Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong các nước ASEAN
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam cũng được dự báo chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tháng 7/2019, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, xuống còn 3,2% trong năm 2019 - mức thấp nhất trong vòng 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng năm 2009. Liên kết và tự do hóa thương mại tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, nhưng bảo hộ và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có xu hướng gia tăng và lan rộng, tạo môi trường bất ổn cho đầu tư, kinh doanh và hoạt động thương mại. Ngoài ra, các vấn đề rủi ro như nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) không thỏa thuận; tăng trưởng chậm lại của các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, khối ASEAN-5; xung đột sắc tộc, tranh chấp biên giới lãnh thổ, chủ quyền quốc gia trên biển…
Tuy nhiên, đối với Việt Nam, các tổ chức tài chính quốc tế vẫn đánh giá tích cực, năm 2019, dự báo tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5-6,8%, cao nhất trong khu vực ASEAN. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản từ nền tảng vĩ mô tiếp tục được củng cố, môi trường kinh doanh được cải thiện, cơ cấu kinh tế từng bước được chuyển dịch hợp lý, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu là những yếu kém nội tại chưa được khắc phục của nền kinh tế, như: ổn định vĩ mô chưa thực sự vững chắc, dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa được cải thiện nhưng vẫn hạn hẹp; tiến độ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại còn chậm, nhiều vấn đề tài chính lớn của các khu vực này chưa được giải quyết; sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế còn yếu; hạ tầng kinh tế chậm được cải thiện; chất lượng nguồn nhân lực chưa được nâng cao, chưa góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trên nền tảng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đối với năm 2020, mục tiêu tăng trưởng được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 85/2019/QH14 ngày 11/11/2019 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 là 6,8%; dự kiến các năm 2021-2022 khoảng 6,8%; là mức tương đối tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đặc biệt là tăng trưởng của các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam có xu hướng giảm; cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn có xu hướng gia tăng và lan rộng, trong khi nền kinh tế của nước ta hội nhập ngày càng sâu những yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục.
Phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra
Trong bối cảnh thế giới và trong nước đan xen thuận lợi, khó khăn; với vai trò là năm có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, thực hiện các mục tiêu chiến lược kinh tế - xã hội và chiến lược tài chính đến năm 2020, mục tiêu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 được xác định là “Phấn đấu thực hiện đến mức cao nhất các mục tiêu tài chính - NSNN giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ cương, kỉ luật ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thực hiện cơ cấu lại NSNN gắn với sắp xếp phù hợp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công, ưu tiên dành nguồn để thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội”.
Dự toán thu NSNN năm 2020 được Quốc hội thông qua là 1.512,3 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 1.264,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,6% tổng thu NSNN. Dự toán chi NSNN năm 2020 là 1.747,1 nghìn tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển là 470,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,9% tổng chi NSNN; chi thường xuyên là 1.056 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,5% tổng chi NSNN; nếu bao gồm chi tạo nguồn cải cách tiền lương và tinh giản biên chế thì chiếm khoảng 63,9% tổng chi ngân sách.
Tỷ lệ bội chi NSNN năm 2020 là 3,44% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương là 3,2%GDP và bội chi ngân sách địa phương là 0,24%GDP. Đến cuối năm 2020, dự kiến nợ công là 54,3% GDP, nợ Chính phủ là 48,5%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5%GDP.
Với kết quả đạt được năm 2016-2018, đánh giá năm 2019 và dự toán năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, tính chung về cơ bản đạt và vượt các mục tiêu kế hoạch tài chính 5 quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Trên cơ sở các mục tiêu về tài chính-NSNN theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, đánh giá các kết quả tài chính - ngân sách 5 năm 2016-2020; các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội... tại các Nghị quyết Trung ương (Khóa XII); mục tiêu đặt ra đối với kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2020-2022 là: “Phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020; tiếp tục cơ cấu lại NSNN và nợ công, đảm bảo an toàn, bền vững; huy động hợp lý từ nền kinh tế vào NSNN trên cơ mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu, cải cách hiện đại hoá thủ tục hành chính thuế; quản lý, phân bổ, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả chi NSNN phù hợp với khả năng cân đối nguồn thu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, giải quyết các vấn đề an sinh và công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách; đồng thời thực hiện có hiệu quả các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội”.
Thu NSNN 3 năm 2020-2022 phấn đấu đạt khoảng 21-22%GDP, trong đó thu nội địa chiếm trên 84% tổng thu NSNN. Thực hiện Đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 27, số 28/NQ-TW Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII, phấn đấu tỷ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 26% tổng chi NSNN, bội chi NSNN các năm 2021, 2022 đạt khoảng 3,5% (tương ứng mục tiêu Nghị quyết số 25/2016/QH14 cho giai đoạn 2016-2020).
Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tài chính - ngân sách
Để thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2020 và kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2020-2022, ngành ài chính đặt mục tiêu tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước; hướng dẫn thực hiện tốt Luật quản lý thuế và pháp luật về thuế, Luật chứng khoán (sửa đổi), Nghị quyết về xử lý nợ thuế đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp thuế… phù hợp với các cam kết quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, siết chặt kỉ luật, kỉ cương, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính - ngân sách.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế: Tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu tài chính - ngân sách, nợ công giai đoạn 2016 - 2020 đã đặt ra tại các Nghị quyết; quản lý chặt chẽ thu, chi NSNN, bội chi, nợ công; đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN.
Tiếp tục cơ cấu lại các khoản thu, nghiên cứu mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu ngân sách; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá, trốn lậu thuế; xử lý thu hồi nợ đọng thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN; đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; thực hiện nghiêm quy định về việc giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công và quyền khai thác tài sản công theo hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật.
Điều hành và kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức theo quy định; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm xây dựng nền hành chính quốc gia hiện đại, kết nối thông suốt, đi đôi với tăng cường giám sát trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước…
Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Trung ương, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ; giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay.