Hiệu quả từ Chỉ thị 45 đối với đồng bào Mông

Thứ hai, 23/12/2019 09:25
(ĐCSVN) - Sau gần 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư (khóa VII), gắn với Kết luận số 64-KL/TW của Ban Bí thư về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông, về cơ bản, đời sống của đồng bào được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng.
leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ (Nguồn: giaoducthoidai.vn) 

Là một thành viên quan trọng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, dân tộc Mông cư trú chủ yếu hầu hết ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong một địa bàn khá rộng lớn, dọc theo biên giới Việt - Trung và Việt - Lào từ Lạng Sơn đến Nghệ An. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc Đông và Tây bắc như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An... Do tập quán du canh, du cư nên một số người Mông trong những năm 1980, 1990 đã di dân vào tận Tây Nguyên và sống rải rác ở một số nơi thuộc các tỉnh Đắk Lắk và Kon Tum.

Theo số liệu của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, dân tộc Mông ở Việt Nam năm 1999 có 787.604 người; năm 2015 có 1.251.040 người, đây là 1 trong 5 dân tộc thiểu số có số dân đông nhất cả nước. Trong suốt quá trình lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển cho đến nay, dân tộc Mông đã tạo ra những giá trị tinh hoa văn hoá đặc thù trong cả sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng vào nền văn hoá Việt Nam đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, với sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng, dân tộc Mông đã và đang từng bước bắt nhịp với cuộc sống, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy tri thức bản địa đặc sắc, vươn lên trong phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Để hỗ trợ đồng bào dân tộc Mông khắc phục khó khăn, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã và đang có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng miền núi, như Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư (khóa VII) gắn với Kết luận 64 của Ban Bí thư về một số công tác ở vùng dân tộc Mông. Đồng thời, đồng bào Mông cũng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự tạo điều kiện của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể nên có nhiều chuyển biến tích cực. Các địa phương đã vận dụng linh hoạt đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, lồng ghép nhiều chương trình, dự án đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Từ các nguồn vốn lồng ghép như Chương trình 30a, 120, 134, 135... của Chính phủ, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ hai đến ba lần so với mười năm trước.

Đời sống đồng bào dần đi vào ổn định, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, xây dựng đời sống mới. Đến nay, 90% số xã trong vùng đồng bào dân tộc Mông có đường giao thông đến trung tâm, trên 90% số xã có điện lưới quốc gia; 80% số xã có hạng mục công trình thủy lợi nhỏ, 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa, trạm y tế; 90% số thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ vùng đồng bào dân tộc Mông được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 68%..., công tác phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt hơn; 67,8% số xã trong vùng có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế; 52,8% số xã có bác sỹ; 95% số thôn, bản có nhân viên y tế. Trong đó, 2 tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn tỷ lệ thôn, bản có nhân viên y tế đạt 100%.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhưng đồng bào dân tộc Mông còn đứng trước nhiều khó khăn, thử thách: Kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội còn thấp kém; là 1 trong 11 dân tộc còn tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra. Tệ nạn buôn bán ma túy, phụ nữ, trẻ em chưa được ngăn chặn có hiệu quả; xuất cảnh trái phép, vi phạm quy chế biên giới chưa chấm dứt. Di cư tự do chưa được giải quyết tốt và định cư tạm bợ vẫn còn lớn. Các hoạt động kinh tế của người dân di cư tự do tập trung chủ yếu là phá rừng để làm nương rẫy, chặt rừng lấy gỗ để bán, săn bắn thú rừng để lấy thịt... Những cuộc di cư tự do đã gây ra hậu quả không nhỏ cho việc phát triển kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, văn hóa, an ninh, trật tự xã hội cho các tỉnh Tây Nguyên.

Nhìn chung, địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Mông chủ yếu ở những vùng địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống rải rác, không tập trung, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, nhất là vùng xa, vùng sâu ít có cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ công. Tình hình an ninh, trật tự khu vực có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở một số nơi vẫn còn có yếu tố phức tạp, các thế lực thù địch phản động xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kích động, lôi kéo quần chúng chống phá gây bất ổn định về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại, tiếp tục nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Mông, thời gian cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế - xã hội. Coi trọng giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ý chí tự lực, tự cường, ý thức cảnh giác chống mọi âm mưu diễn biến hòa bình, ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chống sự xâm nhập của lối sống không lành mạnh, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong cộng đồng dân tộc Mông.

Tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, phát triển ngành nghề truyền thống, lựa chọn triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi trong chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương. Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc Mông.

Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có các chủ trương, chính sách mới về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc nói chung và vùng đồng bào dân tộc Mông nói riêng. Tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư, quy hoạch dân cư để đồng bào dân tộc Mông có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực.

Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, để giảm bớt khó khăn và phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, phát triển du lịch...vùng đồng bào dân tộc và đồng bào dân tộc Mông…

 

Đặng Hiếu
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực