Cải cách thủ tục hải quan giúp doanh nghiệp vững tin hội nhập

Thứ sáu, 29/11/2019 17:59
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, giảm chi phí cho doanh nghiệp, ngành Hải quan đã tập trung cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tài chính công và hiện đại hóa ngành nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho hoạt động thương mại.

Minh bạch các thủ tục hành chính về hải quan

Tổng cục Hải quan luôn xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, liên tục từ khâu xây dựng thể chế đến tổ chức thực hiện. Công tác cải cách thủ tục hành chính về hải quan trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, làm thay đổi căn bản, toàn diện phương thức hoạt động quản lý hải quan.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. (Ảnh: M.P)

Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) đã được Tổng cục Hải quan chính thức triển khai từ ngày 01/4/2014. Đến nay, sau 5 năm hoạt động, hệ thống này luôn được vận hành ổn định, an ninh, an toàn với sự tham gia của hơn 99,65% doanh nghiệp tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Việc thực hiện khai báo, xử lý hồ sơ trên Hệ thống VNACCS/VCIS đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan.

Bên cạnh đó, trên cơ sở chương trình phối hợp thu đang thực hiện với 42 ngân hàng, Tổng cục Hải quan đã triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 từ ngày 23/10/2017, đến nay đã có 29 ngân hàng thương mại tham gia.

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã nâng cấp chương trình nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, chính thức triển khai Chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu từ ngày 26/11/2019 qua 5 ngân hàng, gồm: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

Với việc tham gia chương trình nộp thuế doanh nghiệp nhờ thu và ủy quyền trích nợ với ngân hàng thì khi doanh nghiệp phát sinh tờ khai, thông tin số tiền thuế, các sắc thuế được cập nhật, xử lý và thanh toán hoàn toàn tự động. Doanh nghiệp không phải làm thủ tục lập lệnh thanh toán tiền thuế trên Cổng thông tin của Hải quan hoặc tại ngân hàng, nên hạn chế tất cả các rủi ro khi trao đổi thông tin lập lệnh nộp tiền giữa hải quan/ngân hàng với người lập lệnh.

Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển và cảng hàng không, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tại 33/35 Cục Hải quan tỉnh thành phố.

Hệ thống VASSCM đã tăng tính tự động trong việc kết nối giữa cơ quan Hải quan và các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi; hài hòa giữa quy trình giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan và quy trình vận hành, khai thác của các doanh nghiệp giúp vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cảng, kho, bãi, giảm thời gian, chí phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khi tăng cường hiệu quả giám sát của cơ quan hải quan.

Theo kết quả khảo sát ban đầu tại Cục Hải quan thành phố Hải Phòng cho thấy việc không phải xuất trình chứng từ giấy tại hải quan giám sát đã giảm tổng thời gian thực hiện thủ tục giám sát từ 1/3 đến 1/2 thời gian so với việc làm thủ tục trước đây, tính trung bình giảm khoảng 2 phút cho 1 tờ khai.

Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN cũng được ngành Hải quan chú trọng. Thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020 (ban hành tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Tính đến ngày 15/11/2019, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 188 thủ tục hành chính của 13 ộ, ngành kết nối với trên 2,6 triệu hồ sơ của gần 34 nghìn doanh nghiệp.

Từ ngày 01/01/2018, Việt Nam là một trong 5 quốc gia đầu tiên chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Trong năm 2019, Việt Nam kết nối bổ sung thêm với Brunei (từ 01/4/2019) và Campuchia (từ 15/7/2019).

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật (xây dựng thông điệp thử nghiệm, kiểm tra kết nối...) để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN (đang thí điểm với Indonesia và Thái Lan) và chứng nhận kiểm dịch thực vật (đang thí điểm với Indonesia).

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các bộ, ngành tiến hành đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.

Đối với dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục Hải quan cho biết, đã cung cấp 172/193 thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực hải quan (chiếm 89% số lượng TTHC) đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4 (trong đó, có 163 TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 4) cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng Internet.

Ngoài các dịch vụ hành chính công trực tuyến, các dịch vụ công trực tuyến khác cũng được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Hải quan, trong đó có các dịch vụ gắn liền với việc thực hiện thủ tục hải quan như tra cứu và xác định mã số hàng hóa, thuế suất; đăng ký sử dụng chữ ký số, tài khoản tham gia thủ tục hải quan điện tử; tra cứu thông tin nộp thuế, nợ thuế; in danh sách mã vạch phục vụ hệ thống giám sát hải quan.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, góp phần công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan Hải quan, giảm được thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Đẩy mạnh hỗ trợ cho hoạt động thương mại

Cùng với việc hoạt động cải cách hành chính đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong năm qua Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu trình Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho Bộ Tài chính và Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải XNC để tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần thực hiện mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Một số văn bản điển hình như Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019; Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương giai đoạn 2019–2022; Nghị định 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu...

Việc ban hành các văn bản nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý hải quan, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, quản lý hải quan theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thuận tiện, thống nhất. Áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra hải quan, quản lý thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính về hải quan nhằm tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật thuế.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phù hợp với các chuẩn mực quốc tế liên quan đến thuế và hải quan, đảm bảo cơ sở pháp lý để hội nhập trong giai đoạn tới. Đồng thời, khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện văn bản pháp luật thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch.

Trong thời gian tới, ngành Hải quan cho biết tiếp tục song hành cùng doanh nghiệp trên bước đường hội nhập kinh tế, đồng hành với doanh nghiệp vì mục tiêu chung tạo thuận lợi thương mại, vì sự phát triển của doanh nghiệp để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước./.

M.P
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực