Nhìn lại chặng đường điều hành kinh tế Việt Nam của Chính phủ giai đoạn 2015-2020

Thứ tư, 24/06/2020 00:20
(ĐCSVN) - Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2015-2020 đã đi được gần hết chặng đường và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Tăng trưởng GDP phục hồi rõ nét sau giai đoạn 2011-2015, duy trì được tốc độ cao, đặc biệt là trong các năm 2017-2019 (với tốc độ tăng tương ứng đạt 6,81% năm 2017; 7,08% năm 2018 và khoảng 7,1% năm 2019).

Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các khu vực, các nền kinh tế chậm lại.

Có được kết quả đó, cần phải nhắc tới sự điều hành quyết liệt và quyết tâm cao của Chính phủ đã có những nỗ lực nghiêm túc trong việc duy trì động lực tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

 Nền kinh tế vĩ mô về cơ bản là giữ vững sự ổn định (Ảnh: HNV)

Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019 diễn ra mạnh mẽ, có nhiều chuyển biến tích cực và thực chất hơn.

Tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng trưởng dựa trên chất lượng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Trong quá trình triển khai, nước ta đã từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, biểu hiện ở việc tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt mức 6,73% (cao hơn tốc độ tăng bình quân 5,91%/năm của giai đoạn 2011-2015), đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5%-7% của Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, đạt khoảng 266,5 tỷ USD, năm 2019 bình quân đầu người đạt 2.786 USD (năm 2018 là 2.590 USD).

Đáng chú ý là lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giảm từ 7,7% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống 3,1% ước bình quân giai đoạn 2016-2017, năm 2018 là 3,54%, năm 2019 là 2,79% (vượt kế hoạch đặt ra). Lạm phát cơ bản bình quân được duy trì ở mức thấp, năm 2017 và 2018 lần lượt là 1,41%, 1,48%; năm 2019 là 2,01%.

Hơn nữa, xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng. Cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến, nông sản và tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Song song, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt được một số kết quả: Lũy kế giai đoạn 2017 – 2019, đã có 171 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên chỉ có 36/128 DN thuộc danh mục cổ phần hóa theo kế hoạch tại các Quyết định số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28%); số còn phải cổ phần hóa theo kế hoạch là 92 DN (tương ứng 72%). Thực hiện thoái vốn nhà nước tại 92 DN theo danh mục tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, với giá trị thoái vốn là 4.704 tỷ đồng (đạt 7,8% kế hoạch), thu về 8.964 tỷ đồng. Ngoài ra, các DN không thuộc danh mục tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg từ năm 2017 đến nay đã thoái 3.785 tỷ đồng (theo mệnh giá), thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm 109,96 nghìn tỷ đồng từ thoái vốn tại Sabeco)… Cùng với đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN được thành lập và đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, việc  cơ cấu lại các TCTD có một số kết quả cụ thể: 1) Xử lý nợ xấu tại các TCTD được thực hiện thực chất hơn. Nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3% theo quy định, đến cuối tháng 8/2019 tỷ lệ này là 1,98%; 2) Từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo.

Quan trọng hơn cả là tái cơ cấu lại đầu tư công đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được nâng cao, cắt giảm tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời, tỷ lệ vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài tăng lên.

Để đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

Nhiều dự báo cho thấy, trong khoảng 5-10 năm tới, hòa bình và hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh vẫn là xu thế bao trùm.

Trật tự thế giới đang có những thay đổi nhanh chóng. Một mặt, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn trước và ngày càng phức tạp. Mặt khác, hội nhập quốc tế có xu hướng diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội với tính chất, mức độ gắn kết ngày càng sâu rộng. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn biến nhanh và tác động trên mọi mặt từ chính trị, xã hội, kinh tế. Cùng với đó, thế giới cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như về biến đổi khí hậu, thách thức về điều tiết lợi ích của các bên hữu quan trong hội nhập...

Trong bối cảnh đó, Việt Nam chủ trương đến năm 2045 trở thành một quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc, gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập cao, nơi người dân có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới; trở thành một quốc gia có nền kinh tế tri thức cạnh tranh, nằm trong 20 quốc gia đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng như chỉ số về môi trường kinh doanh thuận lợi…

Từ chủ trương đó, Chính phủ đã thống nhất cao các giải pháp cần triển khai bao gồm:

Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; Tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kết hợp chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời thực hiện các bước cải cách thận trọng cần thiết nhằm tăng cường dư địa điều hành chính sách trong bối cảnh thế giới nhiều biến động và độ mở nền kinh tế ngày càng cao. Đồng thời, củng cố nền tảng tài chính nhà nước, tập trung quản lý nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, đặc biệt phát triển thị trường các yếu tố sản xuất, bảo đảm để thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bố hiệu quả sử dụng nguồn lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Xóa bỏ các rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh, tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn và đất đai, cơ hội kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của kinh tế tư nhân.

Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt chú trọng vào các lĩnh vực trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thứ tư, phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nghiên cứu bổ sung sửa đổi, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ cần thiết đối với các khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời, tạo cơ chế, động lực kết nối hữu hiệu giữa nhà trường, viện nghiên cứu, DN và các bên có liên quan khác xây dựng, phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; Bổ sung, sửa đổi chính sách thuế hiện hành (so với mức cạnh tranh khu vực) để khuyến khích nghiên cứu và phát triển, khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ, khuyến khích phát triển các DN công nghệ và thu hút nhân tài.

Thứ năm, thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả và hiệu lực thực thi chính sách, gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh; Tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế gắn với xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.          

Bước vào giai đoạn 2021-2025, kinh tế Việt Nam được dự báo có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lan rộng và việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam thông qua việc mở rộng xuất khẩu, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ.

Giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng kinh tế dự báo vẫn sẽ phụ thuộc vào khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Sự chuyển đổi nhanh hơn của mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, với động lực chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới; cần coi khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và tinh thần phát huy giá trị văn hóa và tinh thần của Việt Nam như những mũi đột phá để từ đó phát huy, khơi dậy được ý chí khát vọng tự hào của con người Việt Nam./.

Lê Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực