Gìn giữ, phát triển văn hóa và xây dựng con người mới ở Bắc Ninh

Thứ bảy, 14/12/2019 09:16
(ĐCSVN) - Triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về "Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", thời gian qua, Bắc Ninh đã đạt được nhiều kết quả trong bảo tồn văn hóa, xây dựng con người Bắc Ninh hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ...
leftcenterrightdel
Lãnh đạo thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh động viên, khen thưởng sinh viên tốt nghiệp Đại học chính quy loại xuất sắc. (Ảnh: NQ) 

Việc chăm lo xây dựng con người Bắc Ninh phát triển toàn diện luôn được các cấp cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở chú trọng, quan tâm thực hiện. Đến nay, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tiếp tục được các nhà trường hưởng ứng mạnh mẽ, trong đó chú trọng đến các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, tri ân, chăm sóc các di tích lịch sử, văn hoá cách mạng; cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” được thực hiện có hiệu quả.

Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” tiếp tục được duy trì và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 459/483 trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 95%; trong đó cấp Mầm non đạt 158/170 trường, chiếm 92,9%; Tiểu học 154/154 trường, chiếm 100%; THCS 124/136 trường, chiếm 92,6% và THPT công lập 23/23 trường chiếm 100%. Nhiều trường đạt chuẩn ở mức cao đã góp phần thay đổi diện mạo của ngành giáo dục Bắc Ninh như: THPT Chuyên Bắc Ninh, các trường THCS trọng điểm...

Chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia các môn văn hóa lớp 12, Bắc Ninh đạt 52 giải, chiếm 81%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; tại cuộc thi KHKT toàn quốc, Bắc Ninh có sản phẩm giành giải Nhất Quốc gia và lần đầu tiên có 2 học sinh được Bộ GD-ĐT lựa chọn dự thi Quốc tế Intel-ISEP năm 2018 tại Hoa Kỳ; tại cuộc thi Trạng nguyên Tiếng Việt cho học sinh Tiểu học, Bắc Ninh xuất sắc xếp thứ nhất toàn quốc, trong đó có 1 học sinh đạt giải Trạng nguyên, 1 đạt giải Thám hoa, 5 giải Nhất, 4 giải Nhì…

Đặc biệt, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được triển khai sâu rộng; hàng năm, các cấp ủy Đảng xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt nội dung các chuyên đề, tỷ lệ đảng viên tham gia học tập đạt 95,5%. Sau học tập chuyên đề, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc về tư tưởng và phong cách của Bác, từ đó tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Người để xây dựng nhân cách, văn hóa con người Bắc Ninh trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); qua đó, đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân được tăng cường; Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương dàn dựng các chương trình, vở diễn về đề tài vùng đất và con người Bắc Ninh, về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc… phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, chào mừng các ngày lễ lớn và phục vụ nhân dân.

Về xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có sức lan toả sâu rộng được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao; tỷ lệ làng văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa hàng năm trên địa bàn tỉnh đều đạt cao. Hàng năm toàn tỉnh đều có trên 90% số hộ đạt gia đình văn hóa; hơn 85% làng, thôn, khu phố văn hóa và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ với hơn 800 câu lạc bộ (CLB) văn nghệ. Từ 44 làng Quan họ gốc đã lan tỏa, phát triển 329 làng Quan họ thực hành, trong đó có nhiều CLB Dân ca Quan họ duy trì sinh hoạt thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư. Người dân tự nguyện, tự giác luyện tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, thể lực với trên 1500 CLB, điểm tập thể dục thể thao cơ sở. Hàng năm, có khoảng 2.000 giải thể thao phong trào từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh được tổ chức...

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh. (Ảnh: NQ) 

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Bắc Ninh có 547 lễ hội lớn, nhỏ, được tổ chức chủ yếu vào mùa xuân (chiếm khoảng 70%). Mỗi lễ hội có một dấu ấn văn hóa riêng, trong đó có nhiều lễ hội nổi tiếng khắp cả nước như lễ hội Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du); lễ hội Kinh Dương Vương (huyện Thuận Thành) tưởng nhớ vị Vua Thủy tổ của nước Việt; hội Lim (thị trấn Lim, huyện Tiên Du) - lễ hội vùng của người Quan họ; hội làng Diềm (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) thờ thủy tổ Quan họ; lễ hội Đền Đô (thị xã Từ Sơn) thờ các vị vua nhà Lý… Công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, các lễ hội truyền thống được tổ chức đúng nghi lễ, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống; nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa được khôi phục như: vật dân tộc, cờ người, kéo co, trình diễn nghề… Một số lễ hội phát huy tốt công tác xã hội hóa, tạo nguồn lực tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa và mở rộng, nâng cao quy mô lễ hội, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tại các lễ hội này cũng đang góp phần quan trọng trong việc gìn giữ văn hóa, xây dựng con người mới ở Bắc Ninh.

Tìm hiểu được biết, nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, đến nay hầu hết các đám cưới đã được đơn giản hóa về thủ tục, tổ chức trang trọng, tiết kiệm phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Các hủ tục lạc hậu trong việc tang cơ bản đã được loại bỏ. Công tác quy hoạch, quản lý và đầu tư nâng cấp chỉnh trang nghĩa trang được chính quyền ở các địa phương quan tâm. Việc chôn cất tại nghĩa trang nhân dân được thực hiện theo đúng theo quy định của UBND tỉnh.

leftcenterrightdel
Một đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh ở Bắc Ninh (Ảnh: NQ) 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thời gian qua cũng còn bộc lộ những hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở, cơ quan đơn vị chưa thực sự đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của cơ quan, đơn vị mình nên dẫn đến hiệu quả thực hiện Nghị quyết còn những hạn chế nhất định. Công tác triển khai giải phóng mặt bằng để dành quỹ đất xây dựng thiết chế văn hoá ở một số địa phương còn chậm. Việc sử dụng các thiết chế văn hoá có nơi còn chưa hiệu quả. Công tác xã hội hóa còn hạn chế, việc thu hút nguồn lực tham gia phát triển công nghiệp văn hóa còn bất cập, thị trường văn hóa quy mô còn nhỏ, lẻ, chưa phát triển. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đôi lúc còn mang tính hình thức. Việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước văn hoá cộng đồng, văn hoá công sở còn hạn chế. Việc đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức hiệu quả chưa cao (chủ yếu là trên không gian mạng xã hội)...

Theo đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) “về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về vai trò, vị trí của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc 5 quan điểm chỉ đạo, 6 nhóm nhiệm vụ và 4 giải pháp về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nêu trong Nghị quyết.

Đồng thời, triển khai sâu rộng nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức gắn việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Chỉ đạo các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, xử lý đúng đắn, kịp thời các kiến nghị, khiếu nại chính đáng của nhân dân. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và phát triển con người. Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” từ tỉnh đến cơ sở. Duy trì hoạt động của các CLB Quan họ, CLB văn hóa, thể dục thể thao; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thiết thực, thu hút đông đảo người dân tham gia. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình thực hiện tốt Nghị quyết và Chỉ thị của Đảng về văn hóa, tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân.../.

Như Quỳnh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực