Chung tay “4 nhà” để giải quyết những vấn đề cấp bách về môi trường ở nông thôn

Thứ ba, 29/09/2020 14:49
(ĐCSVN) – Các đại biểu đề nghị ban hành các chính sách về đầu tư, quản lý và vận hành các hệ thống xử lý môi trường nông thôn. Bố trí nguồn lực đầu tư cho công tác môi trường, tập trung vào hạ tầng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công tác duy trì và quản lý cho khu vực nông thôn... Đặc biệt nâng cao tính trách nhiệm của cộng đồng, bám sát nguyên lý “người gây ô nhiễm phải trả tiền cho việc xử lý ô nhiễm”.

 

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh:TH) 

Sáng 29/9, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo liên kết “4 nhà” xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố (TP) Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội.

Diễn đàn, cầu nối để “4 nhà” trao đổi, thống nhất các vấn đề cấp bách

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thông tin, nông thôn TP Hà Nội có diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp lớn với dân số trên 4 triệu người, chiếm trên 60% lực lượng lao động của toàn TP. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ TP xác định “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân” là một trong những chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia ủng hộ của nhân dân, xây dựng NTM thu được kết quả toàn diện, nổi bật. Đến cuối năm 2020, có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra, đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn NTM, với nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn Hà Nội được nâng lên rõ rệt…

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được là chủ yếu, vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn. Đi kèm với sự phát triển nhanh của sản xuất làng nghề, việc ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp; đòi hỏi phải có giải pháp thiết thực, hiệu quả, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân; trong đó có vai trò quan trọng của 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.

Vì vậy, mục đích Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng tình hình nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn; trưng bày, giới thiệu những thành tựu nghiên cứu khoa học và ứng dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về ứng dụng công nghệ trong xử lý môi trường đã và đang được triển khai trên địa bàn TP Hà Nội; đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện đối với từng lĩnh vực đảm bảo hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh:TH)

Hội thảo cũng là diễn đàn, là cầu nối để 4 nhà trao đổi, thống nhất, cùng phối hợp tốt để góp phần tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của TP về phát triển khu vực nông thôn Hà Nội; tập trung vào vấn đề môi trường, mang tính cấp thiết, quyết định quan trọng tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

“Người gây ô nhiễm phải trả tiền cho việc xử lý ô nhiễm”

Báo cáo thực trạng và giải pháp xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn TP, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, khu vực nông thôn với dân số Hà Nội khoảng 4,2 triệu người, với 1.350 làng có nghề, trong đó có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận; Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp, công nghiệp làng đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động mỗi ngày, đặc biệt là các làng nghề đã thu hút các lao động nhàn rỗi, lao động nghèo, quá tuổi tại địa phương tạo thu nhập cho người dân. Trong đó có 26 cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải, 11 cụm công nghiệp đang tiến hành triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2020 và năm 2021.

Tổng doanh thu của các làng nghề đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có doanh thu cao tại Hoài Đức như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt 1.061 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu đạt 1.600 tỷ đồng; một số làng nghề khác như làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá, Thạch Thất doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng; làng nghề đồ mộc - may thôn Hữu Bằng, Thạch Thất đạt gần 1.000 tỷ đồng…

Tuy nhiên, mặt trái của phát triển kinh tế trong thời gian qua là vấn đề ô nhiễm môi trường, như ô nhiễm không khí, tiếng ồn, bụi, chất thải rắn, nước thải đối với làng nghề, cụm công nghiệp; ô nhiễm chất thải rắn, nước thải, mùi hôi thối trong sản xuất chăn nuôi; ô nhiễm bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước, đất, tàn dư thuốc bảo vệ thực vật, tàn dư nông sản trong sản xuất trồng trọt; ô nhiễm nước thải sinh hoạt, rác thải sinh hoạt hàng ngày của khu vực nông thôn thải ra,… kết hợp với rác thải, nước thải đô thị đã tạo nên từ chỗ ô nhiễm nhỏ thành ô nhiễm tập trung, gây khó khăn trong xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đây là vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ và hiệu quả, bền vững.

Theo kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội từ năm 2017-2020 có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), có 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), có 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước (chiếm 19,9%), tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%. Nước thải của một số ít làng nghề được chuyển đến cụm công nghiệp làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, còn phần lớn nước thải tại các làng nghề đều xả thải thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm ở mức rất cao mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào…

Tại hội thảo, Giám đốc Chu Phú Mỹ đề nghị các bộ tiếp tục nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể, dễ thực hiện để phát triển sản xuất (nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch dịch vụ...) thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên. Đặc biệt cần quyết liệt hơn trong việc quản lý các phương thức canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khai thác lâm sản không thân thiện với môi trường.

