Ban hành đồng bộ các quy định
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tài chính thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 03-NQ/BCSĐ ngày 19/3/2018 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ Tài chính đến năm 2020 để triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và văn bản số 275-CY/BCSĐ ngày 23/11/2018 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ Tài chính phối hợp cấp ủy đảng trong đơn vị tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tăng cường thực hiện các biện pháp để đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý tình trạng “tham nhũng vặt” và đẩy nhanh tiến độ công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu phục vụ yêu cầu điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Trong 9 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ thông qua 15 đề án gồm: 01 Luật, ban hành 04 Nghị định, 02 Quyết định và 08 đề án khác được giao theo kế hoạch; tính cả số đề án trình từ cuối năm 2018 chuyển sang, đến nay đã có 01 dự án Luật, 08 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đã được thông qua/ký ban hành; Đồng thời, ban hành theo thẩm quyền 58 thông tư về lĩnh vực quản lý tài chính - NSNN. Qua đó, đã góp phần thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, nổi bật là việc báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), trong đó có các quy định đấu tranh, phòng chống tội phạm về thuế; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử...; báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Chứng khoán tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) và dự kiến Quốc hội sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), trong đó có các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 đã góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế, gây bức xúc trong dư luận khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao trong thời gian qua.
Triển khai đồng bộ các biện pháp
Bộ Tài chính cho biết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều đã xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhằm giúp cho cán bộ, công chức chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Trong quý III, toàn ngành Tài chính đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 132 đơn vị và trong 9 tháng đầu năm, các cơ quan, tổ chức của Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 332 đơn vị. Kết quả kiểm tra đã góp phần kịp thời phát hiện, chấn chỉnh công tác kỷ cương, kỷ luật hành chính, góp phần nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Hầu hết các cán bộ đều nghiêm túc chấp hành quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, không có thái độ hách dịch, cửa quyền gây phiền hà đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động công tác hàng ngày.
Một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng đó chính là luân chuyển vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức. Ngay từ đầu năm, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành Tài chính thực hiện nghiêm túc việc luân chuyển, chuyển đồi vị trí công tác của công chức, viên chức theo 04 hình thức, gồm: Luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác và điều động công chức, viên chức. Đồng thời quy định rõ thời gian, phạm vi thay đổi vị trí công tác được thực hiện ở tất cả các cấp (cấp Tổng cục, cấp Cục ở các tỉnh, thành phố, cấp Chi cục), các đơn vị, tổ chức của Bộ Tài chính.
Một số đơn vị triển khai công tác này tương đối tốt như Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế. Trong tổ chức thực hiện đã quán triệt tốt nguyên tắc tập trung, dân chủ, có sự thảo luận, thống nhất về kế hoạch, danh sách cán bộ luân chuyển giữa lãnh đạo và cấp ủy, tạo sự nhất trí cao về chủ trương, kệ hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện.
Cụ thể, trong quý III năm 2019, các đơn vị của Bộ Tài chính đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối vói 5.558 lượt công chức, viên chức. Và trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn ngành đã thực hiện luân chuyển, điều động 11.575 lượt công chức.
Việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản và thu nhập cũng được đánh giá thực hiện tương đối tốt. Các đơn vị của Bộ Tài chính đã thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập năm 2018 đúng quy định. Tổng số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2018 là 59.673 người/59.743 người; đạt tỷ lệ 99,88% (số người chưa thực hiện kê khai là 70 người, lý do chưa kê khai: nghỉ chế độ thai sản, nghỉ ốm dài ngày, đi học ở nước ngoài, công tác biệt phái...). Số bản kê khai đã công khai: 59.673 bản; đạt tỷ lệ 100% so với số bản đã kê khai. Ngay sau khi các bản kê khai được công khai, các đơn vị đã phân công cán bộ theo dõi và tiếp nhận các thông tin phản ánh để kịp thời xử lý theo quy định.
Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương
Theo Bộ Tài chính, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã khẩn trương, chủ động tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch năm 2019 đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt. Các nội dung thanh tra, kiểm tra năm 2019 đa số tập trung vào các vấn đề phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Tài chính. Trong 9 tháng năm 2019, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện được 57.841 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 308.166 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 10.521 vụ; kiến nghị xử lý về tài chính là 33.223.160 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính là 2.514.440 triệu đồng, số tiền đã thu nộp NSNN là 8.050.647 triệu đồng.
Trong hoạt động kiểm tra nội bộ, các Tổng cục thuộc Bộ Tài chính đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc chú trọng hơn trong công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ nhằm phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tham những của công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. Trong 9 tháng đầu năm 2019, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ tài chính đã tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ đối với 2.233 cuộc trong hệ thống. Những trường hợp thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đều được xử lý nghiêm.
Đánh giá về công tác PCTN, Bộ Tài chính cho rằng, mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng về cơ bản đã thu được những kết quả quan trọng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. So với kỳ trước, hiệu lực, hiệu quả PCTN kỳ này của Bộ Tài chính đã có những chuyển biến theo hướng tích cực hơn.