Đơn Dương nỗ lực xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ hai, 22/06/2020 16:41
(ĐCSVN) - Là địa phương được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, đến nay, Đơn Dương (Lâm Đồng) đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
 Đơn Dương (Lâm Đồng) nỗ lực xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Ảnh minh họa: BT)

Năm 2018, huyện Đơn Dương được Chính phủ chọn làm điểm để xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019-2025. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương và Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông thôn lập Đề án và được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 427/QĐ-UBND ngày 6/3 năm 2019. Ngay sau đó, Huyện ủy Đơn Dương đã ban hành Nghị quyết và UBND huyện đã ban hành Kế hoạch để lãnh đạo, triển khai thực hiện đề án.

Trong giai đoạn 2019-2020, huyện Đơn Dương phấn đấu 50% số xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.

Đến nay, triển khai Đề án, huyện Đơn Dương đã tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp các tuyến đường với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng, trục giao thông liên xã, liên thôn. Đồng thời, hoàn thành nâng cấp một số cầu với tổng mức đầu tư 125 tỷ đồng, góp phần thuận tiện trong giao thương, phát triển liên kết vùng. Hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư. Hiện 100% các thôn có điện lưới quốc gia. Toàn huyện có 42/54 trường đạt chuẩn quốc gia; 8/8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 8/8 xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao.

Đặc biệt, thực hiện nông nghiệp công nghệ cao, địa phương tiếp tục quan tâm đến công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi các diện tích canh tác kém hiệu quả sang sản xuất cây rau thương phẩm. Tổng diện tích sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao hiện nay là 10.512 ha/11.763 ha đất canh tác rau, hoa toàn huyện (chiếm 89,4%), trong đó diện tích nhà kính, nhà lưới là 2.330 ha. Tưới tự động, nhỏ giọt ngoài nhà kính, nhà lưới đạt 8.100 ha; diện tích điều khiển nhiệt độ, ánh sáng độ ẩm đạt 45 ha; nông nghiệp hữu cơ đạt 29 ha. Cùng với đó, địa phương chú trọng đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, canh tác không dùng đất, ứng dụng kỹ thuật canh tác trên giá thể góp phần nâng hệ số sử dụng đất lên 3-3,5 lần/năm. Giá trị thu nhập từ sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao đạt từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm; có những mô hình đạt từ 1 đến 2 tỷ đồng/ha/năm.

Đến nay, Đơn Dương đã có nhiều diện tích cây trồng áp dụng hệ thống tưới tiên tiến
(Ảnh minh họa: BT)

Không chỉ trên lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi của địa phương cũng được đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ. Với chăn nuôi bò sữa, các hộ chăn nuôi đã chú trọng phát triển sản xuất tập trung theo hướng trang trại, áp dụng công nghệ, quy trình tiến tiến trong chăn nuôi với quy mô đàn 10 con trở lên/1 hộ, chiếm 78%. Hiện, tổng đàn bò sữa toàn huyện có 14.300 con, trong đó có khoảng 47% tổng đàn bò sữa đang cho khai thác sữa, bình quân 134 tấn/ngày; tổng doanh thu từ nguồn sữa tươi ước đạt 1,68 tỷ đồng/ngày. Liên kết theo chuỗi giá trị từ chăn nuôi bò sữa đến thu gom, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sữa tươi nguyên liệu đã giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư, phát triển mở rộng sản xuất, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp thu mua sữa. Hiện nay trên địa bàn huyện có tất cả 10 trạm thu mua sữa thuộc 4 doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sữa ổn định cho tất cả hộ chăn nuôi.

Trong việc xây dựng, áp dụng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năm 2019, huyện đã xây dựng mô hình trồng thực nghiệm một số loại cây trên giá thể, hỗ trợ 4 kho lạnh bảo quản nông sản, 20 máy vắt sữa đôi, nâng cấp 2 vườn ươm có lưới chắn côn trùng. Cùng với đó, hỗ trợ 44 hệ thống tưới thông minh, tưới tiết kiệm nước kèm châm phân tự động cho 52 ha sản xuất với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng. Hiện nay có 2 vùng sản xuất đang trình UBND tỉnh thẩm định, công nhận vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phấn đấu đến cuối năm 2020 có thêm 1 vùng được công nhận vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa.

Trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Đơn Dương được UBND tỉnh đánh giá công nhận sản phẩm OCOP Lâm Đồng đối với 3 sản phẩm: Trà đương quy túi lọc đạt 4 sao, quả hồng sấy dẻo đạt 3 sao, củ năng đạt 3 sao.

Theo UBND huyện Đơn Dương, trong thời gian tới, để hướng tới xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, địa phương sẽ tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện Chương trình theo các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, thực hiện đổi mới công tác tuyên truyền, vận động theo hướng thiết thực, dễ làm, dễ hiểu. Vận động nhân dân đổi mới cách thức sản xuất thông qua xây dựng, nhân rộng mô hình tiêu biểu, phát huy vai trò chủ thể, tính chủ động sáng tạo của người dân. Khai thác triệt để lợi thế, tiềm năng vốn có của từng xã, thị trấn để phát triển sản xuất theo lĩnh vực lợi thế, tăng cường thu hút đầu tư dự án phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, chú trọng đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân. Lồng ghép các nguồn vốn, chương trình, dự án, đề án trên địa bàn huyện và tăng cường huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo phương châm “Dân làm - Nhà nước hỗ trợ”.

Ngoài ra, UBND huyện Đơn Dương kiến nghị Trung ương, các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn huyện Đơn Dương triển khai Đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh; xem xét, ưu tiên hỗ trợ kinh phí để huyện Đơn Dương có đủ nguồn lực tổ chức thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra./.

Thanh Thư
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực