|
Nghề chăn nuôi gà đang phát triển mạnh tại một số xã của huyện Cẩm Xuyên, mang lại thu nhập cao cho các hộ dân (Ảnh: BT) |
Theo UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, xuất phát điểm thấp, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 11 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 25%), số tiêu chí bình quân thấp đạt 3,9 tiêu chí/xã, không có xã đạt trên 7 tiêu chí. Đồng thời, địa bàn rộng, đa dạng về địa hình, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
Xác định xây dựng nông thôn mới là cơ hội để phát triển, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, vì vậy ngay từ khi triển khai thực hiện, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Hội đồng nhân dân huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, Ủy ban nhân dân huyện ban hành Đề án thực hiện. Ban chỉ đạo được thành lập đồng bộ từ huyện đến xã, đa dạng hóa hình thức chỉ đạo, chuyển tải chủ trương, chính sách đến người dân. Ưu tiên thực hiện những công việc liên quan đến lợi ích trực tiếp, thiết thực của người dân, để phong trào xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào cuộc sống của mỗi gia đình và người dân.
Đến nay, Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đã đạt được kết quả khá toàn diện, từng bước đi vào chiều sâu. Trong đó, đã có 19/21 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới; trong đó, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó, tổng giá trị sản xuất tính đến năm 2019 đạt 7.080 tỷ đồng, tăng 13,1% so với năm 2018; thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,04%; 63 khu dân cư, 822 vườn mẫu đạt chuẩn theo bộ tiêu chí của tỉnh. Kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Qua quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương đã thể hiện rõ nét những điểm nổi bật. Có thể kể đến: Vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được phát huy hiệu quả, thiết thực trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Mỗi cán bộ, đảng viên đã có sự thay đổi về nhận thức, hành động, phong cách làm việc. Triển khai xây dựng nông thôn mới đã trở thành thước đo đánh giá cán bộ, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Cùng với đó là nhận thức của người dân đã thay đổi rõ rệt, chủ động thực hiện chương trình. Đồng thời, xác định rõ người dân là chủ thể, huy động sức dân là chính, phong trào xây dựng nông thôn mới đã trở thành khát vọng của chính người dân để đổi mới quê hương.
|
Xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn tại Cẩm Xuyên (Ảnh: BT) |
Để nâng cao thu nhập cho người dân, địa phương ưu tiên phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất tập trung, liên doanh liên kết trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Thu hút đầu tư phát triển đa dạng các lĩnh vực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế địa phương; phát triển cụm công nghiệp, xây dựng, du lịch, dịch vụ song song với phát triển sản xuất nông nghiệp, khai thác tối đa lợi thế của địa phương.
Phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu được phát huy tạo sức lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực, tạo ra các miền quê đáng sống với cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, hạ tầng tốt và sản xuất vườn hộ đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét.
Trong thời gian tới, theo UBND huyện Cẩm Xuyên, địa phương sẽ tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Cụ thể, chỉ đạo hoàn thành kế hoạch cơ cấu sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; ban hành các cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, liên doanh, liên kết; mở rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất trong nhà lưới, nhà kính; đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, có truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo hướng VietGap, hữu cơ…
Mặt khác, chủ động đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP (Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm). Trong đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Cấp ủy, chính quyền các cơ sở, các phòng ngành, đoàn thể cấp huyện đối với thực hiện chương trình OCOP. Tập trung tuyên truyền, phổ biến để cán bộ, nhân dân hiểu rõ hơn về chương trình OCOP - yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng thời, củng cố, nâng cao mức độ đạt chuẩn các tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá mức độ đạt chuẩn hiện tại của từng tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu./.