Ngành nông nghiệp chủ động với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Thứ hai, 15/06/2020 16:05
(ĐCSVN) - Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xác định việc chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, đồng thời là giải pháp đột phá để ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Ngành nông nghiệp chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Thế Dương)  

Tận dụng cơ hội để nâng cao sức cạnh tranh

Tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT hướng đến nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp thông qua nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế, tạo động lực đẩy mạnh tăng trưởng của ngành. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường và các yếu tố bất lợi khác trong quá trình phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT cho biết, đến năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực thuộc Bộ. Hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ hướng tới Chính phủ số để quản lý thông minh, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Bộ và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tập trung nghiên cứu ứng dụng, phát triển các thành tựu mới của khoa học công nghệ, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Dựa trên nền tảng công nghệ số để tối ưu hóa quá trình sản xuất nông nghiệp, quản trị liên kết chuỗi giá trị,… hướng đến các mô hình nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh.

Trong giai đoạn 2025-2030, hoàn thành chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực thuộc Bộ NN&PTNT. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nông nghiệp trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo ra nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, góp phần cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân và bảo vệ môi trường sinh thái.

Phấn đấu xây dựng hệ thống dữ liệu lớn về nông nghiệp 

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, nhanh chóng ứng dụng có hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT cho rằng, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền các cấp về sự cần thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành và lĩnh vực.

Cùng với đó, đưa công tác tuyên truyền về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đi vào chiều sâu, phù hợp với từng nhóm đối tượng.  Phát huy sự tham gia có hiệu quả của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, người dân và doanh nghiệp vào quá trình hoạch định và giám sát thực thi các chính sách có liên quan đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng cơ chế hợp tác với các doanh nghiệp, hội doanh nghiệp trong xây dựng, thực thi các chính sách.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Tăng cường liên kết giữa tổ chức khoa học công nghệ với doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng đổi mới công nghệ, đặc biệt là các công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, hợp tác công – tư trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng các thành tựu công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai, ưu tiên các chương trình phục vụ phát triển trên nền tảng công nghệ số trong ngành nông nghiệp. Xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu lớn về nông nghiệp nhằm phát huy công tác dự báo, phân tích, đánh giá, quản lý và phát triển thị trường nông lâm thủy sản.

Thí điểm và nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh, mô hình về kỹ thuật mới, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, trong quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi giá trị, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp.

Song song với đó, khuyến khích doanh nghiệp trong nước và nước ngoài liên doanh và liên kết chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực cho nông dân. Chủ động tham gia, kết nối có hiệu quả với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng, quốc gia và nước ngoài./.

Minh Hương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực