Những năm qua, phát huy tinh thần đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Thái Bình đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế của tỉnh đã liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số và là một trong số ít tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2019 ước cao gấp gần 2 lần so với năm cuối nhiệm kỳ trước (2014). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Đến nay, Thái Bình đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các mục tiêu, định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó có một số mục tiêu được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ trước nhưng đến nay mới thực hiện được. Điển hình là việc hình thành Khu kinh tế Thái Bình với quy mô gần 31.000ha, khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp gần 200ha; xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối khu vực ven biển của tỉnh với các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Bắc Bộ; Bệnh viện Đa khoa Quốc tế 1.000 giường; thu hút đầu tư hệ thống cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và đời sống cho toàn bộ người dân khu vực nông thôn… Qua đó giúp tạo động lực mới, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của toàn tỉnh. Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả ngoạn mục, tăng trên 61% về lượng và gấp gần 2 lần về vốn đầu tư so với giai đoạn trước. Thu ngân sách trên địa bàn luôn vượt xa dự toán được giao, gấp hơn 2 lần năm cuối nhiệm kỳ trước.
Trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Bình cũng đạt kết quả tích cực với 263/263 xã (bằng 100% số xã) đã được công nhận đạt chuẩn và 7/7 huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí quốc gia; 100% dân cư nông thôn được cung cấp sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt và đời sống. Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) năm 2018 giảm còn 3,35%, bằng gần một nửa so với mức bình quân chung của cả nước. Công tác cải cách hành chính được tăng cường với 100% thủ tục được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công 2 cấp (tỉnh, huyện) và triển khai thực hiện quy trình “5 tại chỗ” từ ngày 1/10/2019 (gồm: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại chỗ); đã rà soát, cắt giảm 50% thời gian giải quyết các thủ tục so với quy định hiện hành của Nhà nước, tạo thuận lợi và giảm đáng kể chi phí vật chất cho doanh nghiệp và người dân. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Chị Nguyễn Thị Thơm ở xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy (Thái Bình) chia sẻ: Những năm qua, nhờ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nên bộ mặt nông thôn của Thụy Chính đã ngày thêm khởi sắc, đời sống mọi mặt của người dân đã được nâng lên. Bà con ai cũng tin tưởng, yên tâm sản xuất, xây dựng đời sống mới.
Đặc biệt, theo đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng với tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, Thái Bình đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đảng bộ tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 03, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định và ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Công tác tuyên giáo, kiểm tra, nội chính, dân vận được chú trọng chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội được nâng cao; khối đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy. Công tác tổ chức, cán bộ được đặc biệt chú trọng và có nhiều đổi mới theo hướng mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan.
Được biết, trong thời gian tới, để chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình sẽ tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và nhân dân đẩy mạnh các hoạt động thi đua trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất theo hướng phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh. Tập trung thực hiện tốt 5 đột phá trong sản xuất nông nghiệp, gắn với tập trung, tích tụ đất đai, ứng dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị hướng biển với các ngành có công nghệ và giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng phát triển nghề và làng nghề; nhất là các làng nghề truyền thống. Thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, có tính động lực liên vùng, tác động quan trọng đến sự phát triển của tỉnh. Phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng sự nghiệp văn hóa xã hội. Tiếp tục thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người và gia đình có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, bảo đảm an sinh. Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; chủ động nắm chắc và xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Truển khai đồng bộ các giải pháp nói trên là cơ sở quan trọng để Thái Bình tiếp tục thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao và bền vững trong giai đoạn tới, xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá của vùng đồng bằng sông Hồng./.