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà nông đã góp phần làm rõ hơn những kết quả đạt được, cũng như những hạn chế còn tồn tại. Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp để làm tốt hơn việc liên kết 4 nhà trong xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn. Theo đó, các đại biểu đề xuất tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, lãnh đạo và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua chung tay bảo vệ môi trường. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về công tác bảo vệ môi trường để nhân rộng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nọi Ngô Thị Thanh Hằng và các đại biểu tham quan không gian trưng bày tại hội thảo. (Ảnh:TH)

Ban hành các chính sách về đầu tư, quản lý và vận hành các hệ thống xử lý môi trường nông thôn. Bố trí nguồn lực đầu tư cho công tác môi trường, tập trung vào hạ tầng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công tác duy trì và quản lý cho khu vực nông thôn... Đặc biệt nâng cao tính trách nhiệm của cộng đồng, bám sát nguyên lý “người gây ô nhiễm phải trả tiền cho việc xử lý ô nhiễm” (thông qua việc hình thành cơ chế thu phí vệ sinh, giá dịch vụ môi trường...). Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch trong cụm công nghiệp làng nghề và chăn nuôi tập trung xa khu dân cư.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh đến việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong xử lý chất thải rắn, nước thải để bảo vệ môi trường khu vực nông thôn; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp để xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, thân thiện với môi trường và không phát sinh chất thải. Đặc biệt áp dụng các biện pháp đủ mạnh, có tính răn đe trong giải quyết những xung đột về xử lý môi trường.

Đẩy mạnh liên kết “4 nhà” đưa khoa học đến thực tiễn

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các sở ban ngành, các quận, huyện, thị xã, các xã và đặc biệt là sự tham gia tích cực của nhân dân toàn TP trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần hoàn thành mục tiêu Chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ rõ những vấn đề còn còn tồn tại. Đó là việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, hệ thống cấp nước sạch khu vực nông thôn, xử lý ô nhiễm một số sông trên địa bàn (như Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuê%3ḅ sông Đáy) nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Vấn đề xử lý ô nhiễm không khí chưa có các giải pháp hiệu quả, hê%3ḅ thống quan trắc chất lượng không khí còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng cuộc sống của người dân. Việc đầu tư các trạm xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động và quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề còn chưa được coi trọng, tiến đô%3ḅtriển khai còn chậm. Ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường vẫn còn chưa có nhiều chuyển biến….

Để khắc phục những tồn tại hạn chế về nước thải và chất thải rắn ở khu vực nông thôn là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian vừa qua, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu nhà quản lý rà soát, nghiên cứu tham mưu TP ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong xử lý môi trường khu vực nông thôn. Đối với các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý nước thải tập trung; kiểm tra, rà soát, nâng cấp các hệ thống xử lý cũ không đáp ứng yêu cầu thay thế bằng hệ thống xử lý công nghệ mới thân thiện với môi trường; lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi về chất lượng môi trường tại các cụm công nghiệp.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận Hội thảo. (Ảnh:TH)

Đối với các làng nghề, tập trung đánh giá tác động môi trường của các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để từ đó đưa ra giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm bằng công nghệ mới; nghiên cứu, quy hoạch, mở rộng cụm công nghiệp làng nghề để đưa các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư; đưa công nghệ mới xử lý chất thải rắn và nước thải của các làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ đầu nguồn sản xuất.

Đối với rác thải sinh hoạt phải được phân loại từ đầu nguồn và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng NTM. Hỗ trợ công cụ, thiết bị thu gom, phân loại cho các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học; khu vực công cộng; các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hỗ trợ vật tư thiết yếu đối với các hộ tự xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình…Đối với nước thải sinh hoạt, hỗ trợ các thiết bị, tiến bộ kỹ thuật mới để xử lý nước thải vệ sinh, nước thải sinh hoạt trước khi xả thải ra môi trường. Rà soát, quy hoạch các điểm thu gom và xử lý tập trung theo quy mô xã, liên xã để xử lý đảm bảo nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường…

Đối với nhà nông, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị người nông dân cần đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, thường xuyên cập nhật thông tin, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các nhà đầu tư có uy tín trong việc học tập, nghiên cứu, áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, tiến bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vừa đảm bảo chất lượng, năng suất và bảo vệ môi trường.

Nhấn mạnh các nhà khoa học có vai trò quan trọng trong việc tạo “đầu vào” có chất lượng cao, giảm giá thành, bảo vệ môi trường nhờ công nghệ... nhưng hiện nay việc liên kết với các “nhà” còn lại còn lúng túng và hiệu quả chưa cao, nhất là việc liên kết với người nông dân để “xã hội hóa” các công nghệ hiệu quả. Vì vậy, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các nhà khoa học của TP cần chủ động bám sát hơn nữa cơ sở, nghiên cứu thực tiễn tình hình sản xuất của từng địa phương, từng khu vực để nghiên cứu, xây dựng các đề án, mô hình hay, có tính lan tỏa, tính thực tiễn cao và đặc biệt phải thân thiện với môi trường; đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, doanh nghiệp để giới thiệu các đề tài nghiên cứu của mình làm cơ sở “3 nhà” còn lại tiếp thu, ứng dụng, đưa vào thực tiễn sản xuất.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý, các doanh nghiệp phải thực sự là “đầu tàu”, giữ vai trò quan trọng liên kết “3 nhà” còn lại; ngoài vai trò hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của Thủ đô; các doanh nghiệp cần chung tay với chính quyền chia sẻ, hỗ trợ về công nghệ cho người nông dân để đầu tư các hệ thống hạ tầng trong sản xuất tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Hỗ trợ nguồn lực cho chính quyền địa phương xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải làng nghề, chất thải trong sản xuất nông nghiệp…/. 

Thu Hà - Nam Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực