Giao thông nông thôn góp phần nâng cao đời sống nông dân

Thứ năm, 31/10/2019 09:16
(ĐCSVN) - Thực hiện yêu cầu của Văn kiện Đại hội XII của Đảng là “Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tại các vùng khó khăn” và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TƯ khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thời gian qua, công tác phát triển giao thông nông thôn đạt kết quả khá toàn diện, rất nhiều công trình giao thông nông thôn được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp.
68,69% đường giao thông nông thôn đã được cứng hoá (Ảnh: Đặng Hiếu)

Theo Bộ Giao thông Vận tải, toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn (bao gồm từ đường huyện trở xuống) có tổng chiều dài 540.488 km, trong đó, đường huyện 57.137 km; đường xã 139.273 km; đường trục thôn xóm 181.941 km; đường ngõ xóm 50.547 km; đường nội đồng 111.551 km.

Sau gần 9 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn toàn quốc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và bảo trì sửa chữa đường giao thông nông thôn được 345.897 km, trong đó xây dựng mới 76.414 km; cải tạo nâng cấp 130.329 km; bảo trì, khôi phục 139.155 km. Đã xây dựng mới, sửa chữa, bảo trì được 31.364 cầu, 125.639 cống; trong đó, Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp xây dựng mới 2.445 cầu, nâng cấp 1.636 km đường, bảo trì 67.628 km đường giao thông nông thôn thông qua các Chương trình, đề án, dự án về giao thông nông thôn. Về cơ bản, hệ thống đường giao thông nông thôn đã được cứng hóa là 371.246/540.488 km, bằng 68,69%. Nhờ đó, hoạt động giao thông vận tải đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Những kết quả tích cực

Chất lượng đường giao thông ngày càng được nâng cao và khá đồng bộ không chỉ tuyến từ cao tốc, quốc lộ đến huyện lộ mà còn kết nối trung tâm xã đến trung tâm huyện, các tuyến đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm, trục chính nội đồng, bề rộng mặt đường được mở rộng và tại một số địa phương đã xuất hiện “đại lộ nông thôn”, góp phần tích cực tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn (kể cả các doanh nghiệp lớn).

Nhìn chung, hệ thống giao thông đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, qua đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là ở những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, vùng sâu, vùng xa, khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho nhiều vùng quê nông thôn.

Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng 2,78 lần từ mức 12,8 triệu năm 2010 lên mức 35,88 triệu đồng/người năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh, từ 17,35% năm 2010 (theo tiêu chí cũ) xuống còn 7,03% năm 2018 theo tiêu chí nghèo đa chiều) và tính đến tháng 9/2019 chỉ còn khoảng 4,8%. Đã có nhiều nơi xuất hiện các hộ gia đình tự nguyện viết đơn xin thoát ra khỏi hộ nghèo, nhất là đối với vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống như Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) có 100 hộ, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có 104 hộ, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) có hơn 100 hộ, huyện Con Cuông (Nghệ An) có 60 hộ, huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) có 120 hộ…

Đạt được kết quả tích cực trên là do tổng vốn huy động cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tăng mạnh, phát huy tốt các hình thức xã hội hóa và sự đóng góp của nhân dân trong xây dựng và bảo trì công trình giao thông nông thôn. Theo Bộ Giao thông Vận tải, tổng các nguồn vốn dành cho giao thông nông thôn giai đoạn 2010 - 2019 là 366.246 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Bộ Giao thông Vận tải huy động để triển khai các chương trình, đề án, dự án về giao thông nông thôn là 12.707 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, đối ứng của Chính phủ và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân bằng hình thức xã hội hóa; nguồn vốn do các địa phương huy động là 353.539 tỷ đồng. Trong số 353.539 tỷ đồng do địa phương huy động, có 324.006 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng từ các nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp các địa phương, vốn ngân sách địa phương, vốn ODA của các địa phương, vốn xã hội hóa qua sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, huy động từ nhân dân; 29.533 tỷ đồng vốn bảo trì, từ nguồn của các địa phương cân đối bố trí, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, vốn bảo trì hệ thống đường thủy nội địa.

Đặc biệt, trong quá trình huy động nguồn lực phát triển giao thông nông thôn đã nổi lên nhiều cá nhân điển hình tiêu biểu, như: 2 cá nhân ở tỉnh Đồng Tháp đã trực tiếp ủng hộ 5,5 tỷ đồng, đồng thời vận động nhân dân đóng góp được 20 tỷ đồng để xây dựng cầu giao thông nông thôn; và có rất nhiều hộ dân trong cả nước đã hiến đất, vận động các gia đình trong thôn để xây dựng đường giao thông nông thôn cũng như có rất nhiều tấm gương về sự ủng hộ cho phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn. Cộng đồng các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đã có những ủng hộ to lớn cho phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn bằng nhiều hình thức, đóng góp tiền, xây cầu dân sinh, ủng hộ xi măng, vật liệu xây dựng (đá, cát) và nhiều trợ giúp khác. Các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội cầu đường và các tổ chức khác đã tình nguyện tham gia xây dựng, thiết kế, trợ giúp kỹ thuật, hướng dẫn xây dựng giao thông nông thôn và các hoạt động thiết thực khác để ủng hộ cho phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn.

Khắc phục khó khăn - hoàn thiện giao thông nông thôn

Tuy công tác phát triển giao thông nông thôn đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng hệ thống giao thông nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn. Cả nước vẫn còn 13 xã chưa có đường ô tô đi đến trụ sở UBND xã; 101 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã nhưng không đi lại được 4 mùa. Còn rất nhiều xã đường chưa được cứng hóa lớp mặt, nên việc đi lại còn gặp khó khăn, nhất là trong mùa mưa, lũ.

Khu vực nông thôn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế khó khăn, thậm chí rất khó khăn so với các khu vực khác, trong khi đó, nhu cầu về đầu tư xây dựng, bảo dưỡng, bảo trì sửa chữa cần lượng kinh phí lớn, nhưng thu ngân sách của các địa phương nhỏ, thu nhập người dân ở nhiều khu vực còn thấp, dẫn đến việc huy động sự đóng góp của người dân còn hạn chế. Nhiều địa bàn còn khó khăn trong phát triển giao thông nông thôn và kết nối giao thông với các khu vực khác, như giao thông ở các huyện đảo, xã đảo, các xã ở các vùng núi cao, hiểm trở.

Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Nghị quyết, Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới còn hình thức, chưa thực sự sâu sắc, nên khi thực hiện còn hạn chế, thiếu chủ động, sáng tạo trong đề xuất, tham mưu xây dựng văn bản quản lý, điều hành; thực hiện cơ chế, chính sách; triển khai xây dựng nông thôn mới.

Cơ chế chính sách tuy khá đầy đủ, nhưng vẫn có những tồn tại trong phát huy các nguồn lực tại chỗ, trong đó nổi lên một số tồn tại như: Chính quyền cấp xã chưa có bộ phận chuyên môn tham mưu về giao thông nói riêng và tham mưu về quản lý hạ tầng kỹ thuật nói chung; chưa có quy định rõ về phân bổ ngân sách thường xuyên, định kỳ cho công tác xây dựng phát triển, bảo trì đường giao thông nông thôn; cơ chế thanh toán khi gói thầu xây dựng, sửa chữa, bảo trì đường bộ do cộng đồng dân cư, tổ nhóm thợ địa phương thực hiện chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến khó khăn vướng mắc.

Giao thông nông thôn là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, cần được ưu tiên đầu tư nhằm tạo tiền đề cho phát triển khu vực nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, để nâng cao hiệu quả xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, các địa phương cần cân đối ngân sách, bổ sung thêm kinh phí bảo trì đảm bảo chi phí duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.

Đa dạng hóa mọi nguồn lực, sử dụng hợp lý ngân sách thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất hoặc cho thuê đất... Thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn để phát triển giao thông nông thôn. Đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm phát triển giao thông nông thôn, tranh thủ sự hỗ trợ về vốn, về các tiến bộ khoa học công nghệ trong đầu tư xây dựng, quản lý bảo trì và vận hành khai thác hệ thống giao thông nông thôn.

Tận dụng tối đa các nguồn nguyên, vật liệu tại chỗ, công nghệ thi công đơn giản, dễ thực hiện để người dân tự quản lý, tự thi công có sự hướng dẫn về kỹ thuật. Phát động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ chung sức xây dựng giao thông nông thôn bằng nhiều hình thức, như: Xây dựng các công trình giao thông nông thôn (cầu kiên cố, đường) tặng cho địa phương; tự nguyện đóng góp ủng hộ vật liệu xây dựng để xây dựng giao thông nông thôn; hiến tặng đất phục vụ mở rộng đường giao thông nông thôn…/.

Đặng Hiếu
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực