|
|
Hình ảnh tại hội thảo .(Ảnh: Đặng Hiếu) |
Đó là khẳng định của ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tại Hội thảo “Quảng bá giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền trên toàn quốc”.
Tham dự Hội thảo có ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội; Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Hà Nội; Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam; đại diện nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và đông đảo phóng viên báo chí.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản của Hà Nội giai đoạn 2010 - 2018 là 3,34%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt chiếm 41,24%; chăn nuôi chiếm 46,34%; thuỷ sản chiếm 8,02%; lâm nghiệp chiếm 0,28%; dịch vụ chiếm 4,12%. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, toàn Thành phố hiện có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Các mô hình sản xuất này tuy quy mô còn hạn chế, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay. Để các mô hình sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển bền vững, trong những năm qua, UBND thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến công tác phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản. Theo đó, UBND thành phố đã phê duyệt một số chương trình, đề án, dự án, như: Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao,… nhằm xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn Thành phố.
Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai xây dựng các vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi như sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, phát triển sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản theo vùng sản xuất tập trung. Chẳng hạn, về sản xuất lúa, hiện nay toàn Thành phố có 154 vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 55.000 ha, chiếm khoảng 55% tổng diện tích sản xuất lúa an toàn của toàn Thành phố; trong đó có khoảng trên 12.000 ha là sản xuất giống lúa Nhật chất lượng cao Japonica.
Nhìn chung, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ thực phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã đem lại hiệu quả thiết thực, đã làm giảm chi phí đầu vào, sản phẩm có chất lượng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và có đầu ra ổn định; làm tăng giá trị, lợi nhuận trong sản xuất.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình liên kết và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn và mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Hà Nội. Nhiều đại biểu đến từ các trang trại, hợp tác xã cũng chia sẻ kinh nghiệm gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch trải nghiệm đạt hiệu quả trên địa bàn Thành phố…
Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội hiện có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.Trong đó, các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ.
Ngoài ra Hà Nội được mệnh danh là “đất trăm nghề”, nên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nhằm phát huy lợi thế, công tác tuyên truyền phát triển du lịch gắn với những cánh đồng lúa, vườn cây ăn quả, làng nghề truyền thống, trang trại,… được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của các nghệ nhân làng nghề qua từng tác phẩm độc đáo tạo ra sự mê hoặc cho khách hàng. Thời gian gần đây, Hà Nội hình thành nhiều mô hình trang trại sinh thái gắn với du lịch, giáo dục, cung cấp đầy đủ các tiện ích tạo điều kiện cho du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống nhà nông, gần gũi với thiên nhiên, mô hình du lịch nông nghiệp đã đem lại nhiều giá trị tích cực về vấn đề tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần gìn giữ nghề nông nghiệp truyền thống và duy trì sản vật địa phương có giá trị…
Vì vậy, để các sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô phát triển trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau: đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, tạo vành đai xanh, góp phần phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, trọng tâm là sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản (cam canh, bưởi diễn, nhãn chín muộn, chuối nuôi cấy mô); chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất giống, chăn nuôi bò thịt, bò sữa, nuôi thâm canh thủy sản.
Tăng cường đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp và quản lý từ Thành phố đến cơ sở đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản theo chuỗi. Tăng cường tổ chức đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, tạo thêm việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; tổ chức các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước; đẩy mạnh quy hoạch, tăng cường giám sát, chứng nhận chất lượng. Có chính sách hỗ trợ hệ thống các điểm bán hàng nông sản an toàn tại các siêu thị, chợ, khu dân cư tập trung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản của nhân dân; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, liên kết với nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp…
* Trong khuôn khổ của hội thảo, đã có 12 tổ chức, cá nhân ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây là cơ hội tốt để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quảng bá giới thiệu sản phẩm.