Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng các đại biểu tham gia hái chè tại
Lễ hội “Hương sắc Trà Xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương” của tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: KL)
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng, hiện nay, địa phương đã xây dựng được vùng sản xuất nguyên liệu trên 22.000 ha chè búp tươi; sản lượng chè búp tươi trên 230.000 tấn/năm, đứng đầu cả nước về sản xuất chè. Đồng thời, mỗi năm trồng mới và trồng thay thế hơn 1.000ha chè bằng những giống có năng suất, chất lượng cao phục vụ sản xuất chè xanh, chè xanh đặc sản. Đến nay, tỷ lệ giống mới đạt 74,2% tổng diện tích.
Cùng với nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu giống, địa phương chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, chất lượng. Hầu hết diện tích chè của tỉnh được sản xuất theo hướng áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn trong nước và quốc tế. Đến nay, tỉnh đã có hàng nghìn ha chè được chứng nhận VietGAP và chứng nhận an toàn khác.
Ngoài ra, hình thức tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè ở Thái Nguyên rất phong phú, đa dạng. Toàn tỉnh hiện có 38 doanh nghiệp, 209 hợp tác xã, tổ hợp tác, 230 làng nghề, làng nghề truyền thống với trên 91.000 hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh chè.
Với sự nỗ lực trong sản xuất của địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha chè bình quân đạt 300-500 triệu đồng. Riêng vùng chè đặc sản có nơi đạt trên 500-800 triệu đồng/ha. Giá bán chè thành phẩm bình quân 200– 300 nghìn đồng/kg; chè đặc sản từ 2-5 triệu đồng/kg.
Điều kiện thuận lợi cùng với hiệu quả về sản xuất, địa phương đặc biệt chú trọng xây dựng chè Thái Nguyên trở thành thương hiệu mạnh, đồng thời quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ chè ra thế giới. Trong đó, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều Festival, lễ hội văn hóa trà. Đặc biệt, các doanh nghiệp chè Thái Nguyên đã tham gia nhiều cuộc thi chất lượng chè quốc tế, đạt được những giải rất cao, như: giải Đặc biệt và giải Bạc năm 2016, 2017 cuộc thi chất lượng chè Bắc Mỹ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng cho biết, để khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng lợi thế của cây chè, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục định hướng phát triển chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững với những sản phẩm chè xanh truyền thống chất lượng cao và sản phẩm chế biến công nghệ cao từ chè.
Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như: tiếp tục xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi an toàn, chất lượng; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong canh tác chè an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm trong nước và quốc tế. Coi trọng phát triển chế biến công nghệ cao, công nghệ bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất chè.
Song song với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát huy hiệu quả thị trường tiềm năng trong nước; quan tâm mở rộng thị trường ngoài nước. Tăng cường thu hút các đối tác nhằm hợp tác, liên kết nghiên cứu ứng dụng, sản xuất chế biến và tiêu thụ chè Thái Nguyên./.