|
|
Làm đường giao thông nông thôn ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: VL) |
Những năm trước, những ai đã có dịp đặt chân đến Hòa Bình đều có thể thấy đây là địa phương có điểm xuất phát tương đối thấp khi bắt đầu thực hiện xây dựng NTM. Theo đó, năm 2011, toàn tỉnh Hòa Bình chỉ có 2 xã đạt 10 tiêu chí, 124 xã dưới 5 tiêu chí; số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá đạt 4,4 tiêu chí/xã, nhiều tiêu chí hết sức khó khăn như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, y tế, hộ nghèo… Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, giá trị hàng hoá chưa cao, chưa hình thành được vùng sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn mới đạt 8,3 triệu đồng/người/năm;tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 31,51%...
Nhận thức rõ ý nghĩa to lớn của hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, ngay từ đầu năm 2012, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời đã trực tiếp phát động phong trào thi đua “Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” được các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị và toàn thể nhân dân trong tỉnh đều tích cực hưởng ứng, tham gia, đặc biệt là phong trào xây dựng NTM ở các xã. Trên địa bàn toàn tỉnh, các huyện, thành phố và các xã đã từng bước cụ thể hóa phong trào bằng việc phát động các phong trào thi đua gắn với điều kiện thực tế địa phương: Phong trào “Phát huy nội lực, hiến đất, góp công xây dựng đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới”, “Xóm làng huy động nhân dân cải tạo, chỉnh trang nhà ở, cải tạo ao, vườn, cổng, ngõ, tường rào xanh - sạch - đẹp”…
Là một trong những địa phương tiêu biểu, đến nay huyện Yên Thủy (Hòa Bình) đã có 5/12 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 41,6% số xã. Bình quân tiêu chí toàn huyện đạt 14,92 tiêu chí/xã, tăng 11,76% so với năm 2010. Huyện đã nâng cấp, cải tạo được 182,98 km đường giao thông nông thôn. 100% đường thôn, xóm được cứng hóa, tỷ lệ mặt đường được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 76,19%. Có 192 công trình thủy lợi được cải tạo, nâng cấp, sửa mới... Huyện Yên Thủy đã huy động tổng kinh phí thực hiện xây dựng NTM ước đạt trên 2.200 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương trên 71 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 500 tỷ đồng, nguồn vốn nhân dân đóng góp trên 761 tỷ đồng. Dự kiến, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2019 sẽ đạt 35,46 triệu đồng, tăng 2,31 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,36%, giảm 11,16 lần so với năm 2011...
Tính chung trên phạm vi toàn tỉnh, trong giai đoạn 2010 - 2020, tổng vốn huy động xây dựng NTM toàn tỉnh ước đạt trên 21.000 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh đã huy động nhân dân đóng góp được trên 2.468,57 tỷ đồng (đóng góp bằng tiền mặt: trên 109,72 tỷ đồng; huy động được trên 2.409.094 ngày công lao động; nhân dân đã hiến trên 979.302,9 m2 đất; đóng góp vật tư, vật liệu, máy móc... được quy đổi bằng tiền được trên 2.306,49 tỷ đồng; vốn huy động từ nguồn khác được trên 52,36 tỷ đồng). Tính đến hết quý III năm 2019, tỉnh Hòa Bình có 82/191 xã đạt NTM, chiếm 42,9% tổng số xã của tỉnh, tăng 82 xã đạt chuẩn NTM so với năm 2011 và tăng 51 xã so với năm 2015. Bình quân tiêu chí NTM toàn tỉnh đạt 15,01 tiêu chí/xã, tăng bình quân 10,61 tiêu chí/xã so với năm 2011; tăng bình quân 3,51 tiêu chí/xã so với kết quả đến hết năm 2015. Hiện Hòa Bình không có xã dưới 10 tiêu chí. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, cho đến thời điểm hiện tại, các công trình nguồn vốn phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hòa Bình không có nợ đọng xây dựng cơ bản. Đặc biệt, 1 đơn vị là thành phố Hòa Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Lương Sơn đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
|
|
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ của nông dân huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: VL) |
Theo đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, với sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, sau gần 10 năm thực hiện phong trào xây dựng NTM, tỉnh Hòa Bình đã đạt được kết quả khả quan, các nội dung trọng tâm của phong trào được triển khai hiệu quả. Trong đó, thành quả lớn nhất chính là đã tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ về diện mạo của các vùng nông thôn vùng cao trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc trong tỉnh cũng không ngừng được nâng cao.
Song song với những kết quả đã đạt được, quá trình xây dựng NTM tại một số địa phương ở Hòa Bình vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhất là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Nhu cầu xây dựng NTM của các xã khó khăn là rất lớn, tuy nhiên nguồn vốn còn hạn chế. Hoạt động sản xuất kinh tế nông nghiệp phát triển chưa bền vững, một số lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp quy mô còn nhỏ, sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp, giá trị gia tăng chưa cao. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất ít, nhất là doanh nghiệp phát triển liên kết sản xuất; hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác nhìn chung còn thấp, chưa thể hiện rõ nét vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế hộ.
Với quyết tâm đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Qốc gia về xây dựng NTM, thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của các cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM. Trong đó, trọng tâm là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng NTM. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình OCOP gắn với lợi thế của từng địa phương, nhằm góp phần gia tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn. Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên các mặt văn hóa - xã hội, quan tâm phát triển giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững trật tự xã hội.../.