|
Giao thông nông thôn ở nhiều địa phương đã khởi sắc khi triển khai xây dựng NTM
(Ảnh: BT)
|
Cả nước đã có 5.177 xã đạt chuẩn NTM
Tính đến tháng 5/2020, công tác tuyên truyền về xây dựng NTM tiếp tục phát huy hiệu quả và tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ các cấp và người dân; tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” không chỉ ở nông thôn mà cả ở khu vực thành thị.
Trong đó, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương tiếp tục phối hợp và mở rộng hợp tác với hơn 32 cơ quan truyền thông. Nội dung tuyên truyền tập trung hơn vào những vấn đề trọng tâm, đi vào chiều sâu của Chương trình. Cụ thể như: những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo, phát huy được các tiềm năng, lợi thế của địa phương trong triển khai Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP), bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn; giới thiệu các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng NTM; những nét đẹp về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương.
Bên cạnh đó, chương trình OCOP mới được triển khai trong thời gian ngắn (từ tháng 5/2018) song đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Sau hai Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 tại 2 vùng (khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam), lãnh đạo các địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm và khai thác được những đặc trưng, lợi thế để phát triển các sản phẩm theo chu trình OCOP. Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng đã được các đơn vị phân phối, bán lẻ, bán thương mại điện tử ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn; doanh thu bán sản phẩm trong năm của các nhóm sản phẩm đạt sao đều tăng đáng kể.
Đến nay, Chương trình xây dựng NTM đã hoàn thành sớm các mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao, trong đó, 8/19 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM hoàn thành vượt kế hoạch so với mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao; có 37/63 tỉnh đã hoàn thành và vượt kế hoạch 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều cách làm sáng tạo, mô hình hiệu quả, sát thực tiễn và đảm bảo chất lượng ngày càng được phát triển và nhân rộng, đánh dấu một bước chuyển về chất trong thực hiện Chương trình. NTM đã có sự khởi sắc rõ rệt ở cả các tỉnh, vùng khó khăn với việc có một số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hay hoàn thành xây dựng NTM.
Tính đến hết tháng 5/2020, cả nước có 5.177 xã (58,2%) đạt chuẩn NTM, bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã. Có 126/664 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 9 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Riêng 2 tỉnh Nam Định, Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Tỉnh Thái Bình cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng NTM.
Vẫn còn chênh lệch lớn giữa các vùng
Theo đánh giá của Văn phòng điều phối NTM Trung ương, hiện, kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước và vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền. Cụ thể, trong khi vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 92,12%, Đông Nam Bộ đạt 77,63% thì Miền núi phía Bắc đạt 33,2%, Tây Nguyên đạt 41,2%, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 51,8%, Duyên hải Nam Trung Bộ đạt 54,5%. Đồng thời, cả nước còn 45 huyện thuộc 22 tỉnh, thành phố vẫn còn “trắng” xã NTM; 9 tỉnh có số xã đạt chuẩn rất thấp, dưới 30%.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động đến công tác chỉ đạo, triển khai Chương trình ở địa phương; đồng thời, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn tại một số địa phương còn hạn chế; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp.
Chương trình OCOP khi triển khai trên diện rộng, nảy sinh nhiều vấn đề mới. Trong đó, một số địa phương có biểu hiện chạy theo phong trào, chưa chú ý đến hiệu quả của chương trình. Việc triển khai, tuân thủ Chu trình OCOP của một số địa phương còn lúng túng, chưa chặt chẽ.
Phấn đấu 100% các huyện trên cả nước có xã đạt chuẩn NTM
Những tháng còn lại của năm 2020, Chương trình xây dựng NTM hướng đến chỉ tiêu: Mỗi tỉnh phải có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/công nhận đạt chuẩn NTM; phấn đấu 100% các huyện của cả nước có xã được công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2020.
Cùng với nhiệm vụ trên, cần tập trung tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng NTM. Trong đó, tiếp tục nâng cao nhận thức và hiểu đúng về mục đích, nguyên tắc và bản chất của Chương trình OCOP; tuyên truyền về những thành tựu 10 năm của Chương trình xây dựng NTM theo hướng đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” giai đoạn 2020-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Đặc biệt, tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các địa phương triển khai các nội dung của Chương trình để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM theo hướng chú trọng vào chất lượng và tính bền vững. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, nhất là ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; tập trung hỗ trợ triển khai xây dựng NTM cấp thôn, bản ở các xã dưới 10 tiêu chí theo nội dung của Đề án 1385/QĐ-TTg.
Triển khai thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, ưu tiên thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đối với Chương trình OCOP, cần triển khai theo hướng đi sâu vào chất lượng, theo đúng nguyên tắc và bản chất của chương trình. Tăng cường hơn nữa sự tham gia của cấp xã, cộng đồng người dân và doanh nghiệp trong thực hiện Chu trình OCOP, thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc sắc bản địa, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương phát triển và nhân rộng các mô hình đường hoa - cây xanh theo hướng vườn mẫu - khu dân cư kiểu mẫu. Phát động các phong trào làm sạch làng quê, xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh; nâng cao tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được phân loại và xử lý.
Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cộng đồng đảm bảo hiệu quả phòng, chống bệnh lây nhiễm và khám chữa bệnh cho người dân nông thôn. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục nông thôn; xây dựng các thiết chế để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa-thể thao; bảo tồn và phát huy sự đa dạng, phong phú của các giá trị văn hóa ở nông thôn gắn với phát triển kinh tế - du lịch nông thôn.
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình để phát hiện và nhân rộng các cách làm sáng tạo, mô hình hiệu quả, cũng như kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai của các địa phương, phục vụ cho đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025./.