Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội

Thứ tư, 11/12/2019 16:42
(ĐCSVN) - Trong nửa đầu nhiệm kỳ (2016- 2019), công tác củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ chức Hội từ Thành phố đến cơ sở, được các cấp Hội LHPN TP Hà Nội chú trọng triển khai, gắn với nhân rộng các tập hợp phụ nữ đặc thù như phụ nữ cao tuổi, nữ thanh niên, phụ nữ nhập cư, nữ trí thức, phụ nữ khuyết tật …
leftcenterrightdel
 Việc duy trì các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế giúp củng cố, nâng cao chất lượng hội viên

Nâng cao chất lượng tổ chức Hội cơ sở

Thực hiện khâu đột phá “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút hội viên, phát huy quyền làm chủ của hội viên phụ nữ” và Chương trình 01-Ctr/Tu của Thành ủy Hà Nội, trong nửa đầu nhiệm kỳ, công tác củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ chức Hội cơ sở được Hội LHPN TP và các cấp Hội quan tâm đúng hướng.

Việc triển khai thực hiện các giải pháp tập hợp, thu hút hội viên được quan tâm, tập trung hỗ trợ cơ sở Hội có khó khăn trong tổ chức hoạt động; đồng thời nhân rộng các tập hợp phụ nữ đặc thù như phụ nữ cao tuổi, nữ thanh niên, phụ nữ nhập cư, nữ trí thức, phụ nữ khuyết tật… Các cấp Hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo và quản lý; xây dựng mô hình làm việc khoa học, chuyên nghiệp trong cơ quan chuyên trách từ Thành phố đến cơ sở.

Thành Hội kết nạp Hội Nữ trí thức và Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội là tổ chức thành viên của Hội. Phát triển 23 chi hội ở những địa bàn dân cư mới thành lập; duy trì hoạt động 34 cơ sở Hội trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Tiếp tục phối hợp với Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng triển khai dự án “Hỗ trợ lao động giúp việc gia đình tiếp cận chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm”, duy trì hoạt động  của 15 CLB giúp việc gia đình với 450 hội viên.

Hội LHPN TP đã tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp. Đến nay, tổng số đầu mối trực thuộc Hội LHPN Hà Nội là 33 đơn vị (giảm 1 đầu mối Hội Phụ nữ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy sáp nhập vào Hội Phụ nữ Công an Thành phố), 759 cơ sở Hội, 5762 chi hội (tăng 11 chi hội so với đầu nhiệm kỳ), 15.527 tổ phụ nữ (giảm 88 tổ so với đầu nhiệm kỳ). Trong nửa đầu nhiệm kỳ, các cấp Hội đã phát triển 23.217 hội viên, số hội viên do hội quản lý hiện tại là 875.358; Tỷ lệ phát triển hội viên hàng năm đạt từ 1-1,1% (đạt 73% chỉ tiêu Đại hội). Tỷ lệ thu hút hội viên trong các hộ gia đình có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên đạt 65,2%. Tỷ lệ hội viên đóng hội phí hàng năm trung bình đạt 80-85%. Hàng năm có 98,8% cơ sở Hội xếp loại khá trở lên trong đó 90% đạt loại xuất sắc.

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 39 - NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Hội LHPN Hà Nội đã tiến hành sắp xếp cán bộ, công chức cơ quan Thành hội theo Đề án vị trí việc làm. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội LHPN TP Hà Nội đã tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2016-2021; xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2021-2026 đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, đúng quy trình …

Song song với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp có nhiều chuyển biến. Các cấp Hội đã chú trọng gắn đào tạo với quy hoạch cán bộ hàng năm đồng thời khuyến khích cán bộ tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng vận động quần chúng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trong nửa nhiệm kỳ, các cấp Hội đã tham mưu cấp ủy kết nạp 1.050 đảng viên mới, giới thiệu 1.288 cán bộ, hội viên ưu tú để Đảng bồi dưỡng kết nạp.

Tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền

Thực hiện khâu đột phá “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ” giai đoạn 2017-2022, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hướng dẫn các cấp Hội triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây Đảng, xây dựng chính quyền.

Các cấp Hội chủ động lựa chọn đăng ký nội dung giám sát chính sách, pháp luật có liên quan đến phụ nữ, trẻ em như: Thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, giám sát an toàn thực phẩm, chế độ chính sách người có công với cách mạng, chính sách bảo trợ xã hội cho phụ nữ cao tuổi, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo; Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ từ 0 - 6 tuổi.... Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp giám sát việc thực hiện chính sách người có công, công tác giải quyết đơn thư, kiến nghị của nhân dân, việc thực hiện Nghị quyết HĐND Thành phố về chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho tổ chức cơ sở Hội.

Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với MTTQ tập hợp nắm bắt ý kiến, dư luận của hội viên phụ nữ, bước đầu đã tổ chức, tham gia 1.862 hội nghị đối thoại với cấp ủy cùng cấp với 195 ý kiến; chủ trì tổ chức đối thoại giữa nữ lao động nhập cư với lãnh đạo chính quyền địa phương, các ngành liên quan về công tác an sinh xã hội, quy định về cư trú, văn minh đô thị. Cấp ủy, chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ bày tỏ tâm tư, ý kiến góp ý và tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân phản ánh.

Đặc biệt, các cấp Hội đã quan tâm xây dựng một đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên là những người có kiến thức, chuyên môn sâu trong lĩnh vực pháp luật, bình đẳng giới và một số lĩnh vực liên quan đến phụ nữ, đời sống dân sinh để tham gia công tác phản biện xã hội, xây dựng luật pháp chính sách cùng với tổ chức Hội.

Thông qua việc đối thoại các cấp Hội lắng nghe và kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của hội viên ở cơ sở…/.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực