Nữ bác sĩ mang lại niềm vui cho nhiều gia đình

Thứ tư, 13/05/2020 10:05
(ĐCSVN) – Với cống hiến to lớn trong nghiên cứu so sánh hiệu quả chuyển phôi đông lạnh và chuyển phôi tươi ở bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan trở thành một trong 3 nhà khoa học xuất sắc được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020. Chị cũng là người đã giúp cho ra đời hơn 10.000 đứa trẻ bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm
PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan. (Ảnh: NVCC) 

Nhằm giải đáp một câu hỏi tồn tại trong quá trình hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan (Trưởng Bộ môn Phụ sản – trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh) và đồng nghiệp ở Bệnh viện Mỹ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) đã thực hiện nghiên cứu so sánh việc chuyển phôi trữ với chuyển phôi tươi với các bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang và xuất bản nghiên cứu trên tạp chí The New England Journal of Medicine (NEJM). Với công trình này, chị trở thành một trong số ba nhà khoa học được đề cử giải chính Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020.

Chia sẻ về động lực thôi thúc chị và cộng sự bắt tay vào thực hiện công trình, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết: Kể từ khi được thực hiện lần đầu tiên thành công trên giới vào năm 1978, việc áp dụng thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) trong hỗ trợ sinh sản đã đi kèm với sự phát triển của nhiều kỹ thuật mới. Trước đây, kỹ thuật đông lạnh phôi chưa tốt, khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, bệnh nhân thường được chuyển phôi tươi và chuyển nhiều phôi cùng lúc đưa đến nguy cơ quá kích buồng trứng và đa thai cho bệnh nhân điều trị. Sau đó, khi kỹ thuật đông lạnh phôi được cải thiện, khi thực hiện TTTON tạo ra phôi, chuyển phôi tươi thường được thực hiện trong chu kỳ điều trị và số phôi dư có thể được đông lạnh để sử dụng tiếp nếu chuyển phôi tươi thất bại.

Vào năm 2011, kết quả chuyển phôi đông lạnh được ghi nhận có vẻ tốt hơn chuyển phôi tươi. Từ đó, nhiều trung tâm thụ tinh ống nghiệm trên thế giới đã chuyển sang đông lạnh phôi toàn bộ và chỉ thực hiện chuyển phôi rã đông cho bệnh nhân. Tuy nhiên phương pháp này có thể làm kéo dài thời gian điều trị của bệnh nhân cũng như có thể tăng thêm chi phí cho quy trình đông lạnh – rã đông phôi mà thật ra hiệu quả của nó chưa được chứng minh và công bố rộng rãi.

Hiệu quả của chuyển phôi tươi so với chuyển phôi đông lạnh là vấn đề nổi cộm và được tranh luận nhiều trong các hội thảo về hỗ trợ sinh sản trên thế giới. Vì vậy, nhóm nghiên cứu của chị đã thực hiện nghiên cứu so sánh hiệu quả của chuyển phôi đông lạnh với chuyển phôi tươi ở bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang.

Ước tính cả thế giới mỗi năm có hơn hai triệu cặp vợ chồng thực hiện TTTON và có gần ba triệu lượt chuyển phôi đông lạnh. Ở Việt Nam hiện nay mỗi năm có hơn 30.000 cặp vợ chồng thực hiện TTTON và gần 40.000 trường hợp chuyển phôi đông lạnh. Kết quả của nghiên cứu của công trình trên đã góp phần làm vào thay đổi thực hành trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản trên thế giới và ở Việt Nam.

Để có được thành công trên, nhóm nghiên cứu đã gặp không ít khó khăn. “Cả nhóm nghiên cứu chia nhau để liên hệ với bệnh nhân, cập nhật kết quả khám và sinh của toàn bộ các lần khám thai trong suốt 9 tháng thai kỳ và kết cục sinh em bé. Do đó hoàn thành việc thu thập dữ liệu nghiên cứu trên 800 bệnh nhân là một nỗ lực lớn của nhóm nghiên cứu”, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết.

Cũng theo PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan, khó khăn gặp phải lớn nhất là nghiên cứu thực hiện trên một số lượng lớn bệnh nhân, gần 800 bệnh nhân và phải theo dõi tất cả bệnh nhân trong một khoảng thời gian dài từ khi bắt đầu điều trị cho đến khi sinh em bé. Toàn bộ quá trình khám thai, theo dõi các biến chứng trong thai kỳ và kết cục sinh của em bé cần phải được ghi nhận trong khi không phải tất cả bệnh nhân đều sống tại TP.Hồ Chí Minh hay khám và theo dõi thai tại bệnh viện Mỹ Đức.

Không chỉ thành công ở công trình trên, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan còn được biết đến là một Bác sĩ y khoa, Tiến sĩ y học và là một chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm. Chị là người đã giúp cho ra đời hơn 10.000 đứa trẻ bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Năm 1998, chị đã được vinh danh tại giải thưởng Kovalevskaya vì công trình thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam.

Khiêm tốn khi nói về những thành công trong cuộc đời làm nghiên cứu của mình, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan cho hay: Nhiệm vụ của một nhà khoa học và của một nhóm nghiên cứu là phải có công bố khoa học. Với lĩnh vực nghiên cứu, kết quả của những công bố khoa học có thể là tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo hoặc được ứng dụng để cải thiện hiệu quả điều trị.

“Tôi may mắn được làm việc cùng một nhóm nghiên cứu được tổ chức một cách chuyên nghiệp, tuân theo các chuẩn mực khoa học, làm việc có chất lượng và đầy nhiệt huyết. Muốn duy trì được khả năng công bố khoa học đều đặn, chúng tôi cũng phải hoàn thiện kỹ năng làm việc nhóm, sự phối hợp đồng bộ, làm đúng vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong nhóm”, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan chia sẻ.

Bích Liên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực