Nghị quyết số 37/NQ-TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 đã thực hiện được 15 năm. Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm khai thác, phát huy triệt để tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; tốc độ tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu cơ bản của tỉnh so với các tỉnh trong vùng luôn đạt ở mức khá và cao hơn bình quân chung của cả nước. Số hộ nghèo giảm nhanh, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục đào tạo trong tỉnh có nhiều chuyển biến.
Các địa phương trung du, miền núi Bắc Bộ đã phát huy lợi thế
để phát triển kinh tế. Ảnh: nguoilaodong.vn
Trong giai đoạn 2004 - 2018, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện Nghị quyết số 37, tập trung vào những khâu đột phá, những chương trình, dự án có tính lan tỏa cao như: Chính sách về huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch, cải cách hành chính… Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004 - 2018 đạt 8,77%; quy mô tổng sản phẩm tăng 7 lần, từ 8.183,5 tỉ đồng năm 2004 lên 57.351,7 tỉ đồng năm 2018; GRDP bình quân đầu người tăng 6,5 lần, từ 6,3 triệu đồng (năm 2004) lên 40,8 triệu đồng năm 2018. So với các tiêu chí đánh giá về tốc độ phát triển, Phú Thọ xếp thứ 2/14 tỉnh vùng trung du miền núi Bắc bộ. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc; chính sách giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 7,1% (năm 2004 là trên 30%). Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được giữ vững ổn định.
Thái Nguyên cũng là tỉnh thực hiện Nghị quyết 37. Trong giai đoạn 2004-2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 12,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Năm 2018, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 57,2%; khu vực dịch vụ chiếm 31,9%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 10,9%.
Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5,9 triệu đồng năm 2004 lên 77,7 triệu đồng năm 2018 (gấp 13 lần); tương đương 3.370 USD/người/năm (mục tiêu đến năm 2020 theo Nghị quyết 37-NQ/TW là 2.000 USD/người/năm).
Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 25.066,2 triệu USD, gấp 857 lần năm 2004; là tỉnh đứng đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và đứng thứ 4 cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 10,2% vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2018 đạt 15.023 tỷ đồng (gấp 34,7 lần năm 2004), tăng bình quân trên 26,3%/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2018 là 88 xã, dự ước đến hết năm 2019 có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 101 xã (về trước 01 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX).
Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, một số lĩnh vực có sự phát triển bứt phá; hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch hằng năm; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; các chính sách xã hội được quan tâm đúng mức; cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư hoàn thiện; diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, tỉnh Sơn La cũng đã cơ bản các mục tiêu đã được hoàn thành, một số mục tiêu hoàn thành vượt mức, việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La đã có sự chuyển biến tích cực, nhanh, bền vững.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 2004-2018 tăng 13,2%/năm, cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp (tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm từ 47,9% năm 2004 xuống còn 23,2% năm 2018; công nghiệp, xây dựng tăng từ 17,1% lên 33,8%; dịch vụ tăng từ 34,9% lên 39,1%).
Thu ngân sách trên địa bàn năm 2018 đạt 5.030 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu trước 2 năm); tỷ lệ số xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 91,2%; bình quân tỷ lệ giảm hộ nghèo hàng năm từ 2,5- 3,5%/năm (chỉ tiêu kế hoạch tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm).
Điểm mấu chốt đặc biệt thành công sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 chính là cách thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và tìm được giải pháp phát triển để thoát nghèo bền vững. Sơn La đã thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy tốt lợi thế địa phương trong tổng thể vùng, tiểu vùng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, môi trường sinh thái…
Còn tại Lào Cai, sau 15 năm thực hiện, Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị đã đi vào cuộc sống, trở thành động lực quan trọng làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của cả vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng...
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao, bình quân giai đoạn 2004 – 2018 đạt 11,67%/năm; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch rõ nét, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm mạnh, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ ngày càng tăng; thu ngân sách nhà nước hàng năm trên địa bàn đều vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao và của tỉnh đề ra; chi ngân sách đã đảm bảo phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2004 – 2018 đạt 201.085 tỷ đồng.
Hệ thống đường giao thông được ưu tiên đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh. Hạ tầng cung cấp điện, năng lượng được ưu tiên đầu tư đồng bộ, đến nay có 164/164 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia; tỷ lệ số thôn bản có lưới điện quốc gia đạt 93,1%, tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới từ các nguồn đạt 95,9%. Di sản văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy, gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, giảm nghèo bền vững. Quy mô, mạng lưới giáo dục đào tạo phát triển mạnh, chất lượng được nâng lên rõ rệt; cơ sở vật chất trường, lớp học, nhà công vụ, nhà ở bán trú được quan tâm đầu tư. Các cơ sở dạy nghề được mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng theo hướng xã hội hóa. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2018 là 61,4%; trong đó đào tạo nghề 50,32%. Môi trường sinh thái ngày càng được coi trọng và bảo vệ; các cơ chế, chính sách, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội thường xuyên được rà soát, bổ sung nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế.
Đến hết năm 2018, các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Nghị quyết 37 cơ bản được thực hiện đạt và vượt kế hoạch: Thu nhập bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 60 triệu đồng/người/năm, gấp 1,3 lần so với chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020 (2.000 USD/người/năm) và bằng 102% GDP bình quân cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm 5% - 7% (hết năm 2018 còn 16,25%); đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, khu vực đô thị, nông thôn và vùng cao ngày càng đổi mới và phát triển.
Bên cạnh những kết quả đáng mừng đó, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, các tỉnh cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém: Chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Ngân sách dành cho đầu tư chưa đáp ứng được các nhu cầu triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, công trình trọng điểm. Sản xuất nông nghiệp phát triển chưa thật sự bền vững. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quy hoạch chưa đồng bộ, chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu tính khả thi; công tác quản lý quy hoạch còn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội còn hạn chế. Chưa có chính sách liên kết vùng, hạn chế trong việc nghiên cứu, dự báo xu thế phát triển. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh còn hạn chế. Các "tà đạo", tổ chức bất hợp pháp tự xưng; tội phạm về ma túy, tệ nạn xã hội còn diễn biến phát sinh. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị chưa tinh gọn; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn yếu.
Một phần nguyên nhân được cho là do hạn chế về kiện về tự nhiên, hạ tầng, nguồn nhân lực… do đó, các kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 37 cũng như mong mỏi của nhân dân và các địa phương trong vùng. Đến nay vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Đây là trăn trở và cũng là động lực để các tỉnh tiếp tục phấn đấu, đưa ra những biện pháp khắc phục. Hầu hết các địa phương mong muốn, để các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ có điều kiện bứt phá, phát triển trong những giai đoạn tiếp theo, Bộ Chính trị nghiên cứu sớm ban hành một Nghị quyết mới, làm cơ sở, tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của vùng trong những năm tiếp theo, tạo sự hài hòa trong nhịp phát triển chung của đất nước.
Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có vị trí địa-kinh tế, địa-chiến lược, địa-chính trị, địa-văn hóa-xã hội và dân tộc đặc biệt quan trọng; là vùng “phên dậu” của Tổ quốc, bao gồm 14 tỉnh trực thuộc trung ương và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An; là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của hầu hết các địa phương khu vực Bắc Bộ. Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương và vùng, ngày 01/7/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26-KL/TW ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khoá IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Chính phủ và các bộ, ngành đã dành một khối lượng vốn lớn tập trung đầu tư vào phát triển kinh tế-xã hội vùng thông qua các quy hoạch, kế hoạch và các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quốc gia… tạo nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội các địa phương nói riêng và toàn vùng nói chung. |
T. Huyền (tổng hợp)