Những con số lạc quan về tăng trưởng kinh tế

Thứ tư, 30/10/2019 09:38
(ĐCSVN) – Những con số lạc quan và tăng trưởng khá của các ngành, các lĩnh vực kinh tế 10 tháng qua vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy mục tiêu tăng trưởng chung của cả năm đang đến rất gần.

GDP 9 tháng đầu năm 2019 tăng cao nhất trong 9 năm qua 🎥

Kinh tế 8 tháng nhiều điểm sáng

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vượt khó

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: PV)

Sản xuất nông nghiệp trong tháng 10 tập trung vào chăm sóc, thu hoạch lúa mùa, lúa thu đông trên cả nước và gieo trồng cây màu vụ đông ở phía Bắc. Vụ lúa mùa năm 2019 cả nước gieo cấy được 1.621,9 nghìn ha, bằng 96,4% vụ mùa năm 2018. Diện tích gieo cấy lúa vụ mùa năm nay giảm do các địa phương phía Bắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thiếu lao động nông nghiệp và do ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng kéo dài làm thiếu nước tưới; ở phía Nam, thời tiết nắng nóng gây khô hạn ở một số địa phương, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ từ lúa mùa sang lúa đông xuân tại Cà Mau, đất nhiễm mặn là những nguyên nhân chính làm giảm diện tích lúa mùa chung toàn miền. Tiến độ thu hoạch lúa mùa năm 2019 nhanh hơn cùng kỳ năm trước do được gieo trồng sớm. Tính đến trung tuần tháng 10, cả nước thu hoạch được 888,7 nghìn ha, chiếm 54,8% diện tích gieo cấy và bằng 101,7% cùng kỳ năm trước. Mặc dù thời tiết trong vụ nắng nóng hơn so với trung bình nhiều năm nhưng do có mưa xen kẽ nên nguồn nước được bảo đảm, nông dân tích cực chăm bón, lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đồng thời các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng giống lúa chất lượng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kịp thời phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng nên ước tính năng suất lúa mùa năm nay đạt 49,9 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với năm trước. Cùng với chăm sóc và thu hoạch lúa mùa, các địa phương trên cả nước đã cơ bản kết thúc sản xuất lúa hè thu với diện tích gieo trồng đạt 2.009,3 nghìn ha. Theo báo cáo của các địa phương, năng suất lúa hè thu cả nước năm nay ước tính đạt 54,8 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với vụ hè thu trước...

Về cây màu, tính đến thời điểm 15/10/2019, cả nước gieo trồng được 74,9 nghìn ha ngô, bằng 101,6% cùng kỳ năm trước; 11,8 nghìn ha khoai lang, bằng 99,2%; 4,4 nghìn ha đậu tương, bằng 91,7%; 7,3 nghìn ha lạc, bằng 101,4%; 80,4 nghìn ha rau, đậu, bằng 103,9%.

Tình hình chăn nuôi trâu, bò trên cả nước trong tháng 10 nhìn chung ổn định. Đàn trâu ước tính tiếp tục giảm 3,1% so với cùng thời điểm năm trước do hiệu quả kinh tế không cao và diện tích chăn thả bị thu hẹp; đàn bò trong tháng ước tính tăng 2,4%. Chăn nuôi gia cầm tăng khá 11,5% so với cùng thời điểm năm trước do nhiều hộ chăn nuôi chuyển hướng từ nuôi lợn sang nuôi gia cầm và các cơ sở chăn nuôi chủ động tăng đàn gia cầm trước tình hình dịch bệnh ở lợn. Tuy nhiên, người nuôi cần theo dõi sát tình hình thị trường, tránh tình trạng tăng đàn ồ ạt dẫn đến cung vượt quá cầu, giá bán giảm sâu gây thua lỗ.

Đàn lợn cả nước tháng 10/2019 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng. Tính đến ngày 22/10/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.296 xã thuộc 660 huyện của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số lợn tiêu hủy gần 5,7 triệu con, tương đương với tổng trọng lượng hơn 327 nghìn tấn, trong đó có 3.681 xã thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dịch bệnh đã qua 30 ngày. Tính đến ngày 23/10/2019, cả nước không còn dịch lở mồm, long móng và dịch tai xanh trên lợn; dịch cúm gia cầm còn ở An Giang, Kon Tum.

Với lâm nghiệp, trong tháng 10, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 29 nghìn ha, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 7,2 triệu cây, tăng 1,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.539 nghìn m3, tăng 5,4%; sản lượng củi khai thác đạt 1,6 triệu ste, bằng cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 206,7 nghìn ha, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 67,9 triệu cây, giảm 2,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt gần 13 triệu m3, tăng 4,6%; sản lượng củi khai thác đạt 15,6 triệu ste, giảm 1,4%.

Về thủy sản, trong tháng 10, sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 733,8 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2018. Theo đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 427,4 nghìn tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2018. Sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 306,4 nghìn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ 2018. Tính chung 10 tháng năm 2019, sản lượng thủy sản ước tính đạt 6.698,7 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2018, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 3.541,4 nghìn tấn, tăng 6,2%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.157,3 nghìn tấn, tăng 4,4% (sản lượng khai thác biển đạt 2.991,7 nghìn tấn, tăng 4,7%).

Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá

Cũng theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2019 đạt mức tăng khá, 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8%, ngành khai khoáng tăng nhẹ nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2019 ước tính tăng 2,7% so với tháng 9/2019 và tăng 9,2% so với cùng kỳ 2018, trong đó ngành khai khoáng giảm nhẹ 0,2%; chế biến, chế tạo tăng khá 10,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,1%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,9%. Tính chung 10 tháng năm 2019, IIP ước tính tăng 9,5% so với cùng kỳ 2018, thấp hơn mức tăng 10,3% của cùng kỳ năm 2018.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/10/2019 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng 9/2019 và tăng 2% so với cùng thời điểm 2019, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,4%.

Thu hút gần 13 triệu USD đầu tư nước ngoài

Dự báo mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt và có thể vượt chỉ tiêu. (Ảnh: HNV)

Số liệu của Tổng cục Thống kê nêu rõ, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/10/2019 thu hút 3.094 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 12.833,8 triệu USD, tăng 25,9% về số dự án và giảm 14,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 1.145 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư so với số vốn tăng thêm đạt 5.468,6 triệu USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 10 tháng năm nay đạt 18.302,4 triệu USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước tính đạt 16,2 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 10 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 9.132,5 triệu USD, chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.281,8 triệu USD, chiếm 10%; các ngành còn lại đạt 2.419,5 triệu USD, chiếm 18,8%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 10 tháng đạt 13.872,9 triệu USD, chiếm 75,8% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 1.235 triệu USD (có 22 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn đăng ký điều chỉnh giảm 46,8 triệu USD), chiếm 6,7%; các ngành còn lại đạt 3.194,5 triệu USD, chiếm 17,5%.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5.952,3 triệu USD, chiếm 55,0% tổng giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.748 triệu USD, chiếm 16,2%; các ngành còn lại đạt 3.111,9 triệu USD, chiếm 28,8%.

Trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 10 tháng, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất; tiếp đến là Trung Quốc; Xin-ga-po…

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm nay có 128 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 311,9 triệu USD; có 28 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 100 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 10 tháng năm 2019 đạt 411,9 triệu USD.

Trong 10 tháng có 30 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Ô-xtrây-li-a là nước dẫn đầu; tiếp đến là Hoa Kỳ; Tây Ban Nha, Cam-pu-chia và Xin-ga-po.

Ước tính xuất siêu 7 tỷ USD  

Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng ước tính xuất siêu 7 tỷ USD. (Ảnh: PV)

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2019 ước tính đạt 427,05 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước đang dần khẳng định vị thế với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 16,2%, cao hơn nhiều tốc độ tăng 10 tháng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (3,9%), đồng thời tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (tăng 2,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng ước tính xuất siêu 7 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 9/2019 đạt 23.357 triệu USD, cao hơn 357 triệu USD so với số ước tính, trong đó tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng…

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2019 ước tính đạt 22,40 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,88 tỷ USD, giảm 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,52 tỷ USD, giảm 4,7%. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 giảm so với tháng trước chủ yếu do Samsung kết thúc đợt đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới Galaxy Note 10 làm cho xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm sâu 13,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 giảm 0,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng cao 11,7%, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 5,5%.

Tính chung 10 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 66,63 tỷ USD, tăng 16,2%, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 150,42 tỷ USD, tăng 3,9%, chiếm 69,3% (tỷ trọng giảm 2,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

Trong 10 tháng năm 2019 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 10 tháng năm 2019, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là thị trường EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Với nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 9/2019 đạt 21.749 triệu USD, thấp hơn 751 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 10/2019 ước tính đạt 22,50 tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng 9/2019.

Tính chung 10 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 210 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 87,9 tỷ USD, tăng 13%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 122,1 tỷ USD, tăng 4,4%.

Trong 10 tháng có 32 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 2 mặt hàng đạt trên 20 tỷ USD là điện tử, máy tính và linh kiện cùng với máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng…

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 10 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ…

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 9 xuất siêu 1,6 tỷ USD; 9 tháng xuất siêu 7,1 tỷ USD; tháng 10 ước tính nhập siêu 100 triệu USD. Tính chung 10 tháng năm 2019 ước tính xuất siêu 7 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,3 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 28,3 tỷ USD.

Có thể thấy, với những tín hiệu khả quan trên, mục tiêu tăng trưởng cả năm là hoàn toàn có thể khả thi.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực