Hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế

Thứ năm, 11/06/2020 23:12
(ĐCSVN) - Giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp hướng đến phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.
 Giai đoạn 2021-2025, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế (Ảnh: BT)

Định hướng Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, toàn ngành hướng đến mục tiêu: Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.

Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,8 - 3,2%/năm. Tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đạt ít nhất 80% (trong đó khoảng 40% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu). Đồng thời, có 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ít nhất có 15 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,6 lần năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%.

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ sẽ tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nhóm sản phẩm chủ lực, đồng thời, khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm. Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững.

Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển thị trường, tổ chức lại hệ thống thương mại nông sản nội địa, nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo thị trường; kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu nhằm tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản cho nông dân, nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam ở thị trường nội địa và quốc tế.

Tận dụng cơ hội của việc tham gia các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản. Tổ chức lại thị trường trong nước phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác khoa học, đào tạo.

Ngoài ra, nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ. Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng và quản trị ngành. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đa mục tiêu, trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm thủy sản; ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ các lĩnh vực sản xuất có lợi thế. Thực hiện đổi mới cơ cấu và cơ chế đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ tái cơ cấu lại ngành hàng nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới./.

Minh Hương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực