Ngành Tài chính tiếp tục cải cách hành chính

Thứ năm, 21/05/2020 15:36
(ĐCSVN) – Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC một cách chủ động, sáng tạo. Trong đó, người dân và doanh nghiệp được xếp ở vị trí trung tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 125 TTHC, đơn giản hóa 217 TTHC, chuẩn hóa 900 TTHC.  (Ảnh: M.P)

Từ năm 2015 đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 125 thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa 217 TTHC, chuẩn hóa 900 TTHC. Tổng số chi phí tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC ước tính đạt khoảng 507,3 tỷ đồng và 608.500 ngày công mỗi năm.

Theo kết quả Chỉ số Par Index năm 2019 vừa được công bố, Bộ Tài chính đạt điểm số cao với 94,77 điểm và tiếp tục vững vàng ở vị trí thứ 2/17 bộ, ngành về cải cách hành chính. Đây là lần thứ 6 liên tiếp Bộ Tài chính luôn nằm trong top 3 bộ, ngành đứng đầu về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.

Để đạt được kết quả này, Bộ Tài chính cho biết, bộ đã thực hiện toàn diện các giải pháp, từ công tác chỉ đạo điều hành, cải cách thể chế, cải cách TTHC cho đến hiện địa hóa, đổi mới phương thứ quản lý. Nhiều chương trình, kế hoạch với nhiệm vụ cụ thể, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị được ban hành.

Đến nay, công tác cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Tài chính được đánh giá là đã đi vào nề nếp, chất lượng và hiệu quả công việc ngày một rõ nét hơn, góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Bộ Tài chính coi công tác cải cách thể chế là nhiệm vụ trọng tâm. Việc nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính đã đáp ứng yêu cầu tiến độ và nội dung theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời giải quyết những vấn đề lớn phát sinh trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế.

Bộ Tài chính xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC theo hướng kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC, đánh giá tác động TTHC đầy đủ kết hợp với nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC chú trọng đối với lĩnh vực liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Bám sát mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện kiểm soát chặt chẽ các TTHC ngay từ khâu dự thảo, lựa chọn các giải pháp tối ưu cho việc ban hành TTHC, đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý, thống nhất, đồng bộ, giảm bớt các bước trung gian không cần thiết mà vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, nghiên cứu ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC.

Đến nay, công tác cải cách TTHC đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng tạo nhiều thuận lợi cho người dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn từ 2015 đến nay, đã thực hiện cắt giảm 125 TTHC, đơn giản hóa 217 TTHC, chuẩn hóa 900 TTHC. Tổng số chi phí tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC ước tính đạt khoảng 507,3 tỷ đồng/năm và 608.500 ngày công/năm. Tổng số TTHC còn hiệu lực hiện nay thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 938 TTHC. Trong đó, đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 542 TTHC, đạt 57,8%.

Bên cạnh đó, Bộ phận một cửa giải quyết TTHC đã được Bộ Tài chính đưa vào hoạt động từ đầu năm 2019. Việc triển khai Bộ phận một cửa đã tạo cơ chế công khai, minh bạch, giảm chi phí, thời gian cho cá nhân, tổ chức, xây dựng môi trường hành chính văn minh, hiện đại và hiệu quả, đáp ứng mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ nhân dân. Đến nay, Bộ phận một cửa của Bộ Tài chính đã trực tiếp tiếp nhận 1045 hồ sơ TTHC và đảm bảo giải quyết, trả kết quả 100% hồ sơ đúng hạn cho cá nhân, tổ chức.

Bộ Tài chính cũng đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành  2 Luật và 1 Nghị định sửa 14 Nghị định để thực hiện cắt giảm và đơn giản hóa 148 điều kiện thuộc 16 ngành nghề kinh doanh. Tổng số điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính hiện chỉ còn là 303 điều kiện.

Triển khai Nghị định số 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-BTC quy định chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Đồng thời ban hành danh mục chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ báo cáo nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tích cực triển khai thử nghiệm Hệ thống thông tin báo cáo Bộ Tài chính để sẵn sàng tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Song hành cùng đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính còn tăng cường hiện đại hóa hành chính và ứng dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính; tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; vận hành ổn định và nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCA/VCIS; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN… Công tác hiện đại hóa quản lý, nhất là ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính không chỉ hỗ trợ công tác quản lý tài chính của ngành trong thời gian qua mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt cho toàn xã hội.

Là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực với phạm vi quản lý rộng, có nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp, đứng trước yêu cầu CCHC đặt ra ngày càng cao trong tình hình mới, Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC một cách chủ động, sáng tạo. Trong đó, người dân và doanh nghiệp được xếp ở vị trí trung tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Giảm thời gian và chi phí trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thực hiện công khai, minh bạch quy trình giải quyết TTHC, đồng thời tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc và xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về TTHC.

M.P
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực