Từ di nguyện của Bác
Trong những ngày tháng cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Di chúc, trong đó đọng lại một cách sâu sắc quan điểm nhất quán: tất cả vì dân. Người viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.
Bác Hồ thăm bà con nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (1954). Ảnh: TTXVN
Chính vì vậy, Người nhấn mạnh: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Người đặc biệt quan tâm đến người nông dân. Trong phần bổ sung Di chúc được Bác viết tháng 5/1968, Bác dành một đoạn nói về giai cấp nông dân Việt Nam. Người viết: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.
Đến chủ trương của Đảng…
Thực hiện ước nguyện của Người, ngày 30/6/1990, tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khoá VIII đã thông qua “Nghị quyết về việc miễn thuế nông nghiệp theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đảng và Nhà nước ta cũng đặt vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn lên tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng”.
Và cũng từ đó đến nay, toàn bộ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đều nhằm thực hiện mục tiêu Bác đặt ra. Điều đó được thể hiện rõ ràng bằng công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của người nông dân, trực tiếp và toàn diện nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
… đi vào thực tiễn cuộc sống
Chương trình xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước ta tiến hành gần 10 năm qua cũng là một trong những hoạt động thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, khi mà đối tượng thụ hưởng nhằm chính vào những người nông dân – lực lượng lớn chiếm 70% dân số cả nước, nguồn đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Mục tiêu lớn nhất của Chương trình là thay đổi cuộc sống của người dân ở nông thôn: làng, xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; sản xuất phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, nông thôn ngày càng nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn; xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lý dân chủ.
Chương trình Nông thôn mới làm thay đổi diện mạo và cuộc sống vùng nông thôn. Ảnh: Phạm Cường
Phong trào xây dựng nông thôn mới đã diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương trên cả nước, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, phát huy được sức mạnh của cả xã hội. Từ thành công của những địa phương làm điểm, Chương trình được nhân rộng khắp cả nước, đã huy động tổng lực các nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là huy động nội lực trong nhân dân, như góp công lao động, hiến đất, vật liệu, tiền, đóng góp tinh thần và động viên người thân thành đạt tham gia. Bên cạnh đó, thành công của Chương trình cũng đến từ việc đã đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao kỹ năng tay nghề, giải quyết việc làm cho nông dân theo cả hai hướng phi nông nghiệp và nông nghiệp; quan tâm tới chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng tình làng nghĩa xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh nông thôn.
Kết quả cụ thể của Chương trình được thể hiện ở con số: đã có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, (hoàn thành trước mục tiêu 1 năm); có 3 địa phương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Đồng Nai, Nam Định và Đà Nẵng; bình quân cả nước đạt 14,61 tiêu chí/xã. Kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực theo định hướng cơ cấu lại sản xuất. Bên cạnh đó, các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp, hiệu quả hơn. Kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường.
Các địa phương đã tập trung đầu tư và phát triển được khoảng 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Cả nước có khoảng 39 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và 13.636 hợp tác xã nông nghiệp. Doanh thu bình quân khoảng 980 triệu đồng/hợp tác xã, lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/hợp tác xã, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động là 1,5 triệu đồng/tháng.
Có thể nói, quá trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được thành tựu khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản bảo đảm, tạo sự thuận lợi trong giao lưu buôn bán và phát triển sản xuất; Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề. Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất tinh thần cho người dân.
Những thành tựu đó đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, tạo cơ sở vững chắc tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Và quan trọng hơn cả, đã thể hiện ý chí của Đảng và Nhà nước ta là thực hiện mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"./.