Ngay từ những ngày đầu triển khai, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hành động thường xuyên và tự giác trong mỗi cán bộ, đảng viên, Tỉnh ủy Thái Bình đã chỉ đạo các tổ chức đảng nghiêm túc đưa nội dung học và làm theo Bác vào sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt định kỳ của cơ quan; đồng thời, coi việc thảo luận nội dung các chuyên đề học tập và đăng ký làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của mỗi tập thể, cá nhân là nội dung quan trọng trong công tác sinh hoạt Đảng.
Nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đưa vào
chương trình giảng dạy chính khóa trong các trường phổ thông của Thái Bình
(Ảnh minh họa: baothaibinh.com.vn).
Đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên, nhiều năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thường xuyên chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường học; đồng thời, chỉ đạo đưa nội dung lịch sử truyền thống địa phương vào giảng dạy, học tập trong các trường phổ thông trên địa bàn.
Điều đáng chú ý, nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn được tỉnh chủ động đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa trong các trường phổ thông (từ lớp 2 đến lớp 12). Nội dung chương trình và tài liệu giảng dạy về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cũng được nghiên cứu điều chỉnh phù hợp hơn với nhận thức của các em học sinh. Đặc biệt, ngoài những nội dung trong bộ tài liệu, qua mỗi bài học đều có phần liên hệ với bản thân và thực tiễn để bài học trở nên thiết thực và sinh động hơn.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, việc triển khai giảng dạy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các trường không chỉ góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh, sinh viên mà còn góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của tỉnh. Qua đó thúc đẩy động cơ phấn đấu, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức của các thầy cô giáo và mỗi học sinh, sinh viên.
Tổ phụ nữ 12, thôn Tăng, xã Phú Châu tặng gạo cho bà Bống, phụ nữ
đơn thân nuôi 2 cháu nhỏ. (Ảnh: thaibinh.gov.vn)
Lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước
Xác định học và làm theo gương Bác phải bằng những việc làm thiết thực hàng ngày, Thái Bình đã cho thấy hiệu quả thực hiện thông qua việc gắn Chỉ thị 05 với các phong trào thi đua yêu nước, qua đó xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội.
Điển hình như, ở huyện Đông Hưng, TP.Thái Bình có mô hình “Phụ nữ tiết kiệm theo gương Bác Hồ” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phú Châu. Chị Phạm Thị Mai Luyên, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Hội chủ động xây dựng mô hình này với mục đích giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện được vay vốn để phát triển kinh tế. Còn nhớ những ngày đầu mới thành lập, Hội chỉ vận động được 20 hội viên tổ phụ nữ xóm 7 và 30 hội viên tổ phụ nữ xóm 13 tham gia vào tổ tiết kiệm. Sau khi đi vào thực hiện, nhờ sự khéo léo trong tuyên truyền, đến nay, Hội LHPN xã đã thu hút 479 hội viên tham gia sinh hoạt ở 15 tổ “Tiết kiệm theo gương Bác”. Với số tiền tiết kiệm gần 650 triệu đồng, Hội đã giúp được 45 lượt hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vay đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống của gia đình, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Hay như mô hình “Tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình phối hợp với ĐTN, chính quyền các địa phương trong và ngoài tỉnh. Vào mỗi thứ 7, chủ nhật hàng tuần, cán bộ, đoàn viên trong tỉnh phối hợp với một số tỉnh lân cận tổ chức các hoạt động thiện nguyện như: thăm khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo; quyên góp, kêu gọi ủng hộ của các nhà hảo tâm; tổ chức hiến máu tình nguyện;… Đặc biệt, thông qua mô hình đã tổ chức được từ 10 đến 15 đợt khám tình nguyện mỗi năm, trong đó mỗi đợt khám cho trên 200 người, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người nghèo, đối tượng chính sách với tổng giá trị trên 300 triệu đồng; cấp phát hàng nghìn suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo; xây dựng buồng bệnh Đặng Thùy Trâm; buồng bệnh Thanh niên làm theo lời Bác;…
Đánh giá về hiệu quả thực hiện, đồng chí Ngô Đông Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định: Sau 3 năm triển khai, học và làm theo lời Bác gắn với các phong trào thi đua yêu nước đã phát triển sâu rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong mọi ngành, mọi giới và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; tạo sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội. Căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, các chi bộ, đảng bộ cơ sở đã lựa chọn những mô hình hay, cách làm hiệu quả của các tập thể, cá nhân trong cơ quan, đơn vị để tiếp tục bồi dưỡng, xây dựng. Kết quả thực hiện các phong trào thi đua, các Cuộc vận động, cũng như việc triển khai nhân rộng những mô hình hay, điển hình tiêu biểu trong thực hiện lời Bác dạy đã góp phần quan trọng và tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm
hành chính công tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc
Tiếp tục đánh giá hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị 05, đồng chí Ngô Đông Hải cho biết, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn góp phần quan trọng trong giải quyết những vấn đề trọng tâm, bức, xúc ở các địa phương, đơn vị.
Đáng chú ý là những vấn đề liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo… đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thái Bình tập trung chỉ đạo, đề ra giải pháp giải quyết ngay tại cơ sở, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, được cán bộ, đảng viên, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Điển hình như như tại huyện Quỳnh Phụ, trong 3 năm đã tổ chức thực hiện 679 cuộc kiểm tra với 858 lượt tổ chức đảng và 4.061 lượt đảng viên; thực hiện 256 cuộc giám sát chuyên đề đã với 469 lượt tổ chức đảng và 1.656 lượt đảng viên; xử lý kỷ luật 03 tổ chức đảng và 136 đảng viên.
Ở huyện Thái Thụy, Thường trực Huyện ủy cho biết: Trong 3 năm đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc mà dư luận trong huyện quan tâm như vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác giải phóng mặt bằng của các dự án như đường 456, dự án Khu Công nghiệp Xuân - Hải, tuyến đường bộ ven biển…
Đặc biệt, để tăng hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn, từ ngày 15/5/2016, UBND tỉnh đã chủ động thiết lập đường dây nóng hoạt động 24/7 để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp; qua đó, xử lý kiên quyết, kịp thời những sai phạm, thiếu sót, tắc trách của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Sau 3 năm thực hiện, cũng nhờ gắn nội dung Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương mà những năm qua, kinh tế của tỉnh luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá. Đến nay, các mục tiêu, chỉ tiêu do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra đã cơ bản hoàn thành, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã vượt. Chính những kết quả đạt được ấy là động lực to lớn để thúc đẩy phong trào học và làm theo Bác ngày càng lan toả sâu rộng, tạo thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp tục phấn đấu học, làm theo Người, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp./.