Trồng hoa tại Hợp tác xã rau, hoa Đồng Chè, huyện Hoành Bồ. (Nguồn: baoquangninh)
Kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế quan trọng; và, phát triển kinh tế tập thể đã trở thành chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về kinh tế tập thể (Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/3/2002) về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể. Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, sau khi Nghị quyết 13 được ban hành, tỉnh đã khẩn trương tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, đồng bộ kết hợp với tuyên truyền về Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn đến đông đảo cán bộ, đảng viên, tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tới các hợp tác xã.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã xây dựng Chương trình hoạt động số 10-CTr/TU ngày 20/6/2002; ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 7/3/2017 về đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể cũng như ban hành nhiều nghị quyết, kết luận chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể. Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã thông qua 6 nghị quyết ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể như chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng… UBND tỉnh cũng đã ban hành 16 quyết định và nhiều văn bản để cụ thể hoá, triển khai thực hiện phát triển kinh tế tập thể.
Những kết quả tích cực
Về cơ bản, Nghị quyết 13 đã được các cấp, các ngành của Quảng Ninh thực hiện nghiêm túc, xác định rõ các nội dung trọng tâm, trọng điểm cần tập trung chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện bảo đảm phù hợp, hiệu quả, cụ thể đối với từng địa phương, từng đối tượng. Công tác thể chế hoá chủ trương Nghị quyết đảm bảo được tiến độ, thống nhất về nội dung và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống và gắn với thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh là phải tạo ra chuyển biến căn bản, tích cực, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể.
Nhờ đó, kinh tế tập thể ở tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Việc đổi mới các loại hình kinh tế tập thể về cơ bản theo đúng quy định, hiệu quả hoạt động được nâng cao, phát huy được tinh thần hợp tác trong cộng đồng dân cư, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên và cộng đồng dân cư địa phương, nhất là vùng nông thôn, miền núi. Theo số liệu của UBND tỉnh Quảng Ninh, tính đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 466 hợp tác xã, 162 tổ hợp tác. Năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của phần lớn hợp tác xã được nâng cao, thu nhập của hợp tác xã và xã viên ngày càng tăng. Nhiều hợp tác xã đã đào tạo nghề cho thành viên và người lao động cũng như ứng dụng phần mềm trong hạch toán kinh doanh, tổ chức sản xuất nên chi phí cung ứng đầu vào đều thấp hơn so với mô hình kinh tế hộ. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp và phi nông nghiệp đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp lớn. Qua đó, các hợp tác xã, tổ hợp tác đã giải quyết được 67.613 việc làm cho người lao động, thu nhập bình quân đạt 66,77 triệu đồng/người/năm, đã góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội trên địa bàn.
Những kết quả tích cực trên cho thấy, nhận thức về kinh tế tập thể của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có sự chuyển biến quan trọng, đặc biệt là sự quan tâm đúng mức hơn về vai trò, sự cần thiết của hợp tác xã và các loại hình kinh tế tập thể. Theo đó, Quảng Ninh đã thành lập và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể cấp tỉnh; với Ban Chỉ đạo cấp huyện, do Chủ tịch UBND cấp huyện làm trưởng ban. Từ năm 2017, Quảng Ninh đã chỉ đạo thực hiện thí điểm thành lập Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể cấp xã có điều kiện phù hợp. Tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã, đồng thời hỗ trợ giải thể các hợp tác xã hoạt động không đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.
Theo đó, trong 3 năm, từ 2017 - 2019, Quảng Ninh đã thực hiện giải thể 109 hợp tác xã, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Đồng thời, năm 2017, Quảng Ninh đã quyết định đổi tên Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp ngoài quốc doanh thành Liên minh Hợp tác xã tỉnh để tập trung cho phát triển kinh tế tập thể. Nhìn chung, việc hoàn thiện và triển khai các cơ chế, chính sách đã có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế tập thể. Chẳng hạn, việc ban hành chính sách đặc thủ hỗ trợ cho xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường của hợp tác xã, phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã thực hiện hỗ trợ cho 240 hợp tác xã, đầu tư xây dựng 29 trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ các hợp tác xã quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên hệ thống Trang tin Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh; hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng khoa học, công nghệ mới thông qua các Quỹ phát triển khoa học - công nghệ; hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận vốn…
Khắc phục tồn tại để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể
Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng trong phát triển kinh tế tập thể của Quảng Ninh cũng còn những tồn tại, khó khăn cần sớm được giải quyết, như: khu vực kinh tế tập thể phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; bản thân các hợp tác xã còn yếu cả về cơ sở vật chất và năng lực quản lý. Cán bộ quản lý nhà nước từ tỉnh đến huyện về kinh tế tập thể còn thiếu, bộ máy còn phân tán; cán bộ lãnh đạo hợp tác xã nông nghiệp hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu về chuyên môn.
Việc huy động vốn từ chính các thành viên cho hoạt động của hợp tác xã còn khó khăn; việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của hợp tác xã còn khó khăn do không có tài sản thế chấp, nhất là các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã chưa thực sự gắn với thị trường. Nhiều hợp tác xã mới chỉ thực hiện được một số dịch vụ đầu vào của sản xuất, chưa mở rộng sang dịch vụ khác theo hướng thúc đẩy phát triển kinh tế của xã viên. Tuy đã có một số hợp tác xã nông nghiệp mạnh dạn thực hiện hoạt động chế biến và tiêu thụ nông sản, nhưng mới chỉ là chế biến thô, năng suất và hiệu quả còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, đặc biệt là chưa chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã tại địa phương cấp huyện còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ và tốt các nội dung quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được pháp luật quy định. Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể vào GRDP của tỉnh còn khiêm tốn - năm 2018 chỉ là 1,2%, tương ứng với 1.268 tỷ đồng.
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển mới, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xác định cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể; tổng kết thực tiễn và nhân rộng các điển hình hợp tác xã tiên tiến. Đổi mới công tác tuyên truyền đề nâng cao vai trò, ý thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu và sự phối hợp vào cuộc của các tổ chức đoàn thể trong phát triển kinh tế tập thể.
Thực hiện rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bố trí đủ nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, đặc biệt là tìm cơ chế tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các hợp tác xã tiếp cận được với vốn vay tín dụng để tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn về đất đai.
Đối với các chính sách phát triển kinh tế tập thể, các bộ, ngành cần đẩy nhanh việc ban hành và hướng dẫn thực hiện đồng bộ các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách bảo hiểm xã hội; chính sách đất đai; chính sách tài chính, tín dụng; chính sách hỗ trợ về khoa học - công nghệ và môi trường…