Hà Nội: Điểm sáng về phát triển du lịch nông thôn

Thứ ba, 10/12/2019 09:07
(ĐCSVN) - Hà Nội có nền sinh thái nông nghiệp từ lâu đời, và cũng được mệnh danh là “Đất trăm nghề”. Do vậy, Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
leftcenterrightdel
 Sản phẩm của làng nghề gốm Bát Tràng. Ở đây, du khách có thể mua sản phẩm làm sẵn hoặc tự tay làm lấy (Ảnh: Đặng Hiếu)

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, nhằm phát huy lợi thế, công tác tuyên truyền phát triển du lịch gắn với những cánh đồng lúa, vườn cây ăn quả, làng nghề truyền thống, trang trại thời gian qua được Hà Nội đẩy mạnh. Các hoạt động tuyên truyền không chỉ bó gọn trên địa bàn thành phố, mà còn được tuyên truyền, quảng bá tại các sự kiện, hội chợ về du lịch trong và ngoài nước, đã từng bước tạo được sức lan toả rộng khắp.

Các sản phẩm du lịch nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội chủ yếu khai thác yếu tố văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan văn hoá di sản, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ cho hoạt động du lịch học đường, du lịch cuối tuần tại Hà Nội và các tỉnh phụ cận. Điển hình, như tour tham quan mùa lúa chín tại Đường Lâm; tour du lịch nông nghiệp kết hợp tham quan làng cổ Đường Lâm; các tour du lịch nông trại; tour du lịch trải nghiệm rau hữu cơ, làng chè, rau rừng tự nhiên và đa dạng sinh học; tour du lịch tìm hiểu thảo dược và văn hoá chữa bệnh của đồng bào dân tộc Dao, Mường vùng Ba Vì của Trang trại Du lịch đồng quê Ba Vì,… Tại các huyện như Thường Tín, Ứng Hoà, Đông Anh, Sóc Sơn cũng có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích rộng và có nhiều sản vật địa phương cũng như tồn tại nhiều làng nông nghiệp truyền thống lâu đời, rất phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã phát huy hiệu quả rất tích cực. Chẳng hạn, ở Nông trại Dê Trắng, với diện tích khoảng 12 ha dưới chân núi Ba Vì có phương châm “Nông trại xanh, sống an toàn” chuyên nuôi dưỡng, chăm sóc các loại dê sữa, trong đó chủ yếu là giống dê saanen được nhập khẩu từ châu Âu. Ngoài ra, Nông trại này còn nuôi dưỡng nhiều loại động vật khác như trại ngựa đua, ngựa pony, lừa, lạc đà; trại Bách Cầm nuôi gà Hồ, chim trĩ bảy màu, chim công, vịt trời, ngỗng; vườn hươu sao - đồi thỏ;… Nông trại này có không gian rộng, đa dạng các loài vật, nên dịch vụ du lịch trải nghiệm rất phát triển, thu hút được nhiều trường học, du khách tham quan. 10 tháng năm 2019, Nông trại này đã thu hút được trên 7.000 lượt khách, đạt doanh thu khoảng 2,2 tỷ đồng. Hoặc như Nông trại Giáo dục ở Thường Tín, với diện tích 2 ha đã xây dựng mô hình tham quan du lịch sinh thái. 10 tháng năm 2019, Nông trại này đã thu hút được trên 40.000 lượt khách tham quan và đạt doanh thu trên 6 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội cũng ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, bởi những giá trị văn hoá lâu đời và sự sáng tạo tinh tuý của các nghệ nhân làng nghề qua từng tác phẩm độc đáo, tạo ra sự đam mê cho khách hàng. Hiện, trên địa bàn thành phố có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước; 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 308 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Cùng với những lợi ích về kinh tế, xã hội, loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề truyền thống…

Có thể thấy, thời gian gần đây, ở Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình du lịch nông nghiệp. Những mô hình này bên cạnh việc giúp cho du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống nhà nông, gần gũi với thiên nhiên, đã đem lại nhiều giá trị tích cực về vấn đề tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân; góp phần giữ gìn nghề nông nghiệp truyền thống và duy trì sản vật của địa phương./.

Đặng Hiếu
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực