Viettel vươn lên tầm cao mới

Thứ ba, 30/06/2020 08:34
(ĐCSVN) - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã gặt hái được rất nhiều thành công trong 5 năm qua. “Chìa khoá” để mở cánh cửa thành công ấn tượng ấy đã được bắt đầu từ Đại hội Đảng bộ Viettel lần thứ IX với các quyết sách chiến lược đúng đắn.
Viettel đã gặt hái được rất nhiều thành công trong 5 năm qua. 


“Bắt buộc phải thay đổi”

Những người chứng kiến sự lớn mạnh của Viettel thời gian qua đều thừa nhận rằng, trong điều kiện thị trường viễn thông bão hoà và cạnh tranh quyết liệt, Tập đoàn đã chuyển dịch đúng hướng để các hoạt động sản xuất kinh doanh đạt kết quả tốt.

Cụ thể, doanh thu đến hết năm 2020 ước đạt 246.016 tỉ đồng, tăng hơn 12% so với đầu nhiệm kỳ, lợi nhuận trước thuế ước đạt 40.257 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước; nộp ngân sách Nhà nước và Bộ Quốc phòng tăng 68% so với giai đoạn 2010 - 2015; năng suất lao động ước đạt 1,6 tỷ đồng/người/năm; thu nhập bình quân ước đạt 28,1 triệu đồng/người/tháng.

“5 năm qua, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, ảnh hưởng sâu sắc đến các công ty công nghệ, trong đó có Viettel. Nhiệm kỳ qua đã đặt ra cho Viettel một áp lực phải thay đổi, không còn cách nào khác” - Phó Bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nói.

Một tập đoàn có giá trị thương hiệu viễn thông  đứng số 1 Đông Nam Á và 28 trên thế giới, trong lịch sử phát triển đã gặt hái hết thành công này đến thành công khác, vậy mà vị “thuyền trưởng” của họ lại thốt ra một câu rất “nặng”: “Bắt buộc phải thay đổi”.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết: Trong khi thị trường viễn thông thế giới đã bão hòa, tốc độ tăng trưởng rất thấp, thì Viettel Global luôn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ trung bình hàng năm ở mức 2 con số là 26%/năm. Tốc độ tăng trưởng này cao gấp nhiều lần mức tăng trưởng bình quân của ngành viễn thông thế giới.

Nhưng là một tập đoàn kinh tế của Quân đội, Viettel đâu chỉ có “kinh doanh”, chuyên chú vào lợi nhuận, mà Viettel còn là một “sứ giả”. Bitel, Natcom, Telemor, Unitel, Metfone..., những thương hiệu do nhà đầu tư của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được Chính phủ và nhân dân nhiều nước lựa chọn bởi chất lượng dịch vụ và sự tin cậy. Tự hào lắm chứ, hình ảnh “anh bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế”, tiếp nối truyền thống của cha anh “lừng lẫy năm châu”.

Tự đánh giá về những đóng góp của Viettel cho việc nâng tầm vị thế Việt Nam, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nói: “Viettel tích cực đóng góp  trong tăng cường mối quan hệ ngoại giao, thiết lập khuôn khổ, cơ chế hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ và các định chế kinh tế quốc tế trên thế giới, được Chính phủ, Bộ Ngoại giao biểu dương, ghi nhận. Các hoạt động của Viettel đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Với “gánh nặng” trên vai mình, Viettel không thể có bước bứt phá như vậy được nếu không “chuyển đổi”. “Doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước; đầu tư nước ngoài có nhiều khởi sắc; thương hiệu giá trị nhất Việt Nam; là doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất; là một trong 10 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam; trở thành một trong 500 thương hiệu lớn nhất toàn cầu” - Bí thư Đảng uỷ, Phó Tổng Giám đốc, Thiếu tướng Hoàng Sơn cho hay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Tập đoàn Viettel (tháng 12/2016).

“Chìa khoá” thành công

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là với những doanh nghiệp đầu tàu, thì các tổ chức đảng có vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi hoạt động. Với Viettel, điều đó càng trở nên đặc biệt bởi đây là đơn vị kinh tế của quân đội. Được biết, ngay tại Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ IX, một hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và đặc biệt là giải pháp cụ thể, chi tiết đã được thảo luận sôi nổi, đưa vào nghị quyết Đại hội. Viettel đã xác định vị thế, cơ hội của mình là “doanh nghiệp số 1 Việt Nam, đã hội tụ các nguồn lực (con người, tài chính, công nghệ), với cách làm khác biệt, có nền tảng tư tưởng văn hoá và tầm nhìn chiến lược, là lợi thế để phát triển”. Đồng thời, nhìn về tương lai, Đảng bộ Tập đoàn cũng thấy rõ thách thức là bước sang giai đoạn mới, phải thay đổi, phải cạnh tranh với những công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới có lịch sử phát triển hàng trăm năm, tiềm lực tài chính lớn hơn Viettel gấp hàng chục lần.

“Đổi mới nội dung thi đua, khơi dậy tinh thần người Viettel như khi bước vào khởi nghiệp, khát vọng, vượt khó, làm việc với tinh thần “thời chiến” khẩn trương, quyết liệt, làm gấp 2, gấp 3 lần, tạo sự bùng nổ mới, đưa Viettel đi lên và sinh ra một Viettel mới”. Đó là lời hiệu triệu trong thông điệp thi đua của lãnh đạo Tập đoàn mà hẳn là người Viettel đều đã thấm nhuần. Nếu không phải là một doanh nghiệp quân đội được tổ chức quy củ, có tầm nhìn chiến lược, với phẩm chất kỷ luật, đoàn kết, không ngại gian khó, sẵn sàng nhận về mình những việc mới, việc khó của đất nước - của “Bộ đội Cụ Hồ” thì làm sao có thể hiện thực hoá được khát vọng ấy.

Để có được “Viettel mới” của ngày hôm nay, Thiếu tướng Hoàng Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng: “Những thành tựu quan trọng ở Viettel minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng về phát triển doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp Quân đội và hội nhập quốc tế”. Trong đó, “Đảng ủy Tập đoàn đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng. Từ đó, Tập đoàn đã mở rộng tổ chức, quy mô với nhiều nhiệm vụ mới cả lĩnh vực viễn thông và phát triển công nghiệp quốc phòng, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc tổ chức đáp ứng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới”.

Cũng theo Thiếu tướng Hoàng Sơn, những yếu tố về biên chế tổ chức cũng như sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng đối với nhiệm vụ chính trị trung tâm của Tập đoàn đã tạo nên một “guồng máy” hoạt động trơn tru, thống nhất và hiệu quả, trở thành sức mạnh tổng hợp thúc đẩy Viettel không ngừng vươn lên, trở thành doanh nghiệp đầu tàu của đất nước.

Nhìn về nhiệm kỳ tới (2020 - 2025), với nền tảng đã có, với thành quả đã đạt được, Đảng ủy Viettel xác định mục tiêu trở thành nòng cốt xây dựng nền công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Đó là trách nhiệm chính trị của một tập đoàn kinh tế mũi nhọn, một hình mẫu về tập đoàn kinh tế nhà nước như Viettel. Do đó, trước tiên, Đảng bộ sẽ lãnh đạo đơn vị từng bước chuyển đổi từ công ty cung cấp dịch vụ viễn thông thành công ty cung cấp dịch vụ số; chuyển dịch tăng trưởng doanh thu sang các lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số. Đây là nền tảng cơ bản tích lũy tài lực và công nghệ./. 

Minh Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực