Bộ Tài chính: Nhiều chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính

Thứ hai, 25/11/2019 09:10
(ĐCSVN) – Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.

Những bước chuyển mạnh mẽ

Nhắc đến cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của khối các bộ, ngành phải nhắc đến kết quả trong nỗ lực cải cách thủ tục về của ngành Tài chính. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã sửa đổi nhiều quy định, trong đó có nhiều văn bản tác động mạnh mẽ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ sở pháp lý để đơn giản hoá TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh, hiện đại hóa công tác quản lý. Bộ Tài chính đã gắn công tác cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh với công tác cải cách thể chế; kiểm soát chặt việc ban hành mới các TTHC theo quy định; chủ động rà soát, cắt giảm và nâng cao chất lượng TTHC trong lĩnh vực tài chính, nhất là TTHC liên quan tới người dân, doanh nghiệp; công khai, minh bạch tất cả các TTHC. Công tác này được triển khai quyết liệt. Nhiều TTHC được cắt giảm, đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện và chi phí. 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Ngay từ đầu năm 2019, Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.

Theo đó, tính đến hết ngày 15/9/2019, Bộ đã ban hành 14 Quyết định công bố 97 TTHC (trong đó, bãi bỏ 49 TTHC; sửa đổi, bổ sung 15 TTHC và ban hành mới 33 TTHC trong các lĩnh vực: Thuế, Hải quan, Chứng khoán, Công sản, Ngân hàng và Bảo hiểm). Trên cơ sở các quyết định công bố TTHC, Bộ Tài chính đã cập nhật, niêm yết công khai TTHC kịp thời, đảm bảo chính xác, đầy đủ theo đúng quy định, tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện TTHC.

Bộ phận một cửa của Bộ Tài chính đi vào hoạt động đã tạo cơ chế minh bạch, hiệu quả, giảm chi phí, thời gian cho cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC; tạo điều kiện thuận lợi để cá nhân, tổ chức phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm giải quyết TTHC của cán bộ, công chức, tạo dựng được môi trường hành chính minh bạch, văn minh, hiện đại và hiệu quả. 

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát để đề xuất Chính phủ cắt giảm, đơn giản hoá các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhằm tiếp tục tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ

Về việc đổi mới, áp dụng khoa học, công nghệ, Bộ Tài chính đã triển khai phần mềm quản lý văn bản đến cấp chuyên viên tại 24 vụ/cục/đơn vị tại trụ sở cơ quan Bộ Tài chính với số lượng tài khoản sử dụng là 1.397 tài khoản. Thực hiện gửi, nhận văn bản với 95 đơn vị và phản hồi trạng thái tự động từ hệ thống quản lý văn bản điều hành của Bộ Tài chính lên Trục liên thông văn bản quốc gia đủ 6/6 trạng thái xử lý văn bản theo đúng hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Trong 9 tháng/2019, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 977 thủ tục, trong đó bao gồm:116 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1; 354 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 197 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 310 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Riêng lĩnh vực Thuế, liên tục mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng, đồng thời triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Phối hợp với nhiều ngân hàng thương mại kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế và 63 Cục Thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ.

Trong lĩnh vực Hải quan, tính đến ngày 30/8/2019, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối với 174 TTHC được đưa lên cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên cổng thông tin một cửa quốc gia xấp xỉ 2,34 triệu bộ hồ sơ và trên 31,8 nghìn doanh nghiệp tham gia. Triển khai Cơ chế một cửa ASEAN đã có những bước tiến triển thuận lợi như: phối hợp với các bộ, ngành tiến hành đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; phối hợp với Hải quan Hàn Quốc thực hiện thí điểm trao đổi C/O điện tử sử dụng công nghệ blockchain. 

Hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng đã thực hiện điện tử hóa công tác thanh toán với ngân hàng, đảm bảo việc thanh toán cho các đơn vị giao dịch được nhanh chóng, chính xác, an toàn và thuận tiện; đồng thời, từng bước tập trung ngân quỹ về trung ương, nâng cao khả năng thanh khoản của toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu 

Để có thể thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp cải cách hành chính, lãnh đạo Bộ Tài chính đã tăng cường công tác chỉ đạo về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, trong đó xác định rõ vai trò của người đứng đầu.

Với vai trò là người đứng đầu đơn vị, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính được giao tại chương trình, kế hoạch hằng năm của Bộ và của đơn vị. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về cải cách hành chính đến các cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị thuộc Bộ và đến người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính. Kết quả đạt được hằng năm là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, trách nhiệm thực thi công vụ của công chức, năng lực lãnh đạo điều hành của thủ trưởng đơn vị và là một trong các tiêu chí để bổ nhiệm cán bộ, đánh giá bình xét danh hiệu thi đua khen thưởng cho tập thể và cá nhân.

Thực tế, công tác cải cách hành chính luôn được Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo, coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai cải cách hành chính đồng bộ từ công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách bộ máy hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công… tổ chức thực hiện và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính, đặc biệt trong các lĩnh vực Thuế, Hải quan ./.


M.P
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực