Thúc đấy tinh thần làm giàu của doanh nghiệp

Thứ hai, 23/12/2019 23:44
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, việc thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần doanh nhân được Đảng và Chính phủ quan tâm hơn bao giờ hết. Ngoài các văn bản, nghị quyết của Đảng, Chính phủ với phương châm liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, quyết tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước cũng luôn được khẳng định.

Lần đầu tiên, có 3 Nghị quyết dành riêng cho 3 khu vực kinh tế, đó là: Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 03/6/2017, Hội nghị lần thứ Năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; và mới đây nhất là Nghị quyết số 50/NQ -TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

leftcenterrightdel
 Điều kiện sống của người dân ngày càng được nâng cao, nhà cửa ngày càng khang trang hiện đại .(Ảnh minh họa: HNV)

Thực hiện chủ trương của Đảng, hàng loạt các cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc hoàn thiện chính sách pháp luật đã được Quốc hội ban hành như: sửa đổi các Luật Đầu tư, Doanh nghiệp, các Luật chuyên ngành về đất đai, tín dụng, thuế, hải quan, lao động...; ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như: Nghị quyết số 02/NQ-CP (trước đây là Nghị quyết số 19) về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQCPngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững…cùng nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về khoa học công nghệ, thị trường, nguồn nhân lực…

Trong thực tiễn phát triển của cả nước, theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê ( Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 2 năm liên tiếp nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 7% và 5 năm liên tiếp, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đều đạt cao nhất trong lịch sử.

Lần đầu tiên, ở Việt Nam có các tập đoàn tư nhân đầu tư và những lĩnh vực mà từ trước tới nay chỉ do doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài độc chiếm, như sản xuất ô tô, điện thoại thông minh, xây dựng và vận hành sân bay, đường cao tốc và vận tải hàng không.

Trong 10 năm qua, nhất là gần 4 năm trở lại đây, cộng đồng doanh nghiệp đã viết nên một câu chuyện thành công về kinh tế và truyền cảm hứng mạnh mẽ về khởi nghiệp cho giới trẻ. Với nền tảng và niềm tin này, giờ đây cộng đồng doanh nghiệp hãy phát huy tinh thần dân tộc để cùng viết nên câu chuyện về một đất nước Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng trong 10 - 25 năm tới đây.

Một con số kỷ lục, trên 130 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới trong 11 tháng vừa qua, nâng tổng số tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước lên trên 750 nghìn và tạo việc làm cho khoảng 15 triệu người. Trong 4 năm trở lại đây, lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong một năm vượt mốc một trăm nghìn và đang tiếp tục tăng cao thêm. Nếu như năm 2016, trung bình 1.000 người dân có 5,4 doanh nghiệp thì đến năm ngoái là 1.000 dân có 7,6 doanh nghiệp.

Với tư duy và quan điểm mới, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, năm 2016, đã xác định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Hơn một năm sau đó, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được ban hành. Thực tiễn cho thấy, Nghị quyết này đang từng bước khơi dậy và giải phóng nguồn lực, giải phóng sức sản xuất còn rất lớn trong dân, làm tăng nguồn nội lực để xây dựng một nền kinh tế tự cường, đồng thời dần đưa kinh tế tư nhân trở thành một trong bốn trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc dân.

Gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Bây giờ kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt. Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân”.

leftcenterrightdel
 Thu hoạch nghệ từ mô hình hữu cơ tại Bắc Kạn .(Ảnh minh họa: HNV)

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, với phương châm liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn khẳng định quyết tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định cơ bản tỷ giá đồng Việt Nam. Chính phủ cũng cam kết bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân theo đúng Hiến pháp và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Trong nhiều phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ cắt giảm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh không cần thiết, đi cùng với việc giảm các cuộc thanh tra,  kiểm tra, kiểm toán chồng chéo. Kết quả là, gần 4 năm qua, đã có gần một nửa số thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh được cắt giảm và đơn giản hóa. Nhờ tinh thần quyết liệt này mà tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh” ở các địa phương đã giảm bớt.

Gần 4 năm qua, đã có khoảng 2/3 số tỉnh, thành trong cả nước, kể cả những tỉnh khó khăn nhất đã tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư để quảng bá tiềm năng, thế mạnh và nỗ lực cải cách của mình. Gần như tất cả các hội nghị đều có sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để truyền cảm hứng, khát vọng phát triển và quyết tâm cải cách tới chính quyền các địa phương cũng như các doanh nghiệp.  Qua các hội nghị xúc tiến đầu tư này, một lượng vốn rất lớn đã được các doanh nghiệp tư nhân trong nước cam kết đầu tư vào các địa phương. Vì thế, năm nay, vốn đầu tư xã hội chiếm tới 34% tổng sản phẩm trong nước.

Nhờ những cải cách liên tục và bền bỉ của các bộ và địa phương, năm nay, Việt Nam đã tăng cùng lúc 10 bậc và 3,5 điểm trong xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trở thành quán quân về sự bứt phá trên đường đua toàn cầu về cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.

Song hành với cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ cũng khuyến khích đổi mới sáng tạo, triển khai mạnh mẽ Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số. Nhờ đó, năm nay, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí thứ 42 trong 129 quốc gia. Cải thiện 17 bậc so với 3 năm trước đó, đưa Việt Nam chỉ đứng sau Singapore và Malaysia trong ASEAN.

Tới đây, Việt Nam cũng sẽ có Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đầu tiên để thu hút các công ty đến đặt trụ sở, qua đó, thúc đẩy việc đưa công nghệ mới vào Việt Nam và là nơi tạo ra những công nghệ mới.

Mấy năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp đã cùng Chính phủ làm nên một câu chuyện thành công về tăng trưởng kinh tế trên 7%, đưa quy mô tổng sản phẩm trong nước đạt gần 250 tỷ USD và kim ngạch xuất – nhập khẩu đạt 500 tỷ USD.

Lê Anh - Trâm Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực