân – đảng viên.

Sau khi ra đời Đảng bộ thành phố Hà Nội bị địch vây ráp, khủng bố gắt gao, nhiều đồng chí bị địch bắt giam, tra tấn và anh dũng hy sinh. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ, Thành ủy nhiều lần được thành lập lại, giữ vững phong trào cách mạng Thủ đô. Trải qua 15 năm đấu tranh gian khổ (1930-1945), Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã tập hợp, lôi cuốn nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 đã biến Hà Nội thành trung tâm cách mạng của cả nước.

Từ năm 1940 – 1943, Đảng bộ Thành phố Hà Nội trải qua 8 lần bị kẻ thù khủng bố ác liệt nhưng Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đã kịp thời điều động cán bộ cho Hà Nội nhằm giữ vững phong trào cách mạng Thủ đô. Từ năm 1941-1944, Ban cán sự Đảng đổi thành Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố.

 Nhân dân Hà Nội giành chính quyền tại Phủ Khâm sai, ngày 19/8/1945.

  Đồng chí Nguyễn Quyết (Hàng đầu, thứ hai từ phải qua) – Bí thư Thành ủy Hà Nội (tháng 3/1945-8/1945), đồng chí Trần Quang Huy (Nguyễn Huy Khôi) (hàng đầu, thứ nhất từ trái qua), Bí thư Thành ủy Hà Nội (8/1945-9/1945, 12/1945-4/1946) cùng một số đồng chí trong Ủy ban Quân sự cách mạng và Thành ủy Hà Nội năm 1945.
 Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư khu ủy XI (Hà Nội) kiêm Chủ tịch Ủy Ban Kháng chiến khu XI (hàng đầu tiên, thứ 3 từ phải sang) và các Ủy viên Ban Thường vụ năm 1946.

Đi qua “khói lửa ngập tràn” những ngày Toàn quốc kháng chiến và những năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, Đảng bộ Thành phố tiếp tục lãnh đạo quân dân Hà Nội bền bỉ đấu tranh trong lòng địch, phối hợp cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.

 Các chiến sỹ chiến đấu kiên cường giam chân quân địch trong lòng Hà Nội cuối năm 1946 đầu năm 1947.

 Ngày 10/10/1954, người dân Thủ đô hân hoan đón chào những đoàn quân chiến thắng trở về, đánh dấu mốc son Thủ đô hoàn toàn giải phóng.

Thời gian từ năm 1954 -1975 là thời kỳ vừa có hòa bình vừa có chiến tranh. Đảng bộ Thành phố Hà Nội chỉ đạo vừa khôi phục vừa phát triển kinh tế, vừa đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở Thủ đô và chi viện cho chiến trường miền Nam. Vượt qua bao khó khăn thử thách, quân và dân Thủ đô đã góp phần làm nên chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” năm 1972 và đại thắng Mùa Xuân 30/4/1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ II, tháng 2 năm 1961.
(Từ trái qua) Đồng chí Trần Danh Tuyên (Nguyễn Văn Luận), Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội (1955-1961); Đồng chí Nguyễn Lam (Lê Hữu Vy), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa II, III (1961-1965); Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa IV, V (1965-1974). 

Suốt 7 năm từ 1966-1972, thành phố Hà Nội đối phó với máy bay địch đánh phá nhưng vẫn giữ được sinh hoạt bình thường, cơ quan vẫn làm việc, đồng ruộng vẫn sản xuất tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhân lực cho miền Nam. Các hoạt động thể thao, văn hóa vẫn diễn ra đều đặn... Nhiều vị khách nước ngoài khi đến Hà Nội rất ngạc nhiên, bởi họ tưởng Hà Nội bị dội bom như thế chỉ còn là đống đổ nát.

 Nhân dân Hà Nội tiễn đưa con em vào miền Nam chiến đấu.

 Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội (hàng đầu tiên, thứ 5 từ trái sang) và các thành viên Đoàn Chủ tịch tại Hội nghị thi đua 4 năm chống Mỹ cứu nước Thành phố Hà Nội.
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội tham dự Đại hội những người xuất sắc trong phong trào Phụ nữ Thủ đô “Ba đảm đang” lần thứ 2 trong kháng chiến chống Mỹ. 
 Nhân dân Hà Nội mít tinh chào mừng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước ngày 15/5/1975

Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước 30/4/1975, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng cường tiềm lực an ninh quốc phòng, vượt ra khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội. Bước vào thời kỳ đổi mới, xóa bỏ cơ chế bao cấp, Hà Nội đổi thay từng ngày. Trong những hoàn cảnh khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống vẻ vang, sáng tạo, khẳng định vị thế, niềm tin “Hà Nội – trái tim của cả nước”./.

Thế Dương (nguồn Khu Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực