Lục Ngạn cách thành phố Bắc Giang khoảng 40km, có tổng diện tích tự nhiên trên 1.032 km2, dân số 22,6 vạn người. Huyện có 8 dân tộc, trong đó có 7 dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 49% dân số cả huyện.
Đến Lục Ngạn bây giờ, ai cũng ngỡ ngàng. Vùng cây ăn quả nức tiếng với sản phẩm nông sản vải thiều giờ đang dần trở thành “vựa” cam, bưởi của miền Bắc. Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn cho biết, toàn huyện đã có diện tích gần 6.800 ha cam, bưởi với các giống: cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh. Dự kiến sản lượng năm nay đạt khoảng 60.000 tấn.
|
|
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn giới thiệu về giống cam lòng vàng (ảnh: Trí Dũng) |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn Cao Văn Hoàn cho hay, với diện tích trên 27.000 ha, hàng năm, 11/12 tháng, huyện có hoa quả tươi phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Doanh thu từ cây ăn quả trên địa bàn huyện đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Năm 2019, dự kiến sẽ đạt khoảng 7.000 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình có diện tích trồng, với nhiều loại cây ăn quả có chất lượng, sản lượng có giá trị kinh tế cao như: vải thiều, cam, bưởi, ổi, nhãn, táo… Năm ngoái, toàn huyện Lục Ngạn có 564 hộ có thu nhập cao từ 300 triệu đồng trở lên từ cây cam, bưởi; trong đó có một số hộ có thu nhập rất cao, như ông Trịnh Sư Hòa, ở thị trấn Chũ thu nhập 3 tỷ đồng, hộ Lý Văn Bảo ở Min Con, với 3,5ha, cho thu nhập 3,75 tỷ đồng…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Văn Hoàn nhận xét, dân tộc Sán Dìu, Hoa có trình độ sản xuất cao. Họ có kỹ thuật để vải thiều chín muộn, tránh bị tư thương ép giá và bán được giá thành cao hơn. Có thể khẳng định, nguồn thu từ cây ăn quả đang mang lại đời sống ấm no cho nhân dân cả huyện nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng.
Nụ cười rạng rỡ của những người nông dân Lục Ngạn khi bước vào vụ thu hoạch năm nay là phần thưởng xứng đáng cho sự cần cù, chịu thương chịu khó, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm gắn bó với đồi núi quê hương của họ. Thành quả đó cũng khẳng định chủ trương, cách làm của Đảng bộ, chính quyền huyện Lục Ngạn trong việc phát triển các sản phẩm nông sản thế mạnh là hoàn toàn đúng đắn.
Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Viết Oanh cho biết, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Giang, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Đảng bộ huyện đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2014 - 2020. Đảng bộ huyện đã chỉ đạo phát triển tập đoàn cây ăn quả theo hướng đa dạng, nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị để dễ tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Vì thế, huyện khuyến khích nông dân sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc để nâng cao trách nhiệm của nhà vườn, đồng thời giúp doanh nghiệp cũng dễ dàng liên hệ với nhà vườn trong khâu tiêu thụ. Đặc biệt, ngay khi đạt quy mô diện tích 5.000 ha cây ăn quả có múi, huyện đã tập trung làm hồ sơ xin cấp chỉ dẫn địa lý để làm bàn đạp đưa sản phẩm vào các kênh phân phối có uy tín trên thị trường trong nước, tiến tới thâm nhập các thị trường nước ngoài khó tính.
|
|
Dự báo niêm vụ năm 2019 doanh thu từ cây ăn quả của Lục Ngạn sẽ đạt khoảng 7.000 tỷ đồng (ảnh: Trí Dũng) |
Từ 4 năm nay, khi bước vào cao điểm thu hoạch, nhằm giúp người nông dân tiêu thụ và quảng bá sản phẩm, huyện Lục Ngạn đều tổ chức Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng. Tại Hội chợ cho phép bán sản phẩm với số lượng tùy ý và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhà vườn. Doanh nghiệp lữ hành cũng có thể liên kết với nhà vườn để đưa đón khách tham quan trải nghiệm, từng bước chuyển đổi theo hướng gắn sản xuất với du lịch, dịch vụ, hướng tới xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho cây ăn quả và các sản phẩm chủ lực của huyện.
Ngoài cam, bưởi, vải thiều là những cây trồng chủ lực, Đảng bộ huyện Lục Ngạn đang tập trung lãnh đạo phát triển diện tích một số cây ăn quả có chất lượng cao như: nhãn, ổi, táo… và đẩy mạnh sản xuất một số sản phẩm truyền thống, đặc trưng phái sinh từ cây ăn quả được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng như: mật ong sản lượng trên 20.000 tấn/năm; Giấm Kim Ngân sản xuất từ vải thiều, sản lượng 40.000 lít/năm.
Tuy có vùng sản xuất quy mô lớn nhưng hiện nay, nông sản của Lục Ngạn chủ yếu tiêu thụ từ các tỉnh miền Trung đổ ra Bắc. Đảng bộ huyện đang lãnh đạo chính quyền kêu gọi doanh nghiệp quốc tế tham gia đầu tư quy trình chế biến sâu để nâng cao giá trị hàng nông sản, giúp người nông dân nâng cao thu nhập hơn nữa.
Lục Ngạn - miền đất trọng điểm về an ninh, quốc phòng của cả nước. Trong lịch sử, Lục Ngạn luôn là phên dậu của Tổ quốc. Huyện Lục Ngạn đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong thời kỳ đổi mới, huyện đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Bề dày truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc độc đáo cùng với những ưu đãi của thiên nhiên đang trở thành nguồn tài nguyên, là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong tiến trình phát triển, Lục Ngạn coi cây ăn quả là mũi nhọn then chốt và cam kết đưa ra thị trường: Sản phẩm tốt - Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm - Có tem truy xuất nguồn gốc - Giá cả hợp lý nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là giúp nhân dân các dân tộc địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng an toàn, hiện đại, bền vững./.