Gia Lâm - điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Thứ ba, 30/06/2020 21:16
(ĐCSVN) - Huyện Gia Lâm nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố Hà Nội, có vị trí địa lý thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu thương mại. Công tác xây dựng nông thôn mới của địa phương đạt nhiều kết quả tích cực, được công nhận là huyện nông thôn mới.

Đường hoa tại xã Đặng Xá do hội viên Hội Nông dân huyện Gia Lâm trồng, chăm sóc.
(Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội và Chương trình số 02/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân; trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Lâm đã tập trung triển khai, tổ chức thực hiện đạt được những kết quả quan trọng.

Nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới

Với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, từ chỗ chỉ có 9 xã đạt từ 10 đến 13 tiêu chí, 11 xã đạt từ 7 đến 9 tiêu chí vào năm 2010, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng chưa đạt như: quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội, hộ nghèo, môi trường… đến nay 20/20 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Gia Lâm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm trước; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (tăng tỉ trọng ngành dịch vụ - thương mại, công nghiệp); tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm tăng cao. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường; công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện không ngừng được nâng lên. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019 đạt gần 3.165 tỷ đồng. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng 11,7%/ năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 55,4 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo.

Với đặc điểm là huyện ngoại thành ở phía Đông Bắc của Thủ đô, nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông huyết mạch; đã tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi tất yếu xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển đô thị. Huyện xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm; là cơ hội để tập trung mọi nguồn lực đầu tư, định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp theo hướng đô thị hóa; từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Đồng thời là cơ hội để tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn phát triển; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo lao động, giải quyết việc làm góp phần nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng theo quy hoạch được tập trung chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo đúng theo định hướng quy hoạch chung Thủ đô và các quy hoạch phân khu trên địa bàn được phê duyệt. Trong giai đoạn 2010-2019, đã đầu tư gần 6 nghìn tỷ đồng để phát triển, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, hệ thống hạ tầng khung trên địa bàn.

Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã; đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% tuyến đường từ 2m trở lên được lắp đặt chiếu sáng; các tuyến đường do huyện quản lý được cải tạo, nâng cấp, nhựa hóa đạt chuẩn; hình thành 11 tuyến phố văn minh đô thị. Các thiết chế văn hóa, trạm y tế xã được đầu tư đồng bộ: 100% các thôn, tổ dân phố đều có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng, có hệ thống truyền thanh không dây; 100% dân số được sử dụng nước sạch… Các cơ sở dịch vụ thương mại, các cụm công nghiệp, làng nghề được đầu tư, phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Xây dựng và triển khai Phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện gắn với Đề án đầu tư xây dựng, xã hội hóa hệ thống đường làng, ngõ, xóm, vườn hoa, sân chơi, ao hồ...; trong đó tập trung xử lý, nâng cao chất lượng môi trường trong các khu dân cư, trong nông nghiệp. Xác định đầu tư, tách nước thải 106 điểm ao hồ trong khu dân cư. Qua đó bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp, chất lượng vệ sinh môi trường được nâng cao, tạo quang cảnh sáng - xanh - sạch - đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.

Phát triển sản xuất gắn với bảo tồn làng nghề truyền thống

Tổ chức sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã xây dựng và phê duyệt “Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020” và quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 tại 20 xã, thị trấn; đã chuyển đổi hơn 1.400ha lúa sang trồng rau, cây ăn quả, cây cảnh; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, triển khai thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái; tập trung phát triển vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, hình thành 18 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, 22 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong đó có các mô hình như: mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín tại xã Phù Đổng; rau thủy canh xã Đa Tốn; các mô hình cây cam, chuối theo tiêu chuẩn VietGAP xã Kiêu Kỵ; mô hình xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng trùn quế tại xã Đặng Xá, Phù Đổng... mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, trung bình đạt 306 triệu/ha (tăng 198 triệu đồng/ha so với năm 2010), cá biệt có mô hình doanh thu trên 1 tỉ đồng/ha/năm.

Gốm Bát Tràng - Một sản phẩm làng nghề truyền thống ở Gia Lâm. (Ảnh: Đặng Hiếu) 

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống luôn được huyện đặc biệt quan tâm. Với các làng nghề truyền thống: Dát qùy vàng, may da Kiêu Kỵ; thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp; gốm sứ Kim Lan, Bát Tràng… đã tạo ra các giá trị đặc trưng, các sản phẩm tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Huyện đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020” tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của làng nghề, phát triển làng nghề theo định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với công tác quản lý môi trường và phát triển du lịch, gắn với vấn đề tái cấu trúc làng nghề để thích nghi với hội nhập kinh tế, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển liên doanh, liên kết giữa các cơ sở làng nghề; đảm bảo sự tăng trưởng ổn định lâu dài về mặt kinh tế và sự phát triển bền vững của làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, cùng với làng nghề Vạn Phúc - Hà Đông, làng nghề truyền thống Bát Tràng đã được UBND Thành phố Hà Nội quy hoạch, đầu tư, bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống, kết hợp với du lịch; được UBND Thành phố công nhận là điểm du lịch. UBND huyện đã xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển du lịch Bát Tràng, đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển làng văn hóa du lịch Bát Tràng gắn với phát triển sản phẩm OCOP; để các sản phẩm truyền thống, dịch vụ của Bát Tràng đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.

Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa

Có được những kết quả trên trong xây dựng nông thôn mới của huyện Gia Lâm là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, của Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố và sự giúp đỡ có hiệu quả của các Sở, ban, ngành, Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới Thành phố. Và sự nỗ lực, đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Lâm, trong đó có những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đó là những bài học kinh nghiệm về: coi trọng công tác chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, tạo sự thống nhất, nhận thức đúng đắn và sâu sắc về xây dựng nông thôn mới; về phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong quy hoạch và quản lý xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa các nguồn lực và đồng bộ các giải pháp, triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm... và để người dân thực sự là chủ thể của xây dựng nông thôn mới.

Với định hướng được xác định xây dựng huyện thành quận trong giai đoạn 2020 - 2025, trong thời gian tới, Huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục tập trung các nhiệm vụ giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nhằm: “Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn; xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị và bảo vệ môi trường; phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện thành quận”. Trong đó tập trung vào các nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; thu hút sự tham gia đóng góp của nhân dân, để người dân thực sự là chủ thể thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, tiếp tục huy động mọi nguồn lực; duy trì và củng cố các tiêu chí đã đạt và cơ bản đạt gắn với các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và các tiêu chí xây dựng huyện thành quận, xã thành phường; hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đô thị; hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung, phấn đấu xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2022.

Thứ ba, tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, xây dựng sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.

Thứ tư, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn huyện; tạo bộ mặt đô thị văn minh, sáng - xanh - sạch - đẹp; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn huyện; phấn đấu huyện Gia Lâm không còn hộ nghèo vào năm 2020.

Thứ năm, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy hành chính từ huyện đến các xã, thị trấn. Tăng cường công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo; đảm bảo ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.

Đ.H
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực