Nhằm đưa Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đi vào cuộc sống, UBND tỉnh Vĩnh Phúc hướng đến mục tiêu, tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao thu nhập cho người dân trong tỉnh. Tập trung phát triển sản xuất, phát triển công nghiệp, dịch vụ, nâng cao thu nhập của nhân dân thông qua giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
Phấn đấu đến hết năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt từ 80-85 triệu đồng/người; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 40 giường; tuổi thọ bình quân của người dân đạt 75 tuổi. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường ở khu đô thị và khu vực nông thôn đạt 100%. Đồng thời, phấn đấu đến hết năm 2030, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt khoảng 130-135 triệu đồng/người. Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 45 giường, tuổi thọ bình quân của người dân đạt 76 tuổi.
|
Vĩnh Phúc phấn đấu đến hết năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt từ 80-85 triệu đồng/người (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: BT) |
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định các giải pháp thiết thực cần triển khai. Cụ thể như: Thực hiện đăng tải trên cổng thông tin điện tử của các sở, ngành về thông tin hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ phát triển hộ kinh doanh để cung cấp thông tin kịp thời về các chính sách hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh cho người dân/doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu. Tổ chức bộ phận chuyên trách để hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ quy trình, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ này. Xây dựng dữ liệu lớn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và tìm hiểu thị trường của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để thực hiện đồng bộ ở tất cả các ngành, lĩnh vực, tạo ra kết quả rõ nét, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh về cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh so với các địa phương khác đối với các ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển của tỉnh. Triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư các ngành, lĩnh vực có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Tăng cường giới thiệu, quảng bá, xúc tiến, thu hút các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, trong và ngoài tỉnh triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng thu hút các dự án có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sản phẩm xuất khẩu.
Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ việc thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp qua môi trường mạng, tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn để mọi người dân của tỉnh phát huy sức sáng tạo, dám lập nghiệp và khởi nghiệp từ nông thôn đến thành thị. Qua đó, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để làm giàu cho bản thân và xã hội.
Đẩy mạnh hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với doanh nghiệp FDI trong việc cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nội tỉnh tiếp cận các chuỗi cung ứng ngoại tỉnh. Hỗ trợ nâng cấp, phát triển một bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh có trình độ, năng lực sản xuất, kỹ năng phù hợp đáp ứng tiêu chuẩn theo yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từng bước hình thành các doanh nghiệp có vai trò định hướng, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh phát triển.
|
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những giải pháp được tỉnh Vĩnh Phúc tập trung triển khai để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết (Ảnh minh họa:. Nguồn ảnh: BT) |
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để người dân, doanh nghiệp nắm bắt và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, từ đó nhằm nâng cao hiệu quả trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất và đời sống.
Sở Y tế thực hiện có hiệu quả công tác đầu tư hệ thống y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đáp ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Xây dựng cơ cấu nguồn nhân lực ngành y hợp lý giữa bác sỹ - y sỹ - hộ lý và nhân viên. Đãi ngộ, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để nâng tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đến năm 2025 đạt 15 bác sĩ/vạn dân và 17 bác sĩ/vạn dân vào năm 2030. Hình thành mạng lưới y tế đồng bộ, chất lượng cao ở tất cả các tuyến.
Với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn. Trong đó, tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 đạt: 100% số huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo quy định của Trung ương; có ít nhất 40% số xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo chuẩn quy định giai đoạn 2021-2025.
UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Trong đó, tập trung rà soát, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách nhằm sử dụng có hiệu quả và phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết./.